Xóa đói giảm nghèo bền vững
Những năm gần đây, đồng bào Khmer ở hai tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long tập trung chăn nuôi bò sinh sản, nuôi bò vỗ béo, nuôi dê, vịt xiêm, trồng màu,…. trong đó chăn nuôi bò được xem là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này không chỉ tiết kiệm được thời gian, công sức mà còn giúp đồng bào Khmer xóa đói giảm nghèo bền vững.
Ông Trương Thành Công - Trưởng Phòng Chính sách Dân tộc (ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh) cho biết, theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, cuối năm 2019, hộ nghèo dân tộc Khmer 5.394 hộ và cận nghèo là 10.181 hộ. Đến năm 2020, Trà Vinh thực hiện chương trình 135, tỉnh còn 23 xã và 10 ấp đặc biệt khó khăn của 8 xã, thị trấn khu vực 2 thuộc diện đầu tư của chương trình 135.
Tỉnh Trà Vinh đã triển khai 49 dự án gồm: 43 dự án chăn nuôi bò, 3 dự án nuôi gà, 1 dự án nuôi vịt xiêm, 1 dự án nuôi dê và 1 dự án trồng mùa với 674 hộ hưởng lợi. Qua triển khai thực hiện dự án thuộc chương trình 135 đã tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế ở địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3 - 4%/năm.
Là một trong những hộ dân được hỗ trợ bò nuôi sinh sản, chị Thạch Thị Lành, ngụ ấp Hương Phụ A, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành cho biết, mô hình nuôi bò vừa hiệu quả, lại vừa nhàn, chị có thể dành chút thời gian để đi làm thuê quanh vùng tăng thêm thu nhập. Nhờ sự cần cù, chịu khó, từ một con bò hỗ trợ mà đến nay đàn bò của chị phát triển được 7 con, với tổng giá trị hàng trăm triệu đồng. Theo chị Lành, bò nuôi từ 3 - 4 tháng thì giá bán lên đến 15 - 16 triệu đồng/con.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hiền - Phó Chủ tịch xã Đa Lộc, huyện Châu Thành cho biết: Đa Lộc là xã nghèo thuộc chương trình 135 của Chính Phủ, dân tộc Khmer 2.890 hộ với 10.581 nhân khẩu, chiếm hơn 73% dân số toàn xã. Thực hiện chương trình 135, UBND xã Đa Lộc đã xây dựng phương án hỗ trợ phát triển sản xuất nuôi bò sinh sản, nuôi bò vỗ béo và nhân rộng mô hình giảm nghèo năm 2020. Qua bình xét chọn 26 hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, chí thú làm ăn thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản và nuôi bò vỗ béo. Hiện, tất cả 26 hộ thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản và nuôi bò vỗ béo này đều phát triển khá tốt.
Theo bà Hiền, nhằm giúp mô hình phát triển bền vững, ngoài việc tổ chức hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho cán bộ tham gia thực hiện mô hình để người dân áp dụng thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng bò đạt theo yêu cầu, địa phương còn thường xuyên theo dõi, kiểm tra không để người dân tự ý bán bò cho hộ dân khác. Đồng thời, đôn đốc nhắc nhở các hộ nuôi bò sau 3 năm thực hiện dự án thu hồi kinh phí 50% thực hiện mô hình.
Phát triển, nhân rộng mô hình
Tương tự, mô hình nuôi bò vỗ béo của gia đình anh Tô Chanh Đa, ngụ cùng ấp Hương Phụ A, xã Đa Lộc cũng mang lại hiệu quả kinh tế đáng ghi nhận. Anh Đa phấn khởi cho biết, nhờ mô hình này, cộng thêm sự tích lũy tiết kiệm nên cuộc sống gia đình anh dần ổn định cuộc sống. Và mới đây, anh Đa xây được nhà tường khang trang để đón tết. Anh Đa khẳng định, mô hình nuôi bò nhốt vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Bởi, bò là vật nuôi ít rủi ro, dễ nuôi, dễ chăm sóc, chi phí thức ăn thấp, chủ yếu lấy công làm lời. Ngoài rơm, người nuôi bò chỉ cần trồng thêm cỏ và kết hợp pha trộn với một số thức ăn hỗn hợp nên chi phí giảm đáng kể.
Cũng theo anh Đa, gia đình anh nuôi bò vỗ béo để bán từ nhiều năm. Trước đây, gia đình nuôi theo mô hình thả rông, thời gian nuôi kéo dài mà hiệu quả kinh tế không mấy khả quan. Gần đây, anh chuyển sang nuôi bò nhốt vỗ béo và được tham gia các lớp tập huấn biết cách chăn nuôi bò nên hiệu quả kinh tế cũng dần cao hơn. Sau 3 - 4 tháng, anh Đa có thể cho xuất chuồng, trừ mọi chi phí cho lãi hàng chục triệu đồng.
Anh Đa chia sẻ, việc nuôi nhốt bò có nhiều cái lợi là không mất công chăn thả, quản lý được đàn vật nuôi. Đặc biệt, giá bán bò thịt luôn ở mức ổn định nên người chăn nuôi rất yên tâm. Quá trình chăn nuôi cần chú ý thực hiện vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng đầy đủ. Hiện, gia đình anh Đa có 3 con bò to béo, có thể xuất chuồng trong vài tháng tới.
Nói về mô hình nuôi bò, chị Thạch Thị Trang - Trưởng ấp Hương Phụ A, xã Đa Lộc nhận xét, từ khi áp dụng mô hình này, các hộ áp dụng nuôi bò sinh sản, nuôi bò vỗ béo phát triển, ổn định cuộc sống. Ngoài chị Lành và anh Đa, các hộ gia đình Kim Ngọc Sang, Tô Thị Ngọc Em và Tô Thị Ngọc Anh cũng phát triển xây được nhà tường khang trang từ mô hình nuôi bò sinh sản, nuôi bò vỗ béo. Từ mô hình hô nuôi bò nhỏ lẻ, đến nay đã phát triển rộng khắp các xã, góp phần nâng cao mức sống cho đồng bào. Hướng tới, địa phương sẽ tiếp tục đề xuất để nhân rộng mô hình chăn nuôi này.
Còn tại tỉnh Vĩnh Long, một bộ phận người Khmer vẫn còn khó khăn, sinh sống tập trung ở vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Thực hiện cuộc vận động với các chương trình An sinh xã hội, UBND tỉnh Vĩnh Long giao ngành Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực thực hiện xây dựng đề án Hỗ trợ Nuôi bò sinh sản cho hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn và có nhu cầu nuôi bò (ưu tiên cho hộ gia đình dân tộc Khmer tập trung tại 7 huyện, thị xã) kết quả đã hỗ trợ 300 con bò sinh sản, với kinh phí thực hiện là 6 tỷ đồng, từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh. Hình thức hỗ trợ giống bò sinh sản sau khi có thu hoạch sẽ thu hồi lại để đầu tư cho hộ khác, không cho không, nhằm khắc phục tâm lý trông chờ, ỷ lại của người nghèo.
Theo ông Thạch Dương - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long, mô hình nuôi bò, nuôi dê trong đồng bào những năm gần đây phát triển hiệu quả. Điển hình là hộ gia đình anh Thạch Dững ở ấp Sóc Rừng, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình đã tích lũy và xây được nhà tường từ việc phát triển mô hình nuôi bò, nuôi dê.
Giúp đồng bào vui xuân đón Tết
Ông Thạch Mu Ni - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết, ngoài các phần quà từ Tỉnh ủy, UBND, Ủy Ban Dân tộc cũng trao 50 phần quà dịp Tết Tân Sửu 2021 để đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh vui xuân đón tết Tân Sửu 2021 đang cận kề.
Thanh Lâm