Dấu tích về "Vườn đào Hải Thượng" được lưu truyền rất rõ trong thi ca, nhưng tư liệu ghi chép về nó không được nhiều. Nhân kỷ niệm 300 năm ngày sinh Đại danh y Lê Hữu Trác, chúng tôi có dịp trở về khu vườn dược hoa này.
Không có nhiều tư liệu ghi chép vườn đào Hải Thượng Lãn Ông trồng từ bao giờ, có bao nhiêu gốc... Nhưng qua chuyện kể của nhân dân Sơn Quang (nay là xã Quang Diệm), huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, qua những vần thơ của thi nhân, chúng ta có thể biết rằng: Vườn đào ấy được trồng sau khi Hải Thượng Lãn Ông trở về làng quê này để nuôi mẹ, chăm em.
Nhân dân Quang Diệm kể rằng: Vào khoảng năm 1750, cụ Hải (tên gọi thân mật của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác) ươm đào và nhân giống. Đây là giống đào phai của địa phương. Giống đào hoang dại này mọc nhiều ở núi Nen. Cây to, tán rộng, nhiều cành, hoa năm cánh, màu hồng phai; quả nhỏ, nhiều lông, lúc chín vỏ màu vàng xanh, hạt nhỏ.
Trong gia phả họ Lê cũng ghi rằng: "Vườn đào rộng 6 mẫu (3 ha) nằm sát bờ phải sông Ngàn Phố". Cụ Lê Hữu Trác trồng đào không chỉ là thú chơi hoa ngắm cảnh, mà chủ yếu để làm thuốc quý.
Lá đào sắc chữa nhọt, hạt đào chữa bệnh cho phụ nữ… đã được ghi trong các bài thuốc của Hải Thượng Lãn Ông. Đào mọc quấn quýt trước sân, trước cổng, sau nhà. Mùa xuân, khi hoa nở rộ, ong bướm ríu ra ríu rít tìm hoa hút mật.
Giờ đây, vườn đào Hải Thượng chỉ còn khoảng 10 gốc, được trồng phía trước góc trái nhà thờ. Mỗi khi Tết đến, Xuân về…, người dân quanh vùng thường về đây dâng hương rồi ra vườn đào ngắm cảnh, chụp hình lưu niệm.
Người dân thường về đây dâng hương rồi ra vườn đào ngắm cảnh, chụp hình lưu niệm.
Năm nay, đào trong vườn nở sớm hơn mọi năm. Một số cây đã đâm chồi, nảy lộc, xen vào đó là những nụ hồng phai khoe sắc xuân sớm.
Xuân Hồng – Thiện Quyền