Theo đó, Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia. Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Bộ Công an là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia và có cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên trách; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố cấp tỉnh.
Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố cấp tỉnh làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; Công an cấp tỉnh là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố cấp tỉnh và có đơn vị tham mưu, giúp việc.
Lực lượng chống khủng bố gồm: Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được giao thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố; Các lực lượng khác được huy động tham gia chống khủng bố; bộ trưởng Bộ Công an, bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thuộc lực lượng chống khủng bố.
Các đơn vị thuộc Bộ CA, Bộ Quốc phòng được giao chống khủng bố
Luật “Phòng, chống khủng bố” cũng nói rõ, chống khủng bố tại trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và chỗ ở của thành viên các cơ quan này.
Khi có căn cứ cho rằng khủng bố đã, đang hoặc sẽ xảy ra tại trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và chỗ ở của thành viên các cơ quan này trên lãnh thổ Việt Nam thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc người biết vụ việc phải kịp thời báo cho lực lượng chống khủng bố quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 của Luật này hoặc cơ quan Công an, Quân đội, Ủy ban nhân dân nơi gần nhất.
Cơ quan Công an, Quân đội, Ủy ban nhân dân nhận được tin báo, tố giác về khủng bố có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác theo quy định tại Điều 29 của Luật này.
Khi chống khủng bố trong trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và chỗ ở của thành viên các cơ quan này, cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam phải tuân theo quy định của Luật này và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Ngoài ra, Điều 35 của Luật cũng nói rõ: Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thực hiện việc kiểm soát vận chuyển tiền mặt, kim khí quý, đá quý và công cụ chuyển nhượng qua biên giới Việt Nam theo quy định tại Điều 24 của Luật này và Điều 24 của Luật phòng, chống rửa tiền nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi lợi dụng các hoạt động này để tài trợ khủng bố.
Trước khi thông qua “Luật Phòng, chống khủng bố”, Ủy ban TVQH đã có giải trình, tiếp thu ý kiến của các ĐB Quốc hội góp ý cho dự thảo luật. Có ý kiến đề nghị không nên quy định các biện pháp chống khủng bố cụ thể trong Luật, nhất là biện pháp “thương thuyết với đối tượng khủng bố”; có ý kiến đề nghị cân nhắc biện pháp “phá, dỡ nhà, công trình xây dựng”; có ý kiến đề nghị quy định bổ sung biện pháp tạm thời đình chỉ các hoạt động công cộng, đông người ở khu vực xảy ra khủng bố hoặc có nguy cơ xảy ra khủng bố; có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định mức độ khẩn cấp của tình huống khủng bố tại khoản 3 để làm căn cứ quyết định áp dụng các biện pháp chống khủng bố.
UBTVQH giải trình: Những biện pháp liên quan đến quốc phòng, an ninh, quyền cơ bản của công dân nên phải được quy định trong Luật. Biện pháp “thương thuyết với đối tượng khủng bố”, “phá, dỡ nhà, công trình xây dựng” là 2 biện pháp đã được đúc rút kinh nghiệm trong thực tế xử lý tình huống khủng bố ở nước ta và kinh nghiệm của quốc tế, vì vậy đề nghị quy định 2 biện pháp này trong dự thảo Luật.
Còn biện pháp tạm thời đình chỉ các hoạt động công cộng, đông người ở khu vực xảy ra khủng bố được xác định là một biện pháp chống khủng bố, đã được quy định tại khoản 1 Điều 30 (các biện pháp theo quy định pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội), nhưng không phải là một biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay.
Theo Giáo dục Việt Nam