Donald Trump là một tổ hợp kỳ lạ của quan điểm phi truyền thống

Donald Trump là một tổ hợp kỳ lạ của quan điểm phi truyền thống

Thứ 7, 22/10/2016 07:06

Hai ứng cử viên đại diện hai chính đảng Dân chủ và Cộng hòa có quan niệm rất khác nhau về vai trò của chính quyền, và đề xuất những chính sách rất khác nhau cả về đối nội và đối ngoại.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 có quá nhiều yếu tố bất ngờ, PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với TS. Bùi Thị Phương Lan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ về những vấn đề được quan tâm trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016.

PV: Xin chia sẻ nhận định của bà về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 năm nay?

Tiêu điểm - Donald Trump là một tổ hợp kỳ lạ của quan điểm phi truyền thống

 Cuộc bầu cử càng về giai đoạn cuối càng có nhiều yếu tố bất ngờ

 

TS. Bùi Thị Phương Lan: Giai đoạn 2015-2016 đánh dấu sự khởi đầu hai chính đảng Mỹ dốc sức tranh cử và cũng là hoàn tất quy trình giành ghế tổng thống trong cuộc tuyển cử 2016. Bốn năm một lần, quy trình hoạt động chính trị tiến tới tranh cử tổng thống trên toàn quốc để lựa chọn người sứng đáng điều hành Hợp chúng quốc Hoa kỳ là một chuỗi những sự kiện chính trị có ý nghĩa vô cùng to lớn quyết định sự phát triển quốc gia.

Bầu cử tổng thống là thời điểm toàn nước Mỹ đánh giá một số chuyển biến lớn, bàn luận về ý thức hệ, và xác định lại định hướng cũng như mục tiêu phát triển đất nước cho phù hợp với thời cuộc.

PV: Nhiều người nhận định, bất cứ ai trong hai ứng cử viên hiện nay thắng cử đều đi vào lịch sử Mỹ?

TS. Bùi Thị Phương Lan: Hai ứng cử viên đại diện hai chính đảng Dân chủ và Cộng hòa có quan niệm rất khác nhau về vai trò của chính quyền, và đề xuất những chính sách rất khác nhau cả về đối nội và đối ngoại.

Đảng Dân chủ là chính đảng tin vào khả năng chính phủ có thể đưa ra giải pháp hiệu quả, và cương lĩnh hành động là chính phủ sẽ luôn nỗ lực hỗ trợ người dân. Định hướng tư tưởng đảng Cộng hòa từ thời tổng thống Reagan đã theo hướng tiếp cận rằng đặc thù bản chất của chính phủ là rất khó hoạt động hiệu quả. Sự điều hành của chính phủ không phải là giải pháp, mà chính sự quản lý của chính phủ là cội nguồn của các vấn đề.

Sự thăng tiến của những người ngoài cuộc, tức các ứng viên phi thiết chế cho thấy cử tri Mỹ mệt mỏi trước hệ thống chính trị tại Washington. Cả ông Trump và ông Sanders tranh cử lá phiếu cho hai đảng đối lập đều đánh vào sự bất mãn của cử tri. Hai chính trị gia này ra tranh cử hai đảng khác nhau, và có chung ở điểm cả hai đều là người ngoại đạo đại diện cho những phe phái dân túy tấn công giới tinh hoa và những điều mới mẻ họ mang tới làm khuấy động chính trường Mỹ.

PV: Bà nhận định ra sao về sự lựa chọn của hai đảng?

TS. Bùi Thị Phương Lan: Có thể nói đảng Cộng hòa đã gặp kết quả bất ngờ trong một quy trình truyền thống. Quá trình sàng lọc tìm ứng viên đại diện cho đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống 2016 cho thấy sự phân hóa nội bộ trầm trọng.

Đảng Cộng hòa khởi động rầm rộ với 17 ứng viên  bộc lộ những quan điểm hết sức khác nhau nhưng ở tâm điểm của các vấn đề đều có sự nhất quán về giá trị và niềm tin.

Trước hết, ông Trump là một tổ hợp kỳ lạ của nhiều quan điểm phi truyền thống. Nhìn chung, thông điệp chính trị của ông hướng tới những nhóm mang tính dân tộc cao, không nhắm tói đúng một nhóm chính trị nào đã định hình trong nội bộ đảng Cộng hòa.

Ông không đại diện cho riêng bất cứ nhóm cử tri cốt lõi nào mà tranh cử trên quan điểm có ủng hộ một số chương trình xã hội và cổ súy trường phái kinh tế tân tự do nhưng lại chống tự do thương mại.

Tiêu điểm - Donald Trump là một tổ hợp kỳ lạ của quan điểm phi truyền thống (Hình 2).

 Điểm nhấn trong chính sách của ứng viên đảng Cộng hòa đó là nhập cư bất hợp pháp và nền kinh tế. Cả hai vấn đề này luôn là tâm điểm sự tranh cãi của các cử tri Mỹ

Ông Trump hiểu được mối quan tâm của người lao động Mỹ ít học, đặc biệt là nam giới. Trong nhiều năm, tầng lớp công nhân Mỹ phải chịu đựng cảnh thiếu việc làm và lương thấp. Họ chứng kiến sự toàn cầu hoá, nhập cư, thương mại tự do, và cảm thấy bị bỏ lại phía sau.

Khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng trở lại, cuộc sống của tầng lớp này không được cải thiện. Sự thăng tiến trong con đường chính trị của ông cho thấy chính nước Mỹ là môi trường phát sinh những quan điểm nguy hiểm. Ông Trump đạt được sự thăng hoa chính trị nhờ châm ngòi hai điều những người đàn ông da trắng Cộng Hòa bực tức nhất: đó là nhập cư bất hợp pháp và nền kinh tế.

Những diễn biến cho thấy tín hiệu rõ ràng rằng xã hội Mỹ đang trải qua nhiều thay đổi sâu rộng, đất nước đang chịu sự chia rẽ sâu sắc. Bà Hillary Clinton sẽ thắng cử nếu như đảng Cộng hòa tiếp tục chia rẽ.

Hillary Clinton là đại diện tiêu biểu cho giới trí thức tại New York, là cựu ngoại trưởng Mỹ, hai lần đăc cử vào Thượng Viện giúp bà thoát khỏi cái bóng của chồng mình là cựu tổng thống Bill Clinton. Bà là nữ ứng cử viên đầu tiên đại diện cho đảng Dân chủ với rất nhiều kinh nghiệm chính trường. Nếu đắc cử, bà sẽ là người phụ nữ làm nên lịch sử, là nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ. 

 

Phương Anh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.