Thổ Nhĩ Kỳ quyết dùng "át chủ bài" đáp trả lệnh trừng phạt S-400, Mỹ "run rẩy" trước "bão lớn"

Thổ Nhĩ Kỳ quyết dùng "át chủ bài" đáp trả lệnh trừng phạt S-400, Mỹ "run rẩy" trước "bão lớn"

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 6, 13/12/2019 14:35

Dọa đóng cửa hai căn cứ Mỹ nhằm đáp trả lệnh trừng phạt đối với S-400, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra con át chủ bài mạnh nhất để phản công. Tuy nhiên, liệu động thái này có hiệu quả?

Tiêu điểm - Thổ Nhĩ Kỳ quyết dùng 'át chủ bài' đáp trả lệnh trừng phạt S-400, Mỹ 'run rẩy' trước 'bão lớn'

Căn cứ Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa được đem ra làm mục tiêu đánh đổi.

Át chủ bài

Trong cuộc phỏng vấn hôm 11/12, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố có thể cấm Mỹ sử dụng hai căn cứ quan trọng ở nước này để đáp trả các biện pháp trừng phạt có thể được đưa ra đối với thương vụ S-400 của Nga và chiến dịch quân sự ở đông bắc Syria.

Đây không phải là lần đầu tiên Ankara đưa ra những cảnh báo như vậy, nhưng với nguy cơ lệnh trừng phạt đang trở thành hiện thực, dường như thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên cứng rắn hơn.

Theo Al-Monitor, lời đáp trả của Ngoại trưởng Cavusoglu đã ngay lập tức trở thành tâm điểm trên truyền thông, tuy nhiên câu hỏi đặt ra là liệu Thổ Nhĩ Kỳ có dám đóng cửa căn cứ Incirlik và căn cứ radar Kurecik không?

Vào năm 2017, ông Cavusoglu cũng từng cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ có thể xem xét đóng cửa căn cứ Incirlik vì bức xúc trước thái độ một số thành viên NATO. Tháng 7 vừa qua, ông lại ám chỉ việc sử dụng “quân bài” Incirlik trong trường hợp bị trừng phạt theo CAATSA.

Ngoại trưởng Cavusoglu đã thể hiện hình ảnh một nhân vật khó tính trong những tháng gần đây, khi ông được phân vai là “cớm xấu” trong mối quan hệ với Mỹ, còn Bộ trưởng Quốc phòng Hulusi Akar đóng vai “cớm tốt”.

Với tình hình mới ở Washington, việc đưa vấn đề Incirlik và Kurecik lên bàn đàm phán là nhằm tăng cường sức mạnh thương lượng của Ankara.

Sức mạnh Mỹ ở Trung Đông

Căn cứ không quân Incirlik bắt đầu hoạt động vào năm 1955 khi Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách thúc đẩy quan hệ với NATO và khối an ninh phương Tây. Đây thực chất là một căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ, với một phần được phân bổ cho quân đội Mỹ sử dụng.

Cơ sở này là một trong 13 căn cứ lớn nhất dành cho quân đội Mỹ trên toàn thế giới. Các điều khoản sử dụng gần đây nhất được quy định trong Thỏa thuận Hợp tác Kinh tế và Quốc phòng mà Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ ký vào tháng 3/1980.

Theo thỏa thuận, tất cả các căn cứ và cơ sở được liệt kê - bao gồm cả Incirlik - được phân bổ cho Mỹ sử dụng như một phần trong quy định của Hiệp ước NATO và phù hợp với các kế hoạch phòng thủ của NATO.

Theo quy định, Mỹ công nhận tất cả các quyền chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Incirlik và cam kết không triển khai máy bay chiến đấu cho các hoạt động khác ngoài nhiệm vụ của NATO. Không quân Thổ Nhĩ Kỳ chịu trách nhiệm cho tất cả các dịch vụ kiểm soát và không lưu tại căn cứ này.

Kể từ khi khánh thành, căn cứ này đã luôn là chủ đề tranh luận chính trị và là mục tiêu của các nhóm phản đối quan hệ đối tác quân sự với Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trên thực tế, Ankara từng cấm Mỹ sử dụng căn cứ này trước đây. Động thái này được đưa ra vào tháng 7/1975 để trả đũa lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ liên quan đến sự can thiệp quân sự của nước này ở đảo Síp.

Căn cứ được mở cửa trở lại sau khi Quốc hội Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận và khôi phục hỗ trợ quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 9/1978.

Tiêu điểm - Thổ Nhĩ Kỳ quyết dùng 'át chủ bài' đáp trả lệnh trừng phạt S-400, Mỹ 'run rẩy' trước 'bão lớn' (Hình 2).

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu.

Theo một cuộc thăm dò dư luận được thực hiện vào giữa tháng 11, 30% công chúng Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng Mỹ nên bị cấm sử dụng Incirlik nếu quan hệ song phương xấu đi, trong khi 64% ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn.

Ngoài ra, cuộc thăm dò cho thấy người Thổ Nhĩ Kỳ có ít niềm tin ông Trump có thể giúp cải thiện quan hệ song phương. Hơn 84% tin rằng không nên đặt niềm tin vào Tổng thống Trump, chỉ có 6% khẳng định rằng Tổng thống Mỹ đáng tin. Nói cách khác, công chúng Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn đồng thuận với việc đóng cửa căn cứ.

Rõ ràng, tiếng nói của Ankara đang trở nên có trọng lượng hơn khi cầm trong tay những con át chủ bài của mình về căn cứ Incirlik và Kurecik, để đánh bại cả Mỹ và NATO.

Khó có thể dự đoán được Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đi bao xa trong trò chơi thương lượng này, nhưng có một điều chắc chắn: Ankara không có đủ khả năng đóng cửa căn cứ Incirlik trừ khi họ quyết định rời khỏi NATO.

Bão nổi lên

Sự rạn nứt hiện tại của Ankara với Washington và khối an ninh phương Tây có nghiêm trọng như năm 1975 không?

Có vẻ như cuộc khủng hoảng hiện tại chưa đến mức như vậy, nhưng nó có thể đổ vỡ không thể hàn gắn một khi Washington đưa ra gói trừng phạt mạnh mẽ nhắm vào Tổng thống Erdogan và các quan chức khác, đồng thời làm suy yếu nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi ông Trump không thể ngăn chặn hoặc đơn giản là làm thinh.

Đối với Mỹ, căn cứ Incirlik có tầm quan trọng rất lớn, mang lại lợi thế về chi phí và thời gian trong các hoạt động ở Trung Đông nhờ vào vị trí địa lý và cấu trúc vững chắc.

Tuy nhiên, căn cứ này không phải là không thể thiếu, bằng chứng là trong cuộc không kích tháng 10 ở Syria nhằm tiêu diệt thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi, các lực lượng Mỹ đã sử dụng căn cứ ở Erbil ở Iraq, thay vì Incirlik nằm gần hơn.

Bên cạnh miền Bắc Iraq, Hy Lạp và miền Bắc Syria cũng cung cấp các lựa chọn thay thế cho Incirlik. Với mối quan hệ chiến lược ngày càng tăng của Washington với Athens, các căn cứ của Mỹ ở Hy Lạp có thể trở thành lựa chọn tích cực hơn nếu Ankara muốn loại bỏ quân đội Mỹ ra khỏi Incirlik.

Giới quan sát đang chờ đợi phản ứng của hai nhân vật đáng chú ý sau phát biểu đóng cửa căn cứ Mỹ của Ngoại trưởng Cavusoglu.

Đầu tiên là người được phân vai “cớm tốt” của Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Quốc phòng Akar, người đóng vai trò trung gian hòa giải với Washington. Từ trước đến nay, các tuyên bố của ông Akar đều nhằm giảm nhẹ tình hình hay làm dịu đi những phát biểu sắt đá của quan chức trong nước.

Tuy nhiên, nếu lần này ông Akar lên tiếng ủng hộ đồng nghiệp Cavusoglu, đó sẽ là điềm báo cho thấy mọi thứ đang trở nên nghiêm trọng.

Người thứ hai là Tổng thống Trump, nhà lãnh đạo mà Ankara đã đặt rất nhiều hy vọng. Nếu ông Trump cho thấy rằng ông không có khả năng xua tan giông bão đang tập trung ở Washington hoặc không nỗ lực làm điều này, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ có thể sẽ chuẩn bị cho một trận cuồng phong tương tự như thảm họa trong thập niên 1970.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.