Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ giúp Myanmar sau khi quốc gia Đông Nam Á này bị rung chuyển bởi trận động đất mạnh hôm 28/3. Đây là trận động đất có cường độ mạnh thứ 3 xảy ra ở khu vực này trong thế kỷ qua.
"Chúng tôi sẽ giúp đỡ", ông Trump phát biểu từ Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng vào ngày 28/3. "Những gì đang xảy ra thật khủng khiếp. Chúng tôi đã nói chuyện với đất nước này rồi".
Tuyên bố của ông Trump được đưa ra sau khi người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing, đưa ra lời kêu gọi viện trợ quốc tế.
Trước đó, các nguồn tin cho Reuters biết rằng các nhóm cũng đã được cử đến Thái Lan, quốc gia cũng chịu ảnh hưởng của trận động đất, để hỗ trợ công tác phục hồi và cứu hộ.
Bản chất của sự hỗ trợ của Mỹ vẫn chưa rõ ràng. Ông Trump đã cắt giảm phần lớn cơ quan hỗ trợ quốc tế chính của Mỹ là USAID. USAID đóng vai trò chính trong việc điều phối hỗ trợ động đất.

Người dân đứng cạnh đống đổ nát của một toà nhà bị sập vì động đất, ở Mandalay, Myanmar, ngày 28/3/2025. Ảnh: DW
Chính quyền quân sự Myanmar hôm 28/3 đã đưa ra lời kêu gọi hiếm hoi hướng đến sự hỗ trợ quốc tế sau khi trận động đất mạnh 7,7 độ richter tấn công miền Trung đất nước, làm rung chuyển một vùng rộng lớn ở Đông Nam Á và để lại sự tàn phá sau đó.
Lời kêu gọi viện trợ quốc tế từ người phát ngôn quân đội Myanmar, Tướng Zaw Min Tun, là điều không thường xảy ra đối với chính quyền quân sự, vốn đang chịu lệnh trừng phạt nặng nề của Mỹ, Anh và các nước khác.
Ngay sau trận động đất, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cử một nhóm bác sĩ và thành viên của Đội cứu hộ hàng không đến Myanmar.
"Theo lệnh của Tổng thống Nga và Bộ trưởng Tình trạng khẩn cấp, một nhóm nhân viên cứu hộ Nga đã khởi hành đến Myanmar trên 2 máy bay từ Sân bay Zhukovsky bên ngoài Moscow để giúp giải quyết hậu quả của trận động đất mạnh", một phát ngôn viên nói với hãng thông tấn Nga TASS.
Lực lượng đặc nhiệm bao gồm các đội K-9, bác sĩ gây mê và nhà tâm lý học từ Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga, cũng như 120 nhân viên cứu hộ từ đội cứu hộ hàng không Tsentrospas và Trung tâm điều phối các hoạt động cứu hộ rủi ro cao, vị phát ngôn viên cho biết.
Ông Putin cũng gửi lời chia buồn tới nhà lãnh đạo quân đội Myanmar Min Aung Hlaing.
Ấn Độ cũng đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên gửi viện trợ đến Myanmar sau thảm hoạ động đất. Gần 15 tấn hàng cứu trợ đã được chuyển đến, bao gồm lều, chăn, máy lọc nước, đèn năng lượng mặt trời, máy phát điện và thuốc men.

Thành phố lịch sử Mandalay nằm ở tâm chấn động đất. Ảnh: DW
Khó có thể đánh giá toàn bộ thiệt hại ở một quốc gia phần lớn bị cô lập với phần còn lại của thế giới. Chính quyền quân sự cầm quyền cho biết, ít nhất 144 người đã thiệt mạng và 732 người bị thương chỉ ở 3 thành phố – không bao gồm Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, nằm gần tâm chấn.
Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận động đất có mật độ dân số đông đúc, cho thấy số người chết có thể tăng đáng kể.
Thành phố lớn thứ hai của Myanmar, Mandalay, với khoảng 1,5 triệu người, nằm rất gần tâm chấn. Và thiệt hại nặng nề cho các tòa nhà đã được báo cáo xa tới tận Bangkok, thủ đô của Thái Lan, cách đó hơn 1.000 km.

Người dân kiểm tra đống đổ nát của một toà nhà bị sập vì động đất ở Mandalay. Ảnh: DW

Xe cộ đi ngang qua một đoạn đường bị hư hại vì động đất ở Naypyidaw, Myanmar, ngày 28/3/2025. Ảnh: DW
Mô hình của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) ước tính sơ bộ rằng số người chết có khả năng vượt quá 1.000 người, và có thể cao hơn nhiều. Khả năng cao là số người thiệt mạng có thể lên đến hơn 10.000 người, xét đến mật độ của các khu vực đông dân cư và tính dễ bị tổn thương của các công trình gần đó, theo ước tính của USGS.
Bà Dara Goldberg, chuyên gia tại USGS cho biết trận động đất mạnh và xảy ra ở độ sâu nông (10 km) dự kiến sẽ gây ra thiệt hại và thương vong trên diện rộng, đồng thời cảnh báo sẽ có dư chấn trong nhiều ngày tới.
Để hiểu đầy đủ về mức độ tàn phá của thảm hoạ có thể mất nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Cũng phải mất nhiều thời gian để tìm ra có bao nhiêu người bị chôn vùi dưới đống đổ nát.
Các nhóm nhân đạo cho biết, họ đang gặp khó khăn trong việc đánh giá thiệt hại vì điện và đường dây liên lạc bị hỏng.
Theo nhà khí tượng học Derek Van Dam của Đài CNN, một đứt gãy trượt ngang, nơi hai mảng kiến tạo di chuyển song song, đã gây ra trận động đất mạnh ở Myanmar, được cảm nhận trên khắp khu vực. Sự dịch chuyển của các mảng Ấn Độ và Á-Âu đã dẫn đến rung chuyển dữ dội ở bề mặt, ảnh hưởng đến hàng triệu người.
Ông Van Dam lưu ý rằng, gần 90 triệu người đã trải qua ít nhất là sự rung lắc nhẹ, với nhiều người phải chịu đựng những cơn rung chuyển dữ dội. Ông cũng cảnh báo rằng dự kiến sẽ có dư chấn và nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ có thể sẽ tiếp tục trong nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tuần.

Đội cứu hộ làm việc tại hiện trường toà cao ốc ở Bangkok đổ sập vì động đất, ngày 28/3/2025. Ảnh: DW

Đội cứu hộ di chuyển một người bị thương vì động đất tại công trường xây dựng ở Bangkok, Thái Lan, ngày 28/3/2025. Ảnh: DW
Tại nước láng giềng Thái Lan, theo Phó Thủ tướng Anutin Charnvirakul, ít nhất 8 người đã thiệt mạng và hàng chục người mất tích sau khi một tòa nhà chọc trời đang được xây dựng ở Bangkok bị đổ sập, cách tâm chấn hàng nghìn km.
Các đội cứu hộ vẫn đang nỗ lực giải cứu 110 người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát, với 12 người đã được giải cứu cho đến nay. Ông Anutin cho biết các kỹ thuật đặc biệt đang được sử dụng để ngăn chặn các cấu trúc tiếp tục sụp đổ.
Các nhà chức trách Bangkok đã mở cửa 5 công viên công cộng và 6 nơi trú ẩn tạm thời cho hàng trăm cư dân đã phải sơ tán hoặc mất nhà cửa trong trận động đất mạnh xảy ra hôm 28/3.
Cảnh sát và các quan chức thành phố được cho là đang được triển khai đến các khu vực để đảm bảo an toàn, Cục Quản lý Đô thị Bangkok cho biết.
Các nhà chức trách đã nhận được khoảng 1.000 báo cáo về "mối quan ngại về kết cấu" kể từ khi trận động đất xảy ra. Ít nhất 3 trong số đó đã được phân loại là có nguy cơ cao cho đến nay.
Minh Đức (Theo NY Times, Newsweek)