Quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Khoản 3 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 giải thích, bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
Ngay từ định nghĩa này, pháp luật đã quy định rõ những chế độ mà người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng, đó là chế độ hưu trí và tử tuất, không hề đề cập tới chế độ trợ cấp thất nghiệp.
Theo quy định, người tham gia BHXH tự nguyện phải đủ từ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu hàng tháng khi về già (lương hưu luôn được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng) và được cấp thẻ bảo hiểm y tế suốt thời gian hưởng chế độ hưu trí (quyền lợi hưởng đến 95% chi phí trong quy định).
Ngoài ra, người tham gia BHXH tự nguyện còn được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân.
Cụ thể, theo Nghị định 134/2015/NĐ-CP, tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện bằng 22% mức đóng và có nhiều mức đóng cho người tham gia lựa chọn, trong đó mức đóng thấp nhất bằng 22% mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 700.000 đồng x 22% = 154.000 đồng/tháng) và mức cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Phương thức đóng có thể lựa chọn đóng định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng và đóng một lần không quá 5 năm. Đối với người đã có thời gian tham gia trên 10 năm mà đủ tuổi nghỉ hưu, có nguyện vọng thì đóng một lần để hưởng chế độ hưu trí.
Thân nhân được hưởng chế độ trợ cấp mai táng (10 lần lương cơ sở) và chế độ tuất khi người tham gia qua đời.
Trợ cấp thất nghiệp chỉ có khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Điều 42 Luật Việc làm 2013 liệt kê các chế độ bảo hiểm thất nghiệp như sau:
- Trợ cấp thất nghiệp.
- Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm.
- Hỗ trợ Học nghề.
- Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tham gia bảo hiểm thất nghiệp để hưởng các chế độ này. Theo quy định tại Điều 43, đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm:
- Người lao động làm việc theo:
+ Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.
+ Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn.
+ Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 - 12 tháng.
- Người sử dụng lao động:
+ Cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang.
+ Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp.
+ Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động…
Với những quy định nêu trên, có thể thấy, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là người có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc với người sử dụng lao động. Và đây cũng chính là những đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật.
Do đó, những lao động còn lại - người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Chính vì vậy, họ không được nhận trợ cấp thất nghiệp khi đóng BHXH tự nguyện.
Hạn chế của bảo hiểm xã hội tự nguyện là vậy, tuy nhiên, không thể phủ nhận những lợi ích thiết thực khác từ việc tham gia loại hình bảo hiểm này.
Hoàng Mai