Donald Trump vẫn luôn khiến công chúng đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với cá tính độc đáo của mình. Có lẽ từ trước đến nay không có một chính khách nào ngoại giao bằng mạng xã hội giống như vị tổng thống đắc cử này.
Ông Trump sử dụng trang cá nhân Twitter của mình để thông báo về cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, và tiếp sau ông có một dòng trạng thái lên án chính sách kinh tế và sự bành trướng quân sự của Trung Quốc.
Theo truyền thống, các vấn đề ngoại giao quan trọng mang tầm chiến lược như quan hệ Trung-Mỹ luôn cần được thảo luận trong nhiều giờ, nếu không nói là mất nhiều ngày ở các cuộc họp kín cấp cao của chính phủ.
Thế nhưng vị tổng thống đắc cử cho thấy bản thân đang tự quyết định nhiều hơn và có vẻ như ông sẽ tiếp tục sử dụng các bài viết trên trang cá nhân của mình theo một cách khác biệt, đối lập với cách thực thi đối ngoại truyền thống.
Donald Trump vẫn chưa chọn Ngoại trưởng - người sẽ đảm nhiệm vấn đề đối ngoại chung của đất nước. Nhưng với phong cách hiện tại, có vẻ như ông đang thể hiện bản thân mình không khác gì người đứng đầu cả bộ ngoại giao. Điều này sẽ khiến cho bất cứ nhân vật nào được chọn sau này sẽ gặp khó khăn trong giải quyết công việc.
Trong suốt chiến dịch của mình, Trump luôn nhấn mạnh ông sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc, trong khi cho thấy muốn tiến tới một sự gần gũi hơn với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin.
Bắc Kinh có thể cũng đã rất ngạc nhiên, khi những phát ngôn của vị tổng thống đắc cử sớm trở thành hành động thực tế bằng việc phá vỡ tiền lệ trong lịch sử, thực hiện điện đàm với lãnh đạo Đài Loan và sau đó chỉ trích hành động bành trướng của Trung Quốc - điều trước đó chính quyền Obama khá thận trọng khi đưa ra phát ngôn.
Dòng trạng thái của Trump dường như hoàn toàn chưa được kiểm duyệt. Ông có thể chưa trở thành tổng thống, nhưng những gì ông viết từ căn hộ của mình ở Manhattan cũng có thể mang ý nghĩa quan trọng như bất kỳ bài phát biểu được đội ngũ cố vấn chuẩn bị trước hoặc các tuyên bố chính sách.
Đối với các nhà ngoại giao kỳ cựu, dòng bình luận trên mạng xã hội đối với họ không phải là điều quá đáng sợ. Tuy nhiên nó quá khác với thói quen của ông Obama trong bất kỳ hoạt động trong nước hay nước ngoài. Những phát biểu trên mạng xã hội của ông thường tập trung vào nhiều chủ đề rộng rãi và tránh đề cập đến những vấn đề nhạy cảm mang tầm quốc gia.
Bà Hillary Clinton khi còn trong cương vị Ngoại trưởng cũng được xem là có ít sự cơ động trong vai trò này khi các vấn đề ưu tiên và quan trọng nhất thường được giao cho người phát ngôn trực tiếp của tổng thống.
Ngay cả đến người đương nhiệm như John Kerry, ông cũng thường bị hạn chế trong phát ngôn của mình đến mức đến mức đôi khi ông phải tìm một cuộc phỏng vấn riêng tư để giải thích chính xác những gì ông muốn nói. Nhìn chung Nhà Trắng đã có sự tập trung sâu vào việc cố gắng kiểm soát các thông điệp cá nhân khi nói đến vấn đề quốc tế.
Những gì người Mỹ sớm có trong Phòng Bầu dục không chỉ là một vị "tổng thống doanh nhân", họ còn có một ngôi sao truyền hình thực tế và một tay chơi mạng xã hội thành thạo - người tập hợp đủ mọi yếu tố để tạo ra tranh cãi và gây sự chú ý.
Tuy nhiên, bình luận viên Peter Apps lo ngại rằng nếu thói quen này đi quá xa "bạn có thể dễ bắt đầu cho một cuộc chiến tranh".
Các tổ chức như Bộ Ngoại giao đã thiết lập hệ thống cực kỳ phức tạp để quản lý một lượng lớn các phương tiện truyền thông xã hội của các quan chức, các đại sứ quán, cơ quan đại diện và các chiến dịch.
Trong quân sự lại càng không thể có chuyện trừ khử một mục tiêu nào đó trong vùng chiến sự lại được công khai trên trang mạng Facebook hay Twitter.
Ở một khía cạnh nào đó, kiểu ngoại giao mạng xã hội của Donald Trump cũng mang lại những thành công bất ngờ.
Ngoài những phát ngôn có ý nhắm vào Trung Quốc vài ngày qua, Donald Trump cũng từng dành những lời có cánh cho Tổng thống Putin. Nhà lãnh đạo Nga đã không ngần ngại đón nhận tấm thịnh tình này và hứa hẹn một cuộc gặp mặt trực tiếp của cả hai trong năm tới.
Quyết định gửi tàu sân bay đến eo biển Đài Loan của cựu Tổng thống Bill Clinton và dòng bình luận trên Twitter của Trump đều giống nhau ở chỗ nó là một thông điệp chính trị.
Giống như công chúng trên thế giới, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh vẫn bối rối và thực sự không biết họ nên mong đợi từ vị tổng thống mới của nước Mỹ.
Nếu quan hệ với Bắc Kinh đi theo chiều hướng tốt, Donald Trump có thể không bao giờ nói chuyện với một nhà lãnh đạo Đài Loan một lần nữa.
Nhưng nếu ông muốn có một cách để "bắt thóp" nền kinh tế lớn nhất thế giới, đây có thể là một chiêu bài hiệu quả.
Quốc Vinh