Trước yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp của Nga, Ủy ban châu Âu (EC) hôm 1/4 tuyên bố, các công ty châu Âu có hợp đồng cung cấp khí đốt với Nga quy định thanh toán bằng đồng Euro hoặc USD sẽ không đáp ứng yêu cầu này.
Mặc dù ủng hộ lập trường chung của Liên minh châu Âu (EU), Slovakia tuyên bố họ không thể không được tiếp cận với dòng chảy khí đốt của Nga, và nếu phải thanh toán khí đốt bằng đồng rúp thì họ sẽ làm vậy.
Slovakia phụ thuộc vào khí đốt của Nga để đáp ứng khoảng 85% nhu cầu của mình.
"Dòng chảy khí đốt (của Nga) không được dừng lại", Bộ trưởng Kinh tế Slovakia Richard Sulik cho biết trong một chương trình tranh biện hôm 3/4 trên đài truyền hình công cộng RTVS. "Nếu có điều kiện trả bằng rúp, thì chúng tôi trả bằng rúp".
Slovakia sẽ tiếp tục làm việc trên tinh thần một cách tiếp cận chung với EU, ông Sulik bổ sung.
Slovakia gần đây cho biết, công ty khí đốt nhà nước SPP đã thanh toán hóa đơn mua khí đốt trong tháng 3 bằng đồng Euro, theo quy định trong hợp đồng.
Ông Sulik cho biết, đất nước ông vẫn còn 6 tuần để tìm giải pháp trước khi khoản thanh toán khí đốt tiếp theo đến hạn vào ngày 20/5, nhưng Slovakia không thể làm như không có vấn đề gì nếu không tiếp tục nhận được khí đốt từ Nga.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 1/4 cho biết, phải đến cuối tháng này yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp mới bắt đầu có tác dụng với các khoản thanh toán.
Mặc dù mối đe dọa về tình trạng thiếu hụt khí đốt xuất hiện sau khi mùa cao điểm sử dụng khí đốt ở châu Âu (mùa đông) đã qua, nhưng nó xảy ra vào lúc các doanh nghiệp và hộ gia đình ở châu Âu vốn đang phải đối mặt với tình trạng giá năng lượng tăng vọt.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht hôm 3/4 cho rằng EU nên thảo luận về việc chấm dứt nhập khẩu khí đốt của Nga.
Hôm 2/4, ông Uldis Bariss, CEO của Conexus Baltic Grid, cho biết các nước Baltic không còn nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga nữa.
"Kể từ ngày 1/4, khí đốt tự nhiên của Nga không còn chảy sang Latvia, Estonia và Lithuania", người đứng đầu công ty điều hành truyền tải và lưu trữ khí đốt tự nhiên của Latvia tuyên bố.
Thị trường Baltic hiện đang được phục vụ bởi trữ lượng khí đốt được lưu trữ dưới lòng đất ở Latvia, ông Bariss bổ sung.
Trước đó, hôm 1/4, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố khí đốt của Nga là lựa chọn duy nhất của đất nước ông, một quốc gia nằm trong đất liền và không thể trực tiếp nhận khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) chở đến bằng tàu biển từ Mỹ.
Phát biểu với đài phát thanh Kossuth, ông Orban tuyên bố, Hungary không thể "khóa van khí đốt giá rẻ của Nga và mua năng lượng đắt đỏ của Mỹ", cho rằng sẽ không khả thi khi châu Âu trông chờ vào việc vận chuyển đủ khối lượng LNG từ Mỹ qua đại dương, và không có sự thay thế nào cho nguồn cung từ Nga trong tương lai gần, đặc biệt là đối với Hungary.
Minh Đức (Theo Reuters, FPK, CNA)