Động đất - Làm sao sống sót?

Động đất - Làm sao sống sót?

Nguyễn Hoàng Yến

Nguyễn Hoàng Yến

Thứ 7, 08/09/2018 16:25

Hai trận rung lắc nhẹ xảy ra sáng nay tại Hà Nội đã khiến nhiều người rối trí, hoảng loạn, do thiếu những kiến thức xử trí cơ bản.

Những năm gần đây, Việt Nam liên tiếp xảy ra những trận rung chấn cường độ khá nhỏ nhưng vẫn đủ làm rung lắc các tòa cao ốc chọc trời. Dù khá sợ hãi nhưng hầu hết người dân không biết làm gì khi địa chấn xảy ra.

Báo VTC News gợi ý các kỹ năng thoát hiểm mọi người cần biết để đảm bảo an toàn tính mạng hay hạn chế tối đa thiệt hại cho bản thân khi động đất xảy ra.

Tránh xa kính, đồ nội thất lớn và các mối nguy hiểm khác: Ngay khi cảm nhận được những dư chấn đầu tiên, cố gắng giữ bình tĩnh và nhanh chóng tránh xa bất cứ thứ gì có thể rơi xuống hay làm bạn bị thương. Dùng hai tay ôm đầu rồi đi cúi thấp hoặc bò tránh xa các mối nguy hiểm như cửa sổ, tủ, tivi và tủ sách.

Môi trường - Động đất - Làm sao sống sót?

Một số kỹ năng xử trí khẩn cấp khi có động đất

Bảo vệ đầu và cổ của bạn khỏi các mảnh vụn rơi xuống: Nếu có thể, hãy lấy một cái gối, đệm ghế sofa, hoặc một vật khác để che chắn mặt và đầu của bạn. Nếu không có gì gần đó để sử dụng như một tấm khiên, hãy che mặt, đầu và cổ bằng tay và cánh tay của bạn. Một trận động đất mạnh có thể gây ra những đám mây bụi nguy hiểm, bạn cần che mũi và miệng bằng khăn tay hoặc quần áo.

Quy tắc tam giác vàng: Theo như Doug Copp, một nhân viên cứu hộ đã từng giải cứu nạn nhân trong 875 tòa nhà bị sập do động đất. Thì cách tốt nhất để sống sót khi xảy ra một vụ động đất đó là quy tắc tam giác vàng.

Quy tắc tam giác vàng là quy tắc tối ưu và hiệu quả nhất được các chuyên gia khuyên làm khi xảy ra động đất

Hãy tìm lấy một đồ vật to lớn và chắc chắn như chiếc tủ, những đồ vật có thể bị đè bẹp nhưng vẫn để lại một khoảng trống nhỏ bên cạnh nó. Đó chính là tam giác vàng mà khoảng không gian bên trong nó sẽ giúp bạn không bị đè bẹp cho đến khi đội cứu hộ đến.

Trốn dưới gầm bàn: Cơ quan quản lý thiên tai Liên bang Mỹ FEMA khuyến cáo khi trận động đất xảy đến mà bạn đang ở trong một ngôi nhà, thì tốt nhất là bạn nên chui xuống gầm bàn, dùng tay bảo vệ đầu, bịt miệng để tránh hít bụi và giữ thật chắc cho đến khi mọi chuyện qua đi.

Tuy nhiên, giải pháp này chỉ hiệu quả đối với những rung chấn nhẹ, chiếc bàn sẽ bảo vệ bạn khỏi những đồ vật nhỏ rơi xuống. Nhưng nếu một trận động đất với cường độ mạnh có thể làm sập cả tòa nhà cao tầng thì chiếc bàn không thể bảo vệ bạn, đất đá cũng như sức nặng của toàn bộ đồ vật bên trong tòa nhà có thể dễ dàng nghiền nát những chiếc bàn.

Đi cầu thang bộ: Không bao giờ đi cầu thang máy dù thấy nó vẫn đang hoạt động, bởi khi xảy ra động đất hệ thống điện sẽ gặp sự cố khiến cho thang máy mắc kẹt và bạn không thể thoát ra khỏi đó.

Ngồi ngoài xe ô tô: Khi bạn đi trên đường, hãy nhớ không bao giờ được ngồi trong xe ô tô khi xảy ra động đất. Thiết kế trần xe ô tô không đủ chắc chắn, khi có vật nặng đè lên chiếc xe chắc chắn sẽ bị bẹp dí.

Vậy nên, việc đơn giản nhất bạn có thể làm là ra ngoài xe và ngồi cạnh chiếc xe của mình, gần phần động cơ. Vì động cơ xe là một trong những bộ phận cứng và chắc chắn nhất, có thể tạo ra tam giác vàng giúp bạn sống sót. Theo những gì mà nhân viên cứu hộ Doug Copp đã từng nhìn thấy thì tất cả những chiếc xe dù đã bị nghiền nát trong trận động đất vẫn để lại một khoảng trống 1m bên cạnh chúng, trừ trường hợp những thanh, cột rơi thẳng trực tiếp vào chiếc xe.

Di chuyển ra khỏi các tòa nhà, đèn đường, đường dây điện và cầu. Các địa điểm nguy hiểm nhất trong trận động đất là khu vực xung quanh các tòa nhà. Ngay sau khi mặt đất bắt đầu run rẩy, cố gắng đi càng xa càng tốt khỏi bất kỳ cấu trúc lân cận nào. Chú ý đến những mảnh vụn rơi xuống, và không được trú ẩn dưới cầu hoặc cầu vượt. Ngoài ra, hãy tìm các chiếc hố hoặc các lỗ hổng lớn trên mặt đất làm nơi trú ẩn.

Nhưng trước khi nghĩ đến việc xử trí, điều đầu tiên bạn cần nhận biết dấu hiệu động đất.

Báo Tri Thức Trẻ thông tin, mặc dù thực tế chúng ta gần như không thể dự đoán được ở đâu và khi nào sẽ có động đất, tuy nhiên các chuyên gia cũng đưa ra một vài dấu hiệu nhận biết về trận động đất có thể sắp diễn ra.

Đầu tiên là quan sát hành vi động vật như chó, mèo, cá, sóc, chuột... xem chúng có những biểu hiện khác thường nào không. Lý do là bởi, sự chuyển động của lớp đá dưới mặt đất trước trận động đất đã tạo ra sóng điện mà một số loài động vật có thể hiểu được. Chúng có thể cảm thấy được những dư chấn yếu trước khi con người kịp cảm nhận.

Cụ thể, chó có hành vi bất thường như sủa/cắn quá mức. Những loài vật nuôi, thú cưng đột ngột trốn chạy, biến mất hay chim, gà đẻ trứng ít hơn bình thường trong khoảng thời gian trước khi diễn ra một trận động đất.

Thứ hai, chú ý đến lớp đất đá và mực nước sông, hồ ở gần khu vực. Nếu thấy mực nước sông, hồ rút bớt bất thường hoặc tràn mà không có trận mưa lớn nào trong thời gian đó, thì đó là dấu hiệu của việc có sự biến động.

Thứ ba, quan sát bầu trời, hướng gió. Nếu bạn nhận thấy một sự điềm tĩnh bất thường trong bầu khí quyển, nó sẽ là dấu hiệu của việc biến đổi khí hậu lạ, rất có thể, một trận động đất sắp diễn ra trong khu vực. 

Thứ tư, nhìn lên bầu trời, theo dõi luồng sáng bí ẩn, hay còn được biết dưới cái tên “ánh sáng động đất”. Những luồng sáng này có nhiều hình dạng khác nhau và xuất hiện trước hoặc trong các trận động đất.

Như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, vào khoảng 9h30 sáng nay (8/9), nhiều người dân hốt hoảng khi thấy tòa nhà cao tầng Kim Khí Thăng Long (ngay bên cạnh bến xe Lương Yên) bị rung lắc. Người dân sinh sống tại đây nhanh chóng di chuyển khỏi tòa nhà. Đến khoảng 11h45 tình hình sinh hoạt mới trở lại bình thường.

Môi trường - Động đất - Làm sao sống sót? (Hình 2).

Người dân hốt hoảng vì trận rung lắc sáng nay

Ngay sau đó, viện Vật lý địa cầu đã phát đi thông báo về sự việc này. Theo đó, vào hồi 2h31'28 (giờ GMT) ngày 8/9/2018 tức 9h31'28 (giờ Hà Nội) ngày 8/9/2018 một trận động đất có độ lớn 5.3 xảy ra tại vị trí có tọa độ (23.453 vĩ độ Bắc, 101.620 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 10km.

Động đất xảy ra tại khu vực biên giới tỉnh Vân Nam, Trung Quốc  cách ranh giới huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu khoảng 118km.

Trước đó, ngày 7/9, viện Vật lý địa cầu cũng đã phát đi thông báo động đất xảy ra tại khu vực biên giới Trung Quốc - Việt Nam cách ranh giới huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu khoảng 4km.

Theo đó, vào hồi 5h42’59 (giờ GMT) ngày 7/9/2018 tức 12h42’59 (giờ Hà Nội) ngày 7/9/2018, một trận động đất có độ lớn 4.0 xảy ra tại vị trí có tọa độ (22.586 vĩ độ Bắc, 102.309 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 12km.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Xuân Anh, GĐ trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (viện Vật lý Địa cầu) xác nhận vừa có trận động đất với cường độ lớn xảy ra ở phía Tây Bắc và gây ảnh hưởng đến Hà Nội.

TS. Anh cũng cho biết, hiện trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - viện Vật lý địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

H.Y (tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.