Tổng thống đắc cử Donald Trump đã khiến Bắc Kinh cảm thấy nghi ngại khi cho thấy ông xem chính sách "Một Trung Quốc" - trọng tâm nền tảng trong quan hệ Washington và Bắc Kinh là điều cần phải cân nhắc.
Theo chính sách cũ trong nhiều thập niên, Mỹ đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan như một phần sự công nhận nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là duy nhất.
Nhưng hồi đầu tháng ông Trump khiến cả thế giới choáng váng khi thực hiện cuộc điện đàm bất ngờ với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn với tư cách tổng thống đắc cử nước Mỹ - điều chưa từng xảy ra kể từ năm 1979 cho đến nay.
Sau đó một ngày, ông chỉ trích các vấn đề tranh cãi về tiền tệ, thương mại và sự bành trướng quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo New York Times, Donald Trump đang sử dụng Đài Loan để đánh vào điểm nhạy cảm nhất mà Trung Quốc vẫn thường gọi là "lợi ích cốt lõi". Nếu Washington chính thức công nhận Đài Loan, giới quan sát cho rằng Trung Quốc sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao.
Tờ USA Today trong một bài viết gần đây dự đoán, không chỉ dùng vấn đề Đài Loan như một công cụ gây sức ép, ông Donald Trump sẽ dùng đòn đánh toàn diện trên nhiều mặt trận. Về phía Trung Quốc, quốc gia châu Á này cũng có những đòn phản công của riêng mình.
Cuộc chiến thương mại
Trump đã cáo buộc Trung Quốc bán phá giá thép nhập khẩu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và thao túng tiền tệ nhằm hạ giá thành sản phẩm của mình rẻ hơn hàng hóa Mỹ.
Bình luận trên tờ Economist, chuyên gia Phillip Swagel từ Đại học Maryland nhìn thấy một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đang dần hiện hữu khi ông Trump lên kế hoạch cắt giảm thuế và tăng chi tiêu để làm cho đồng đô la mạnh hơn.
Swagel nói rằng đây cũng là cơ hội để chính quyền Trump mở rộng thương mại ở những nơi khác ở châu Á, đặc biệt hơn, Washington có thể củng cố quan hệ với Nhật Bản để hình thành khuôn mẫu đối trọng với Bắc Kinh.
Tuy nhiên ông Wu Xinbo, giám đốc của Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Fudan tự tin nói rằng, "về các vấn đề kinh tế, Trung Quốc có rất nhiều đòn bẩy". "Nếu cảm thấy ông ấy vẫn muốn thúc đẩy vấn đề Đài Loan, chúng tôi sẽ hành động. Nếu ông ấy vẫn giữ nguyên lập trường, nó sẽ chỉ phản tác dụng mà thôi".
Mặc dù ông Trump có thể là người khai mào cuộc chiến nhưng các quan chức thương mại Mỹ lo ngại Trung Quốc cũng sẽ có những đòn đáp trả nặng ký.
Bắc Kinh có thể tăng cường sự phân biệt đối xử đối với các công ty công nghệ của Mỹ bằng cách sử dụng luật chống độc quyền của nước này. Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã phạt 975 triệu USD đối với tập đoàn sản xuất chip Qualcomm của Mỹ.
Trung Quốc cũng có thể làm suy yếu đồng tiền của mình để khiến các sản phẩm của họ trên thị trường quốc tế rẻ hơn, điều mà ông Trump từng lên tiếng chỉ trích dữ dội trước đó.
Cuối cùng, Trung Quốc có thể yêu cầu các công ty nhà nước và doanh nghiệp tư nhân giảm việc đầu tư vào Mỹ. Một nghiên cứu gần đây của nhóm Rhodium ở New York cho thấy, từ năm 2015, số tiền đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Mỹ đã vượt qua cả Mỹ đầu tư ngược lại.
Vấn đề Triều Tiên
Trung Quốc đã đồng ý các biện pháp trừng phạt từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào tuần trước đối với Triều Tiên, thế nhưng không điều gì ngăn cản Bắc Kinh đảo chiều bằng việc tăng cường viện trợ kinh tế và quân sự, cũng như tuyên bố kết thúc cuộc đàm phán quốc tế nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
"Họ có thể sử dụng nó như một cây gậy để đánh bại Trump", nhà bình luận Michael Auslen nói trên USA Today.
Trung Quốc có thể chuyển từ một đồng minh bất đắc dĩ thành một người hàng xóm thân thiện với Triều Tiên. Trên thực tế Trung Quốc vốn không hài lòng với Washington khi quyết định triển khai lá chắn phòng thủ THAAD ở Hàn Quốc mà Bắc Kinh lập luận rằng chủ yếu để kiềm chế khả năng quân sự của nước này.
Trung Quốc sẽ tăng cường thương mại, viện trợ và đầu tư để cải thiện nền kinh tế Triều Tiên, ngoài ra với tư cách một đồng minh lâu năm, Trung Quốc cũng có thể tiến hành các cuộc tập trận chung với Bình Nhưỡng, chuyên gia phân tích người Mỹ ở Hàn Quốc, John Delury nhận định.
Nếu mọi thứ diễn ra theo chiều hướng căng thẳng, Trump sẽ không ngại ngần gia tăng áp lực lên Trung Quốc, bằng cách áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt các công ty Trung Quốc có hỗ trợ Triều Tiên cũng như bới móc các hoạt động hạt nhân của quốc gia này. Tổng thống Obama đã từng ban hành các biện pháp trừng phạt đầu tiên như vậy hồi tháng 9.
Đài Loan
Câu chuyện của Donald Trump với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn là một sự việc khó lòng bỏ qua đối với giới lãnh đạo Bắc Kinh.
Nếu ông Trump ủng hộ Đài Loan, phản ứng đầu tiên từ Trung Quốc có thể sẽ là trừng phạt Đài Loan thay vì Mỹ. Đây là một động thái nhằm giảm bớt giá trị của hòn đảo này đối với Washington.
Ngoài ra, Bắc Kinh có thể tăng cường các nỗ lực thuyết phục 22 vùng chủ quyền khác trên toàn thế giới, bao gồm cả Vatican, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và công nhận Trung Quốc là sự thay thế duy nhất.
Sau đó Trung Quốc có thể gây sức ép hơn nữa bằng cách hạn chế các khoản đầu tư đến từ Trung Quốc và hạn chế số lượng du khách Trung Quốc đến Đài Loan.
Đối với Mỹ, Trung Quốc sẽ thể hiện sự không hài lòng của mình trong các lĩnh vực như kinh tế, hợp tác chống khủng bố và vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân của Triều Tiên - Cheng Li, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Viện Brookings, Washington nêu quan điểm. Trung Quốc cũng có thể nhồi thêm một số hoạt động quân sự của mình ở Biển Đông, nơi Mỹ đang tìm cách duy trì tự do hàng hải cho tàu thương mại và hải quân Mỹ.
Tăng cường hợp tác với Iran
Trung Quốc là một trong những bên tham gia ký kết hiệp định hạt nhân với Iran vào năm 2015, mà theo đó sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt với Iran với điều kiện nước này giảm trừ 98% trữ lượng hạt nhân đang nắm giữ.
Với lợi thế này, Trung Quốc giờ đây không bị giới hạn trong việc tiếp cận với nền kinh tế Iran. Thông qua Tehran, Bắc Kinh sẽ tìm cách tăng cường ảnh hưởng ở Trung Đông với mục tiêu làm suy yếu uy tín của Mỹ trong khu vực.
Nếu thỏa thuận này bị hủy bỏ và phải đàm phán lại như lời ông Trump kêu gọi, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục giao dịch với Iran và dần cô lập Mỹ, Edward C. Chow, thanh viên cấp cao về năng lượng và an ninh quốc gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington đưa ra ý kiến.
Khoảng một phần ba lượng dầu xuất khẩu của Iran là đến với Trung Quốc và Bắc Kinh đang là nhà nhập khẩu hàng đầu từ Tehran. Do đó Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất với quốc gia Trung Đông và vị thế này sẽ không thay đổi kể cả trong trường hợp ông Trump từ bỏ tham gia vào thỏa thuận hạt nhân.
"Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi hoạt động kinh doanh và đầu tư với Iran nếu ông Trump khơi mào cuộc hiến trên mặt trận Đài Loan", Chow nói.
Thăm dò ở Biển Đông
Dòng bình luận trên Twitter của Donald Trump cho thấy ông đã liên kết một khu vực riêng biệt với việc đối đầu với Trung Quốc theo cách chưa từng có đối với các tổng thống Mỹ trong quá khứ.
Một chính sách về Biển Đông hiện nay của Mỹ là điều chưa rõ ràng, tuy nhiên đội ngũ cố vấn của vị tổng thống đắc cử từng nói rằng cách làm trong chính sách xoay trục châu Á của chính quyền Obama là "yếu ớt", điều này gợi ra những tín hiệu cho thấy ông Trump có thể có những bước đi mạnh bạo hơn trong việc hợp tác với các đồng minh, ứng phó trước hành động bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực hồi tháng 7, giới quan sát đều cho rằng Trung Quốc đã có phần kiềm chế hơn trước sức ép từ dư luận quốc tế, đồng thời cố gắng tranh thủ tìm kiếm đồng minh trong thời điểm này.
Tuy nhiên một số học giả Nhật Bản nêu dự đoán rằng cũng giống như những gì từng thể hiện trước đó, Bắc Kinh sau khi đạt được một số mục tiêu nhất định thường có sự im ắng trong một thời gian dài trước khi bước vào đợt sóng căng thẳng mới.
Do đó Trung Quốc có thể sẽ có thêm những đòn thăm dò trên Biển Đông sau khi ông Trump chính thức nhậm chức vào đầu năm sau. Nếu Mỹ thể hiện rõ thái độ thù địch, Bắc Kinh sẽ có những bước đi tiếp theo để ứng phó.
Quốc Vinh