Theo đại tá Phạm Văn Tám (Trưởng phòng 8, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an) vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Dương Văn Khánh (Khánh “Trắng”) được coi là trùm xã hội đen, có vỏ bọc là Chủ tịch Nghiệp đoàn bốc xếp chợ Đồng Xuân. Dưới trướng của Khánh có khoảng 500 “quân”, đều là người có tiền án, tiền sự...
Ngày 22/5/1996, Khánh trực tiếp chỉ huy đàn em thực hiện vụ cướp tài sản ở phố Kim Mã. Hai ngày sau, Khánh bị bắt. Trong quá trình điều tra, Khánh khai nhận hết hành vi cướp tài sản. Nhưng khi lật lại vụ giết anh Đạt (tức Nguyễn Đức Thắng) ở 44 Hàng Chiếu, Khánh tỏ ra vô can. Quá trình điều tra vụ này, cơ quan điều tra nhận thấy thủ phạm phải là người thuận tay trái. Nghi can Vũ Quốc Dũng khi tước được dao từ Đạt, ở tư thế đối diện không thể đâm 3 nhát (một ở đùi, một ở sau lưng, một ở vai trái) cho nạn nhân.
Cuộc đấu trí giữa điều tra viên Tám và Khánh “Trắng” diễn ra gần một tháng ròng. Biết Khánh nghiện thuốc lá nặng, mỗi lần thực hiện hỏi cung Khánh, anh Tám đốt thuốc và cố ý phả hơi vào mặt hắn, chỉ non nửa điếu lại dập tắt.
Cho đến một lần, anh hỏi “có hút thuốc không?”, Khánh đáp “có ạ!”. Sau khi châm thuốc, rít vài hơi, anh bất ngờ ném điếu thuốc về phía Khánh và Khánh đã bắt gọn bằng tay trái. Anh thoáng mỉm cười vì con mồi đã "sập bẫy", tiếp tục từ tốn: “Thế anh thuận tay phải hay tay trái?”. Khánh ấp úng: “Cán bộ biết rồi lại còn hỏi!”. Thế là cái nút thắt đã được mở, Khánh “Trắng” đã phải trả án tử hình.
Cuối năm 1998, anh Tám được điều động về công tác tại Cục điều tra tội phạm về ma túy. Ở đây chỉ 6 tháng, anh và đồng đội đã kịp khám phá thành công đường dây buôn bán ma túy Nguyễn Đức Lượng, lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ.
Đầu mối của chuyên án ma túy này là Bùi Hữu Tài, đang có lệnh truy nã đỏ của Tòa án Melbourne (Australia) vì tội bắt cóc, giết người để bịt đầu mối trong một trong một phi vụ làm ăn tại đây. Tháng 2/1998, hắn nhập cảnh Việt Nam, núp dưới cái tên Vũ Mạnh Cường. Ban chuyên án giao anh Tám trực tiếp khám xét nhà Tài. Trong khi khám xét, bất ngờ Nguyễn Thị Hoa xuất hiện. Sau mấy câu thẩm vấn, anh xác định người đàn bà này có liên quan đến đường dây cung cấp ma túy cho Tài nên yêu cầu tạm giữ và khám xét nơi ở của Hoa.
Đúng như dự đoán, tang vật thu được là một cân điện tử, bốn túi nilon, một số sổ sách, giấy tờ ghi chép việc giao dịch mua bán ma túy… đã chứng tỏ Hoa là mắt xích quan trọng trong đường dây. Trong quá trình lấy cung, Tài tỏ ra ngang ngược, bất cần. Nhưng với đòn tâm lý và chiến thuật hỏi cung sắc sảo, Tài dần bị quy phục trước điều tra viên Tám.
Còn Hoa liên tục gây nhiễu, chống đối. “Có những buổi tại phòng hỏi cung, Hoa đái tồ tồ trước mặt điều tra viên...”, anh cười khi nhớ lại những chi tiết đó. Về sau, khi biết thoát án tử hình vì đang mang thai, được giám thị trại giam giúp đỡ khi vượt cạn, Hoa đã khai ra trùm ma túy Nguyễn Hữu Lượng (ở Diễn Châu, Nghệ An).
Nhắc lại vụ án Vườn Điều xảy ra vào đêm 21 rạng 22/5/1993 nhưng thủ phạm gây ra cái chết của bà Dương Thị Mỹ vẫn là một ẩn số mặc dù sau 4 phiên tòa xét xử: hai sơ phẩm và hai phúc thẩm. Nếu không có vụ khai quật tử thi bà Mỹ vào chiều 21/6/2005 mà anh là người trực tiếp tham gia có lẽ nỗi oan vẫn còn đó.
“Việc khai quật này có hai mục đích, một là xác định người bị chết có phải là bà Mỹ hay không, vì cơ quan điều tra trước đây không nhận dạng tử thi. Hai là, điều tra ban đầu chỉ mô tả thương tích trên người nạn nhân mà quên việc giải phẫu tử thi... nên việc khai quật là cần thiết và quan trọng nhằm làm sáng tỏ vụ án”, anh vừa kể vừa mở bản ảnh hiện trường vụ khai quật.
Theo kết luận điều tra của Cơ quan điều tra, Bộ Công an, không đủ chứng cứ buộc tội các bị can trong vụ án Vườn Điều. Ngày 20/1/2006, đại diện lãnh đạo huyện Hàm Tân, đại diện lãnh đạo Công an, VKSND và TAND tỉnh Bình Thuận đã xin lỗi công khai các công dân bị bắt oan sai trong vụ án Vườn Điều. Tám thành viên trong gia đình bà Nguyễn Thị Lâm được minh oan...
Theo An ninh thủ đô