> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!
Báo động đỏ!
Thành thông lệ, bước sang tháng cao điểm mùa khô, khu vực Bảy Núi - An Giang luôn là “điểm nóng” có thể xảy ra cháy bất cứ lúc nào. Ngành kiểm lâm luôn trong tình trạng báo động. Ông Bành Thanh Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục kiểm Lâm – An Giang) cho biết: Hiện tại có khoảng 10.500 ha rừng đang báo động nguy cơ cháy cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm. Ngoài thời tiết bất lợi đang mùa du lịch, khách hành hương có thói quen đốt nhan cắm ở các am cốc, miếu và cả hút thuốc. Một lí do nhỏ cũng có thể gây nên những vụ cháy rừng lớn.
Là tỉnh phát triển mạnh du lịch tâm linh nên hàng năm, tỉnh An Giang thu hút trên 5 triệu lượt du khách, trong đó có gần 4 triệu lượt du khách hành hương đến các điểm di tích, danh lam thắng cảnh trong rừng và trên núi.
Lực lượng kiểm lâm An Giang kiểm tra dụng cụ chữa cháy rừng
Trên địa bàn huyện Tịnh Biên, Tri Tôn và khu vực núi Sam, thị xã Châu Đốc (An Giang) nhiều năm qua được liệt vào danh sách báo động cháy cấp cực kỳ nguy hiểm do phía dưới triền núi là địa bàn dân cư sinh sống, khi xảy ra cháy rừng không có lối vào để chữa cháy. Riêng năm nay, tại khu vực này đã có một con đường đất chạy vắt ngang, thuận tiện cho việc phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô. Khu vực núi Sam, thị xã Châu Đốc có khoảng 100 ha rừng đồi núi. Hiện nay, trên núi nhiều nơi cây cối chết khô. Tại khu vực này, Trạm Kiểm lâm núi Sam bố trí đến 20 bồn chứa nước phòng cháy rừng. Nhưng điều đáng lo ngại nhất là ở trên núi Sam có nhiều miếu, am cốc, cơ sở thờ tự, tình trạng thắp nhang đèn cúng viếng của du khách rất khó kiểm soát.
Ông Trần Phú Hòa, Chi cục trưởng Kiểm lâm An Giang cho biết thêm: “Trong tháng 3 - 4 cao điểm phòng chống cháy rừng, toàn bộ lực lượng trực 24/24 giờ. Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền để mọi người hiểu và hợp tác giữ rừng”. Đơn vị này đã bố trí đầy đủ trang thiết bị chữa cháy, lắp đặt hơn 700 bồn nước ở những nơi khô kiệt dọc các triền núi. So với 2 năm trước, năm nay phòng chống cháy rừng nặng nề hơn do thời tiết bất lợi. Theo ông Hòa, để đảm bảo an toàn cho những cánh rừng, tỉnh đã sửa chữa đảm bảo hoạt động tốt 132 máy chữa cháy, trang bị đầy đủ nước cho 600 bồn chứa nước, 4.674 bình xịt, can đựng nước, dao, bàn đập.... trải đều trên các khu vực rừng.
Các hạt kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với các chủ rừng, chính quyền địa phương tổ chức 73 chốt bảo vệ và hợp đồng với gần 100 lao động cùng kiểm tra, canh gác rừng cẩn thận, thường xuyên. Lực lượng kiểm lâm cũng tuyên truyền cho các hộ sản xuất ven các khu rừng bảo vệ không sử dụng lửa trong quá trình canh tác; tổ chức phát dọn cỏ chăm sóc 1.582 ha rừng phòng hộ, xây dựng các tuyến băng trắng và đốt vùng đệm 23 ha tại những khu vực trọng điểm vùng đồi núi với tổng chiều dài 13 km. Trong tháng 2 vừa qua tại địa phận Bảy Núi đã xảy ra 6 vụ cháy rừng. Các vụ cháy chỉ gây thiệt hại chủ yếu là cháy lớp thực bì, cỏ, lướt dưới tán rừng, không gây thiệt hại đến rừng.
Trước tình hình thời tiết phức tạp, An Giang quyết định tạm đóng cửa, ngưng các hoạt động trong rừng cho đến mùa mưa.
Sẵn sàng ứng phó
Ở khu Ramsar Vườn quốc gia Tràm Chim (QGTC), huyện Tam Nông, Đồng Tháp mùa nắng rất có thể xảy ra cháy rừng bất cứ lúc nào. Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống cháy rừng - Vườn QGTC cho biết: Khu vực có khả năng nguy cơ cháy cao theo xác định năm nay có mấy điểm gò cao, nước thấp, có thể khô sớm như ở Phú Hiệp là địa bàn khu A5 và các gò như: gò Tre, gò Trâu... thuộc khu A1, xã Phú Đức; khu A2 và khu A4 địa bàn xã Tân Công Sính.
Trước nguy cơ cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm, lực lượng Kiểm lâm thường xuyên tuần tra để kịp thời ứng phó
Theo ông Phong, để phòng ngừa, Vườn đã triển khai vệ sinh rừng, cắt băng đốt cỏ chủ động. “Việc điều tiết nước chúng tôi giữ mức nước có phần cao hơn. Việc giữ nước cũng duy trì đảm bảo phát triển về tính đa dạng sinh học của các loài động thực vật trong Vườn. Mục tiêu chung đặt ra, phòng là chính, chữa cháy kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, dụng cụ và phương tiện tại chỗ” ông Phong nói. Vườn cũng phối hợp thường xuyên với lực lượng huyện Đội, Công an huyện, Kiểm lâm phòng chống xâm nhập Vườn quốc gia để hạn chế cháy xảy ra.
Vườn QGTC hiện có 18 trạm bảo vệ và 6 đài quan sát, đã trang bị sẵn la bàn, máy định vị (GPS), hàng chục máy cưa, máy cắt cỏ, máy bơm nước, 13 máy chữa cháy, trên 100 bình xịt chữa cháy, 21 bàn cào dập lửa, 45 lăng phun nước, hàng chục bộ quần áo, găng ủng chống cháy, chống gai, 625 cuộn dây chữa cháy với tổng chiều dài 12.000m nạo vét các hồ đìa dự trữ nước để chữa cháy, cùng nhiều trang thiết bị, phương tiện xe, tàu, dụng cụ... phục vụ cho công tác phòng chống cháy rừng. Đồng thời, Ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng của vườn và thành lập các tổ chuyên môn trực thuộc, tổ chức tập huấn các đội phòng chống cháy rừng ở 5 xã, thị trấn quanh vườn về cách vận hành máy chữa cháy, cách bố trí đội hình phối hợp khi có cháy xảy ra. Đồng thời nhắc nhở du khách về quy tắc sử dụng lửa. Đặc biệt, đối với người dân nghèo địa phương, Ban quản lý Vườn QGTC tìm cách hỗ trợ vốn, giải quyết việc làm để từng bước nâng cao mức sống người dân quanh vùng đệm nhằm hạn chế việc xâm nhập vào Vườn khai thác trái phép...
Theo GD&TD