Theo báo cáo của UBND xã Việt Hùng (huyện Đông Anh, Hà Nội), trên địa bàn thôn Trung có 18 cơ sở sản xuất ván gỗ ép, tái chế nhựa, dầu cặn thành dầu đốt và gia công đúc, cán thép đang hoạt động. Ông Nguyễn Hữu Sáng, Chủ tịch UBND xã Việt Hùng cho biết, hầu hết chủ các cơ sở trên đều là người ở địa phương khác đến thuê lại mặt bằng của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Vì năng lực yếu kém, phải liên kết để hoạt động nên hiện nay trong số 18 cơ sở nêu trên mới chỉ có 14 cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và sản xuất kinh doanh đúng ngành nghề; trong đó có 8 cơ sở có đề án bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Số còn lại tự do hoạt động, ngày cũng như đêm liên tục xả thải trực tiếp đủ loại khói bụi, chất thải độc hại chưa qua xử lý ra môi trường. Tình trạng này, không chỉ gây tác động xấu đến môi trường sống, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như việc sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.
Điển hình về việc gây ô nhiễm là công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ thương mại Báu Lan xây dựng 7 xưởng tái chế thép phế liệu, mỗi ngày cho ra lò từ 7 đến 10 tấn phôi thép. Ngày 17/11/2017, khi Tổ công tác của UBND xã Việt Hùng và phòng TN&MT huyện Đông Anh xuống kiểm tra, phát hiện trong quá trình hoạt động, công ty có phát sinh các chất thải rắn, nguy hại đến môi trường, nhưng lại không có kho lưu giữ, phân loại và hợp đồng với đơn vị thu gom theo quy định. Bên cạnh đó, công ty này cũng không cung cấp được đề án bảo vệ môi trường cũng như hồ sơ quản lý chất thải nguy hại…
Vì trực tiếp chịu ảnh hưởng từ các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, nhiều năm nay cuộc sống cũng như sinh hoạt của người dân thôn Trung, xã Việt Hùng bị ảnh hưởng nặng nề, một người dân sống gần khu vực cho biết, gần đây các cơ sở sản xuất này thường xuyên hoạt động 24/24 giờ. Đặc biệt về đêm, tiếng ồn lớn từ các cơ sở sản xuất liên tục phát ra khiến người già, trẻ nhỏ không thể yên giấc. Không chỉ có vậy, người dân còn phải sống chung, làm việc trong bầu không khí đặc quánh khói bụi và các mùi hóa chất từ các cơ sở sản xuất gỗ ép, tái chế nhựa, dầu cặn liên tục bốc lên. Bức xúc trước tình trạng môi trường sống bị ô nhiễm, thời gian qua người dân địa phương đã nhiều lần có đơn phản ánh sự việc đến cơ quan chức năng và các cấp chính quyền, nhưng đến nay vi phạm vẫn chưa bị xử lý theo quy định.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Ngọc Dụng, phó Trưởng phòng TN&MT huyện Đông Anh cho biết, hiện nay phòng đang thiết lập hồ sơ vi phạm. Nếu các cơ sở sản xuất trên không xuất trình được hồ sơ cũng như đề án bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt, phòng sẽ báo cáo UBND huyện Đông Anh xử lý theo quy định.
Tình trạng sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thôn Trung, xã Việt Hùng tồn tại nhiều năm nay chưa được giải quyết dứt điểm. Để môi trường sống cũng như việc sản xuất của người dân được an toàn, thuận lợi, đề nghị UBND huyện Đông Anh sớm xử lý nghiêm vi phạm. Về lâu dài cần có biện pháp di dời các cơ sở này ra khỏi khu vực đông cư dân sinh sống.
Theo Nguyên Hà (Báo Hà Nội Mới)