“Đỏng đảnh” như điện gió

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 4, 18/05/2022 14:34

Theo ông Võ Quang Lâm, chỉ có năng lượng truyền thống là nhiệt điện, thuỷ điện đóng vai trò chủ chốt, quyết định đảm bảo cung ứng điện cho cả nước thời gian qua.

Khả năng phát điện của điện gió rất thấp

Chia sẻ tại tọa đàm “Tiết kiệm năng lượng - Giải pháp cung ứng điện mùa nắng nóng” diễn ra sáng 18/5, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong quý I/2022, EVN gặp một số khó khăn trong cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện với lượng than được cung cấp thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng.

Do đó, đến cuối tháng 3/2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát, các nguồn nhiệt điện than huy động thấp hơn kế hoạch là 1,365 tỷ kWh. Bên cạnh đó, từ cuối năm 2021, lượng thuỷ văn cũng có những suy giảm bất thường so với mọi năm, các thuỷ điện lớn trên sông Đà có sản lượng điện rất thấp.

Ngoài ra, vấn đề giá nhiên liệu cũng gây áp lực rất lớn cho sản xuất điện của doanh nghiệp này. Theo ông Lâm, giai đoạn tháng 9/2021, giá than chỉ 90 USD/tấn, nhưng có thời điểm lên tới 200 - 400 USD/tấn, giá hiện tại khoảng 230 USD/tấn và dự báo giá than trong thời gian tới là 279 USD/tấn.

Đặc biệt, giá dầu thế giới cũng neo ở ngưỡng rất cao, trên 100 USD/thùng. "Chi phí đầu vào cho vận hành hệ thống điện tăng rất cao, đó là những thách thức rất lớn của chúng tôi trong việc sản xuất, cung ứng điện trong năm 2022", ông Lâm nói.

Theo vị lãnh đạo EVN, hiện nay, hệ thống điện có tới hơn 70.000 MW công suất. Trong đó, năng lượng tái tạo chiếm tới 30%. Bên cạnh những thuận lợi là có thêm nguồn năng lượng điện đáp ứng cho hệ thống điện quốc gia, thì nguồn năng lượng mới này cũng có những bất ổn nhất định.

Hiện nay, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 78.000MW, trong đó, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 20.670 MW, quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện. Nhưng với những biến động của thời tiết, điện mặt trời lại không phát huy được hết công suất 17.000 MW.

Trong khi đó, vào ngày 19/3, nguồn điện gió huy động chưa được 1% (chỉ 0,37%) trên tổng số 3.980 MW. Thời điểm này, toàn quốc không có gió, chỉ có 15 MW được phát trên hệ thống điện.

"Đây là một trong những điểm đặc biệt cho thấy sự bất định của năng lượng tái tạo. Cả giai đoạn vừa qua, năng lượng truyền thống đóng vai trò chủ chốt và quyết định đảm bảo cung ứng điện cho cả nước", ông Lâm khẳng định.

Kinh tế vĩ mô - “Đỏng đảnh” như điện gió

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chia sẻ tại toạ đàm (Ảnh: Thu Huyền).

Theo lãnh đạo EVN, từ khi điện mặt trời và điện gió tham gia vào hệ thống điện, giờ cao điểm đã bị lệch so với thời điểm trước.

“Nếu như trước đây, giờ cao điểm trưa từ 11h-13h thì bây giờ, giờ cao điểm trưa lại lệch sang từ 14-16h. Đồng thời, xuất hiện thêm các giờ cao điểm từ 17h-19h và 20h30-22h. Sự chuyển dịch thay đổi như vậy dẫn đến việc tiêu thụ điện liên tục thiết lập kỷ lục mới”, ông cho hay.

Cũng theo ông Lâm, đối với điện gió, từ ngày 31/10/2021, loại hình năng lượng này với tham gia hệ thống điện với 3.600 MW, nhưng việc phát điện của điện gió trong những tháng vừa qua thì lại thấy sự bất ổn.

Thời điểm phát tốt nhất của điện gió vào các tháng 11, tháng 12, tháng 1 và tháng 2, còn những tháng phát thấp nhất lại là các tháng nóng (từ tháng 4 đến tháng 6). “Mọi người thường nghĩ điện gió phát đều nhưng không phải. Vào những lúc cần điện gió nhất thì sản lượng điện gió lại thấp nhất”, ông Võ Quang Lâm chia sẻ

Ví von điện gió là loại hình năng lượng "khá đỏng đảnh", ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh cho hay, hiện chuỗi dự án năng lượng tái tạo đa phần tập trung ở miền Trung trong khi nền tảng truyền tải chưa đáp ứng được nhu cầu đủ từ miền Trung ra miền Bắc. Năm 2021, việc chốt được thỏa thuận với Lào về nguồn năng lượng đã phần nào giúp miền Bắc đáp ứng nhu cầu.

Ông cũng lưu ý rằng, việc sản xuất than, dầu khí nội địa khó khăn, chi phí đắt hơn, thị trường quốc tế giá cao, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn nên thường chọn xuất khẩu. Nếu không có vai trò nhà nước ở đây sẽ không thể kiểm soát được chi phí sản xuất điện. Việc thiếu nguồn năng lượng sơ cấp hy vọng sẽ được giải quyết trong ngắn hạn 6 tháng, khi EVN và Bộ Công Thương phối hợp giải quyết, nhưng về dài hạn, nguy cơ thiếu là khá lớn.

Đảm bảo cung ứng điện cho mùa nắng nóng

Căn cứ vào dự báo phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 theo Nghị quyết của Quốc hội, để đạt được tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5%; đồng thời chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, lấy lại đà tăng trưởng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế, được biết, EVN đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng phụ tải điện.

Theo đó, kịch bản 1 ở mức 8,3%, tương ứng sản lượng điện toàn quốc đạt 275,5 tỷ kWh. Kịch bản 2 - với mức tăng trưởng nhu cầu phụ tải ở mức cao 12,4%, tương ứng sản lượng điện toàn quốc đạt hơn 286 tỷ kWh.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Chánh văn phòng BCĐ Tiết kiệm năng lượng, (Bộ Công Thương) nói rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, giá nhiên liệu tăng cao, nguồn cung sơ cấp không đảm bảo, để đủ điện cho mùa nắng nóng, không còn cách nào khác là phải tiết kiệm năng lượng.

“Làm tốt được điều này sẽ làm giảm áp lực cung ứng điện, tăng được hiệu quả chung của nền kinh tế", ông nói và cho rằng, về dài hạn, cần có những chiến lược ổn định nguồn cung sơ cấp, bên cạnh đó cần những giải pháp khác như tăng cường mua điện từ các quốc gia láng giềng, thúc đẩy hình thành điện ở liên khu vực.

Kinh tế vĩ mô - “Đỏng đảnh” như điện gió (Hình 2).

EVN sẽ tăng cường, đảm bảo nguồn cung ứng điện cho mùa nắng nóng cao điểm sắp tới (Ảnh: Phạm Tùng).

Về phía EVN – đơn vị nắm vai trò trong điều phối nguồn điện, ông Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, để đảm bảo cung ứng đủ điện cho mùa nắng nóng, EVN tập trung vào các giải pháp cụ thể.

Trong đó, chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), các nhà máy điện thuộc tập đoàn; đề nghị các đối tác, nhà máy điện BOT, nhà máy điện lọc dầu rà soát, đảm bảo việc sửa chữa xong trong quý I/2022 để đảm bảo lượng điện cho tiêu dùng, sản xuất. Đồng thời, rà soát lưới điện của các địa phương, đảm bảo được sửa chữa, đầu tư xây dựng trong hết quý I/2022. 

EVN cũng xây dựng các kịch bản để tìm kiếm thêm nguồn điện mới, đảm bảo cung ứng điện, nhất là ở miền Bắc, như: tăng cường hệ thống truyền tải Bắc - Nam, đảm bảo hành lang tuyến, không để xảy ra bất cứ sự cố gì trong mùa nắng nóng. Cùng đó, đẩy nhanh tiến độ mua điện từ nước bạn Lào, các dự án kết nối lưới điện với các nước láng giềng.

"Giữa tháng 4 vừa qua, chúng tôi đã hoàn thành đường dây 220kV nối lưới với nước bạn Lào. Với các dự án nối lưới với Trung Quốc, chúng tôi cũng tăng cường giải toả công suất, để nhập khẩu thêm điện từ Trung Quốc", ông Lâm chia sẻ.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.