Trận động đất mạnh 7,8 độ richter ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Bắc Syria cùng nhiều dư chấn đã cướp đi sinh mạng của hơn 5.000 người tính đến hôm 7/2 khi nhiều nạn nhân được kéo ra khỏi đống đổ nát của các tòa nhà bị sập.
Trong một cuộc họp báo, Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay đã gọi trận động đất là “thảm họa của thế kỷ”. Ông cho biết, số người thiệt mạng ở nước ông đã tăng lên 3.419, với 20.534 người khác bị thương. Điều đó đã nâng tổng số người thiệt mạng lên 5.102 người, với 1.602 người khác được xác nhận đã thiệt mạng ở phía Syria.
Trận động đất xảy ra vào sáng sớm hôm 6/2, phá hủy hàng ngàn tòa nhà. Lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm thêm những người sống sót, nhưng nỗ lực của họ đang bị cản trở bởi nhiệt độ dưới mức đóng băng và khoảng 200 cơn dư chấn, khiến công tác tìm kiếm qua các cấu trúc không ổn định trở nên nguy hiểm.
Số người thiệt mạng gần như chắc chắn sẽ tăng lên đáng kể. Gần 50 quốc gia đã đề nghị gửi viện trợ cho khu vực vốn đang chịu gánh nặng bởi cuộc khủng hoảng người tị nạn, chiến tranh và chi phí sinh hoạt tăng vọt.
Các quốc gia trên thế giới cũng đã cử các đội đến hỗ trợ các nỗ lực cứu hộ, trong khi cơ quan quản lý thảm họa của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, hơn 24.400 nhân viên dịch vụ khẩn cấp của họ hiện đang có mặt tại hiện trường. Nhưng với một vùng lãnh thổ rộng lớn như vậy bị động đất tấn công và gần 6.000 tòa nhà được xác nhận là đã sụp đổ chỉ riêng ở Thổ Nhĩ Kỳ, những nỗ lực của họ đã bị dàn trải.
Theo cơ chế ứng phó khẩn cấp của EU, 27 đội cứu hộ với hơn 1.150 nhân viên đã được cử đến Thổ Nhĩ Kỳ sau trận động đất, Ủy viên quản lý khủng hoảng của EU Janez Lenarcic cho biết.
“Cho đến nay, chúng tôi đã huy động 27 đội tìm kiếm cứu nạn và y tế từ 19 quốc gia châu Âu thông qua Cơ chế Bảo vệ Dân sự của EU để giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ sau trận động đất”, bà Lenarcic cho biết trên Twitter hôm 7/2. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một thành viên của cơ chế này.
Các quốc gia thành viên EU gồm Áo, Bỉ, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Italy, Malta, Hà Lan, Ba Lan, Romania, Slovakia và Tây Ban Nha, cùng với Montenegro và Albania, đều cử các đội cứu hộ tới khu vực thảm họa.
Tổng cộng, 1.150 nhân viên và 70 chú chó cứu hộ đã được cử đến, bà Lenarcic cho biết thêm.
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết, hàng chục nhân viên cứu hộ từ nước này sẽ có thể hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ theo sau trận động đất kinh hoàng.
“Vài chục nhân viên cứu hộ Ukraine sẽ có thể giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ, người hàng xóm, người bạn của chúng tôi, mà không làm gián đoạn khả năng của các dịch vụ cứu hộ ở Ukraine”, ông Kuleba nói với truyền thông địa phương vào cuối ngày 6/2.
Minh Đức (Theo Anadolu Agency, AP)