Sau khi bộ TN&MT cấp phép cho công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn cát ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (Bình Thuận), nhiều nhà khoa học đã lên tiếng về việc bị “mượn danh” cũng như nêu ra điểm bất cập trong thực hiện dự án.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TSKH Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng viện Hải dương học Nha Trang cho rằng: "Dự án này còn nhiều lỗ hổng, sai sót. Việc nhận chìm bùn thải phải theo quy trình bài bản". Dưới đây là cuộc trao đổi của PV với ông.
PV: Bộ TN&MT đã cấp phép cho dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải ở biển Bình Thuận (tổng diện tích 30ha-PV). Ông đánh giá thế nào về dự án này?
PGS.TSKH Nguyễn Tác An: Trước tiên, cơ quan quản lý phải tiến hành điều tra xã hội học, đánh giá một cách toàn diện khu vực 30ha được cấp phép nhận chìm bùn thải. Sau đó, điều tra về tình hình kinh tế-xã hội, bao nhiêu người sống phụ thuộc vào vùng biển đó; đồng thời, phải làm rõ có giá trị đặc hữu, đặc biệt từ dự án này hay không?
Trên cơ sở đó, ta so sánh mặt lợi của dự án với giá trị biển tạo ra xem cái nào lớn hơn. Cần so sánh lợi ích nhà máy điện với môi trường, trên cơ sở đó để quyết định có nên thực hiện dự án.
PV: Như ông vừa nói, cần có tiếng nói của các nhà khoa học và thực tế ông cũng là một trong số những nhà khoa học có tên trong danh sách thành viên hội đồng thẩm định. Vậy tại sao ông và các nhà khoa học không lên tiếng về sự bất cập của dự án?
PGS.TSKH Nguyễn Tác An: Tôi không làm! Không ai liên hệ, trao đổi với tôi và tôi cũng chẳng tham gia gì những chuyện này. Đây là việc mượn tên làm ảnh hưởng đến uy tín các nhà khoa học, việc làm trái pháp luật về lĩnh vực hoạt động khoa học công nghệ. Về nguyên tắc, nếu muốn mời một nhà khoa học tham gia thẩm định dự án thì đầu tiên phải có sự thỏa thuận với nhà khoa học đó để nắm rõ tên tuổi, nghề nghiệp, những công trình nghiên cứu… Sau thủ tục này, nếu nhà khoa học chấp nhận bằng văn bản mới được ghi tên họ vào, còn không được đồng ý thì thôi.
PV: Nhưng thưa ông, phía đơn vị tư vấn nói rằng có xin ý kiến ông và do không lưu lại “giấy trắng mực đen” nên các nhà khoa học chối bỏ sự thật?
PGS.TSKH Nguyễn Tác An: Tôi xin nhắc lại, tôi chưa lần nào làm việc với chủ đầu tư và đơn vị tư vấn về việc nhận chìm bùn xuống biển Vĩnh Tân. Đây là lần đầu tiên tôi bị lôi tên vào một dự án mà mình không hay biết và đơn vị tư vấn chắc hẳn có động cơ nào khác. Đơn vị tư vấn không thể dối trá như vậy.
Thiết nghĩ, cơ quan quản lý cần vào cuộc để làm rõ sự việc. Mình còn phải chờ ý kiến của các cơ quan chức năng kiểm tra, thẩm định và việc xử lý như thế nào là trách nhiệm của những đơn vị có thẩm quyền.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Lan Thơm