Hoạt động đơn lẻ hay có tổ chức đứng sau?
Cơ quan điều tra cho biết, nghi phạm còn sống sót trong vụ tấn công ở Boston là Dzhokhar Tsarnaev vẫn chưa thể nói được và đang trả lời các điều tra viên bằng cách viết hay gật đầu. Dzhokhar khẳng định tôn giáo chính là động cơ để anh ta thực hiện tội ác.
Hai nhân viên điều tra đã thẩm vấn Dzhokhar cho biết, những bằng chứng ban đầu từ đợt hỏi cung cho thấy cả hai anh em nghi phạm đều bị tác động bởi tôn giáo nhưng không có mối liên hệ với các tổ chức khủng bố Hồi giáo. Với mong muốn bảo vệ đạo Hồi, Dzhokhar và Tamerlan đã học cách chế tạo bom trên internet. Nghi phạm này cũng cho biết, các cuộc chiến tranh của Mỹ tại Afganistan và Iraq cũng là nguyên nhân thúc đẩy hai anh em gây ra cuộc đánh bom.
Dzhokhar đã thừa nhận đã cùng anh trai là Tamerlan Tsarnaev lên kế hoạch và thực hiện vụ tấn công ở Boston. Nghi phạm 19 tuổi khai với các điều tra viên rằng người anh trai Tamerlan Tsarnaev là thủ phạm chính và không có nhóm khủng bố quốc tế nào đằng sau họ.
Nghi phạm 19 tuổi "cảnh giác, thần kinh bình thường và hoàn toàn sáng suốt", thẩm phán Marianne Bowler cho biết trong phiên trình diện tòa ngắn diễn ra ngay trong phòng cấp cứu của Tsarnaev. Dzhokhar hiện được dùng thuốc an thần liều nặng và thở bằng máy ở bệnh viện Beth Israel Deaconess. Nghi phạm này đang được lực lượng cảnh sát vũ trang canh gác nghiêm ngặt tại bệnh viện với cáo buộc sử dụng "vũ khí hủy diệt hàng loạt" trong vụ nổ bom làm chết 3 người và bị thương 264 người khác.
Bản khai của Dzhokhar cũng cung cấp các tình tiết mới về thời điểm quả bom thứ 2 phát nổ. Theo đó, Dzhokhar chờ cho người anh kích hoạt thành công quả bom đầu tiên trước khi để lại chiếc ba lô chứa bom giữa đám đông, nhanh chóng rời khỏi hiện trường trước khi kích nổ quả bom thứ 2. Nhưng cơ quan điều tra đã cung cấp một cách chi tiết chuỗi các sự kiện và đưa ra những hình ảnh từ camera giám sát cho thấy Dzhokhar thả một ba lô có chứa một trong những quả bom trước khi dùng điện thoại, có thể là để phối hợp với đồng phạm hoặc kích nổ trái bom.
Hình ảnh hai nghi phạm trước vụ nổ bom được camera ghi lại
Đồng thời, các điều tra viên khẳng định họ vẫn đang cố gắng xác minh những gì Dzhokhar Tsarnaev khai nhận và tìm hiểu những chi tiết khác như các mối liên lạc qua điện thoại và trên mạng của tên này, cũng như quan hệ của y với những người khác.
Một trong những câu hỏi khó hiểu nhất là tại sao Sean Collier, cảnh sát tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), lại bị sát hại một cách lạnh lùng. Các nhà chức trách nghi ngờ Dzhokhar Tsarnaev và anh trai đã giết chết Collier mặc dù nghi phạm còn sống không bị buộc tội trong cái chết của nhân viên an ninh này. Theo nguồn tin chứng kiến trực tiếp cuộc điều tra, viên cảnh sát Collier thậm chí còn không có thời gian để kích hoạt cảnh báo khẩn cấp trước khi bị bắn 4 đến 5 phát đạn vào ngực và đầu khi đang ngồi trong chiếc xe tuần tra tại khuôn viên trường MIT. Sau đó, chúng đã cưỡng chế một chiếc xe SUV màu đen để tẩu thoát.
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với CNN, một người đàn ông xác nhận mình là nạn nhân trong vụ cướp xe cho biết ông đã rất lo lắng cho cuộc sống của mình. "Họ hỏi tôi đến từ đâu, tôi nói với họ tôi là người Trung Quốc. Một trong hai người đã hỏi tôi có biết vụ nổ tại cuộc đua marathon không và nói rằng chính họ đã gây ra vụ nổ đó. Tôi rất sợ hãi. Tôi đã xin họ không sát hại tôi, họ đồng ý nhưng tôi vẫn nghĩ rằng rồi họ sẽ giết tôi", CNN dẫn lời. Người đàn ông này sau đó đã trốn thoát thành công khi hai anh em nhà Tsarnaev dừng lại tại một trạm xăng.
Khủng bố nhưng vẫn có luật sư bào chữa
Tuy khẳng định trừng phạt nghiêm khắc kẻ gây ra vụ đánh bom khủng bố Boston nhưng Nhà Trắng đã bác bỏ kêu gọi của Đảng Cộng hòa nhằm chuyển giao Dzhokhar Tsarnaev cho tòa án quân sự, vốn được áp dụng trong việc truy tố các phần tử khủng bố nước ngoài.
Ông Jay Carney, phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết, theo luật của Mỹ, công dân Mỹ có thể không bị xét xử ở tòa án quân sự. Tuy anh em nhà Tsarnaev thuộc dân tộc Chechnya nhưng họ đã chuyển tới định cư ở Mỹ cùng gia đình từ năm 2002 và chính thức trở thành công dân Mỹ trong ngày 11/9/2012.
Ông Jay Carney khẳng định, Dzhokhar sẽ bị xét xử theo hệ thống luật pháp dân sự của Mỹ và sẽ không bị đối xử như một "chiến binh thù địch không có đặc quyền" (enemy combatant - nghĩa là không cho người này có quyền mời luật sư biện hộ) theo như đề xuất của một số nhà làm luật có ảnh hưởng của Mỹ. Ông Carney cho biết thêm, hệ thống luật pháp dân sự Mỹ đã được sử dụng để kết án hàng trăm tội phạm khủng bố từ sau vụ tấn công 11/9/2001. "Hệ thống này đã nhiều lần chứng tỏ có thể giải quyết một cách thành công những mối đe dọa mà chúng ta đang tiếp tục phải đối mặt", ông Carney nói.
Trong phiên trình diện tòa, Dzhokhar giao tiếp chỉ bằng cách gật đầu, dù có một lần nghi phạm đã nói "không" khi thẩm phán Bowler hỏi anh ta có đủ tiền thuê luật sư không, theo biên bản ghi chép phiên trình diện. Một luật sư công sẽ được chỉ định đại diện cho Dzhokhar.
Dzhokhar hiện vẫn chưa thể nói được do vết thương ở cổ vẫn chưa bình phục, tuy nhiên, các bác sỹ cho biết, tình trạng sức khỏe của Dzhokhar hiện đã khá ổn định. Dzhokhar trúng đạn ở đầu, cổ, chân và một tay, theo hồ sơ của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI). Nghi phạm mất nhiều máu và có thể mất khả năng nghe. Hiện vẫn chưa rõ Dzhokhar bị thương khi bị bắt giữ tối 19/4 hay trong cuộc đọ súng trước đó với cảnh sát dẫn tới việc người anh trai Tamerlan (26 tuổi) thiệt mạng.
Thanh Xuân (Theo Reuters, CNN, AFP)