Zaslon là đơn vị tinh nhuệ của đơn vị tác chiến đặc biệt của Nga có tên Spetsnaz, được thành lập vào khoảng năm 1998, trực thuộc Cơ quan Tình báo Nước ngoài Nga. Đây là lực lượng chuyên hoạt động bí mật với nhiệm vụ chính là bảo vệ công dân và tài sản của Nga ở nước ngoài, trong đó có bảo vệ an ninh cho các nhà ngoại giao, đại sứ quán, những chuyến công du của lãnh đạo Nga ở nhiều quốc gia có tình hình chính trị bất ổn.
Bên cạnh việc tham gia giải cứu con tin, ứng phó trước các nhóm cực đoan, khủng bố - khi cần thiết Zaslon sẽ tham gia các chiến dịch sơ tán công dân Nga khỏi các điểm nóng. Zaslon chính là đơn vị thực hiện nhiệm vụ sơ tán công dân Nga và nhân viên toà đại sứ Mỹ ở Sanaa, Yemen hồi tháng 4/2015 trong cuộc tấn công của phiến quân Houthi.
Trong thời gian qua một số phương tiện truyền thông phương Tây cho rằng Zaslon đã bắt đầu tham chiến ở Syria khi có mặt để bảo vệ căn cứ không quân Hmeimim ở Latakia, Syria. Tuy nhiên, phía Nga đã bác bỏ khi nói rằng đơn vị này có mặt ở Syria để bảo vệ an ninh cho đại sứ quán Nga tại Damascus và các lãnh sự quán tại các thành phố khác.
Lực lượng Zaslon hiện có khoảng 300 người và được tuyển chọn từ các đặc nhiệm tinh nhuệ của Spetsnaz và trải qua 6 tháng huấn luyện ở trung tâm Vladimir. Bên cạnh việc thành thạo ngôn ngữ ở quốc gia mà họ đến làm việc, các đặc nhiệm của đơn vị này phải tìm cho mình một "vỏ bọc" trong một công việc bình thường để hoạt động bí mật.
Đây cũng là chủ trương của Moscow trong việc tiết kiệm ngân sách. Khi không phải làm nhiệm vụ, các chiến binh sẽ tham gia làm kinh tế cho các đại sứ quán và các cơ quan đại diện thường trú của Nga.
Trong hơn 10 năm qua các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã không cho phép lực lượng đặc biệt Zaslon bảo vệ các nhà ngoại giao Nga đang làm việc ở quốc gia này, mặc dù thực tế nhiệm vụ chính của Zaslon khi ra đời là để đảm bảo an ninh cho tất cả nhân viên đại sứ quán.
Lực lượng Zaslon hiện đang thực hiện nhiệm vụ tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Mỗi đặc viên được trang bị tốt về vũ trang và kỹ năng cấp cứu phức tạp như phẫu thuật. Bởi vậy đây là đơn vị tối quan trọng mà Nga muốn cung ứng cho quan chức của họ ở nước ngoài.
Sau vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov hôm 19/12, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngay lập tức khởi động lại các cuộc thảo luận về khả năng cho phép các chiến binh Zaslon được bảo vệ các nhà ngoại giao Nga, mộtt thành viên giấu tên của đơn vị này nói với tờ Rosbalt.
Người này cho biết nếu như họ được phép bảo vệ vị đại sứ ngay từ đầu, câu chuyện đau lòng này có thể đã không xảy ra. Bởi dưới cái nhìn của một đặc nhiệm Zaslon, họ sẽ không cho phép bất kỳ ai được đứng đằng sau ông Karlov. Bên cạnh đó sẽ có hai đặc nhiệm vũ trang mặc thường phục có nhiệm vụ quan sát mọi người trong hội trường và phản ứng ngay khi có một tình huống bất ngờ diễn ra. Một số đặc nhiệm Zaslon khác cũng sẽ trà trộn vào những người tham gia triển lãm để bao quát tình hình.
Ngay cả trong quá trình di chuyển đến địa điểm chỉ định, ông Karlov cũng sẽ được bảo hộ trong một chiếc xe bọc thép với những chiến binh Zaslon tinh nhuệ cận kề. Họ không chỉ trang bị súng mà còn cả vũ khí tự động.
Đơn vị an ninh nước ngoài của Nga đã lên tiếng về các mối đe dọa đối với nhân viên đại sứ quán tại Thổ Nhĩ Kỳ từ hơn 10 năm trước đây khi nhiều chiến binh người Nga từng chiến đấu ở Bắc Kavkaz tới Thổ Nhĩ Kỳ nghỉ ngơi và chữa bệnh. Họ là những người có tiềm năng gặp nguy hiểm nhất đến từ các mối đe dọa khủng bố và cực đoan.
Hơn 10 năm trước, đơn vị Zaslon đã đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ cho phép họ tham gia hoạt động tại nơi đây nhưng sau đó đã không được chính phủ cho phép. Lý do khiến Ankara từ chối là bởi Zaslon khi tới một quốc gia thường mang theo một lượng vũ khí lớn, trong đó bao gồm các loại vũ khí và trang thiết bị công nghệ cao.
Khi làm nhiệm vụ chiến binh sẽ di chuyển về thành phố với xe bọc thép cùng vũ khí của họ. Thổ Nhĩ Kỳ trước đó đã phản đối việc người Nga có vũ trang hoạt động trên khắp cả nước.
Tuy nhiên sự cấm đoán này thường không xảy ra ở những nước mà mối đe dọa đối với nhân viên đại sứ quán Nga thật sự hiện hữu. Trên thực tế Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện sự lo xa của mình bởi bởi lực lượng cung cấp an ninh ngoại giao thường có quy mô nhỏ và trang bị vũ khí đặc thù.
Trong thời điểm hiện tại, lực lượng Zaslon đang có mặt ở rất nhiều nước trên thế giới. Trong đó có một số điểm nóng như Iraq, Syria, Afghanistan, Libya, Yemen và các nước khác.
Với việc Ankara và Moscow đang nối lại quan hệ và hợp tác cùng nhau trên nhiều khía cạnh. Một số quan chức an ninh của Nga đang hy vọng cuộc đàm phán cung cấp lực lượng bảo vệ cho công dân ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm được thông qua.
Quốc Vinh