Mặc dù được xác định thuộc dòng họ Hoàng Văn quản lý, nhưng lô đất gần 1.500 m2 bỗng chốc trở thành tài sản riêng của một hộ gia đình và được cấp sổ đỏ. Chuyện bất ngờ diễn ra ở Hà Nội đang rất cần được làm rõ.
Không có lửa, làm sao có khói
Người bị con cháu dòng họ Hoàng Văn tố cáo là chị Hoàng Thị Hồng và chồng là Đào Ngọc Hà (đang công tác tại Ban quản lý các khu đô thị TP.Hà Nội). Nội dung đơn tố cáo thể hiện: Dòng họ Hoàng Văn sinh sống tại thôn Thượng Oai, đến nay được 14 đời. Các ông tổ của dòng họ Hoàng Văn sinh sống trên khu đất rộng khoảng 1.500m2 tại thôn Thượng Oai, xã Uy Nỗ. Điều này được thể hiện qua việc xây nhà thờ tổ và nhà từ đường trên khu đất.
Dòng họ Hoàng Văn có luật bất thành văn, cha truyền con nối, ai là trưởng họ sẽ thay mặt dòng họ hương khói, quản lý toàn bộ tài sản, đất đai nhà thờ tổ. Cả dòng họ Hoàng Văn đều xác định đây là tài sản chung của dòng họ vì thế kinh phí sửa chữa, xây dựng được con cháu trong dòng họ đóng góp, cung tiến. Mặc dù Trưởng họ được quản lý tài sản nhưng cũng phải đóng góp như các thành viên khác trong dòng họ.
Đến năm 1975, khi ông Hoàng Cao Phát là trưởng họ đời thứ 9 của dòng họ mất. Do ông Phát không có con trai, nên công việc của dòng họ đã được thống nhất giao cho ông Hoàng Việt Kim (em trai ông Phát) thực hiện. Sau này giao cho anh Hoàng Việt Trung - con trai trưởng của ông Kim làm quyền trưởng họ.
Vì gia đình ông Kim có nhà riêng ở gần nhà thờ họ vì thế nhà thờ tổ vẫn được vợ và 6 cô con gái của ông Phát trông nom, quản lý. Từ năm 1976 đến nay, kinh phí đóng góp, sửa chữa nhà thờ tổ, gia đình ông Phát cũng đóng góp như các thành viên khác trong dòng họ Hoàng Văn.
Đến năm 2004, để tạo lòng tin với dòng họ, các con gái của ông Hoàng Cao Phát và bà Hoàng Thị Chắt (vợ ông Phát) viết giấy thoả thuận, có nội dung: “Hiện nay chị em chúng tôi đang quản lý và sử dụng diện tích thửa đất số 20 là 1.432 m2 đất và nhà ở thuộc tờ bản đồ số 84, tại xóm Thượng, xã Uy Nỗ, Đông Anh, TP.Hà Nội. Sau khi bàn bạc, thống nhất giữa các chị em, chúng tôi nhất trí khi làm xong GCN QSDĐ, diện tích đất trên sẽ làm thủ tục giao lại phần đất và nhà thờ cho dòng họ quản lý và trông nom hương khói về lâu dài…”.
Nhưng sau khi viết giấy xong thì thực tế lại diễn ra không đúng như những gì đã được thống nhất trước đó. “Sau khi viết giấy để làm tin cho dòng họ, con của ông Phát đã không giữ lời hứa, chị Hoàng Thị Hồng (con gái cả ông Phát) đã để gia đình mình đứng tên làm sổ đỏ”, đại diện con cháu dòng họ Hoàng Văn tố cáo.
Chờ công an vào cuộc
Trao đổi với PV, đại diện dòng họ cho biết, đã gửi đơn tới các cơ quan chức năng, trong đó có Công an huyện Đông Anh để giải quyết. Trong đơn tố cáo, con cháu họ Hoàng Văn cho thấy: “Sau khi biết gia đình nhà chồng chị Hồng đứng tên trên GCN QSDĐ của khu đất nhà thờ tổ của dòng họ Hoàng Văn, chúng tôi đã yêu cầu chị Hồng và gia đình chị Hồng phải bàn giao trả lại ngôi nhà thờ và diện tích đất của dòng họ như đã thống nhất tại biên bản thoả thuận ngày 2/11/2004. Nhưng chị Hồng, anh Hà không trả lại. Và để hợp thức hoá diện tích đất nêu trên, sau khi ông Đào Ngọc Tước chết, ngày 18/8/2011, ông Đào Ngọc Hà đã làm thủ tục khai báo thừa kế đối với khối di sản của ông Đào Ngọc Tước. Khối tài sản này chính là diện tích đất của dòng họ Hoàng Văn và chuyển toàn bộ diện tích 1.432 m2 đất cho ông Đào Ngọc Hà đứng tên... ?!
Ngay sau khi khi làm thủ tục khai báo thừa kế, chiều cùng ngày, ông Hà làm thủ tục chuyển nhượng 314,8 m2 cho ông Hoàng Việt Trung và bà Hoàng Thị Thắm để thu lợi bất chính. Điều đáng nói, diện tích đất chuyển nhượng đúng vào vị trí toạ lạc của ngôi nhà thờ tổ và các công trình phụ trợ (nhà từ đường và khuôn viên) của dòng họ Hoàng Văn”.
Nhận thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong kê khai cấp GCN QSDĐ, ngày 31/10/2016 UBND huyện Đông Anh đã ban hành quyết định số 4646 có nội dung: Huỷ bỏ GCN QSDĐ số S 199939 do huyện Đông Anh cấp ngày 30/11/2004 cho hộ gia đình bà Hoàng Thị Hồng tại thửa đất số 20, tờ bản đồ số 84, diện tích 1.432 m2, địa chỉ thửa đất: Xóm Thượng, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh…
Trao đổi với PV, một lãnh đạo xã Uy Nỗ khẳng định, trong khu đất nói trên có nhà thờ tổ của dòng họ Hoàng Văn. Và bố mẹ ông Hà không có gì liên quan đến diện tích đất này, không có hồ sơ trong UBND xã Uy Nỗ thể hiện ông Tước sở hữu diện tích đất này.
Như vậy đã rõ, khuôn viên đất nhà thờ tổ là tài sản chung của dòng họ Hoàng Văn từ bao đời nay. Vậy kẻ nào đã tiếp tay “biến” nó thành tài sản riêng của gia đình bà Hồng, ông Hà, một câu hỏi lớn cần được các cơ quan bảo vệ pháp luật trả lời sớm.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
PV