Lực lượng cứu hộ hôm 9/2 đã kéo thêm được nhiều người sống sót từ bên dưới đống đổ nát của các tòa nhà bị sập, nhưng hy vọng tìm thấy nhiều người còn sống hơn kể từ thời điểm 3 ngày sau trận động đất thảm khốc đã bắt đầu mờ nhạt.
Các chuyên gia cho biết cơ hội sống sót cho những người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát hoặc không thể có được những nhu yếu phẩm cơ bản đang đóng lại nhanh chóng. Đồng thời, họ nói rằng còn quá sớm để từ bỏ hy vọng.
“72 giờ đầu tiên được coi là rất quan trọng”, ông Steven Godby, chuyên gia về các mối nguy hiểm tự nhiên tại Đại học Nottingham Trent (Anh), cho biết. “Tỉ lệ sống trung bình trong vòng 24 giờ là 74%, sau 72 giờ là 22% và đến ngày thứ năm là 6%”.
Các trận động đất mạnh 7,8 độ và 7,6 độ richter ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Bắc Syria vào sáng sớm hôm 6/2 đã cướp đi sinh mạng của hơn 15.000 người tính đến ngày 9/2, với số người chưa xác định vẫn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát và vô số người khác mất nhà cửa trong thời tiết lạnh giá.
Cuộc sống dừng lại
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, bên trong thành phố Gaziantep - nằm cách tâm chấn của trận động đất ban đầu mạnh 7,8 độ richter khoảng 33km (20 dặm) về phía Đông - thời gian dường như ngừng trôi.
Ngôi nhà của Amina Ahmad, một cư dân của Gaziantep, vẫn đứng vững 3 ngày sau trận động đất, nhưng không thể ở. “Chúng tôi không có điện, không có nước và không có hệ thống sưởi”, cô Ahmad nói với tờ The National News.
Với nhiệt độ ban đêm ở Gaziantep giảm xuống dưới mức đóng băng, nhiều người sống sót sau trận động đất kinh hoàng phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: Đóng băng ngoài trời hoặc ở trong những tòa nhà không an toàn và hầu như không thể ở được, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào do dư chấn.
Đó là một hậu quả bị bỏ qua của một thảm họa đã san phẳng ít nhất 6.000 tòa nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ. Vẫn còn đó hàng ngàn cấu trúc không an toàn, đặc biệt là với nguy cơ dư chấn luôn hiện hữu.
Với hơn 900 tòa nhà bị hư hại chỉ riêng ở thành phố Gaziantep, cô Ahmad hiện đang tìm nơi trú ẩn trong một bệnh viện vì các nhà thờ Hồi giáo, trường học và đường cao tốc của thành phố đã chật kín những người sống sót.
Những người sống sót ở thành phố này cho biết, hệ thống đường ống dẫn nước đã bị hỏng, trong khi dòng khí đốt để sưởi ấm cũng bị gián đoạn. Tất cả càng làm tăng thêm tính cấp bách của nỗ lực cứu trợ.
Lái xe vào thành phố, phóng viên của The National News chứng kiến những con đường bị xé nát bởi sức mạnh đáng kinh ngạc của trận động đất. Những chiếc hố lớn trên đường khiến các phương tiện khó có thể lưu thông, đồng thời làm giảm khả năng tiếp cận thành phố, từ đó dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa các loại.
Người dân xếp hàng dài mua bánh mì và xăng. Hầu hết các trạm xăng đều đóng cửa, việc phân phối nhiên liệu bị hạn chế và các chủ trạm không biết khi nào họ sẽ nhận được nguồn cung mới.
Khi các con đường chính đang được khơi thông, những người có khả năng đang chọn rời khỏi thành phố. Vẫn còn nhiều người không may mắn và không có lựa chọn nào khác ngoài việc ở lại.
Vào sáng ngày 8/2, đường phố gần như trống rỗng và tất cả các cửa hàng đều đóng cửa. Có vẻ như cuộc sống ở Gaziantep đã bị đình chỉ kể từ sau thảm họa. Ở các vùng nông thôn xung quanh, một số ngôi làng đã bị xóa khỏi bản đồ.
Nỗi sợ quá khứ
Đối với nhiều người Syria sống ở Gaziantep, trận động đất kinh hoàng đã đánh thức những ký ức đau thương về cuộc chiến 12 năm trên quê hương họ.
Thành phố nằm cách biên giới Syria khoảng 60 km, có dân số gần 2 triệu người, và khoảng một 1/4 hoặc 1/3 trong số họ là người tị nạn Syria.
“Chúng tôi đã nghĩ rằng sẽ an toàn khi sống ở phía bên kia biên giới”, Ahmad al-Rifai, 21 tuổi, đến từ Aleppo hồi năm 2016, cho biết. “Nhưng chúng tôi thấy mình đang sống lại những tổn thương trong quá khứ”.
Người Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ đã phải trải qua những điều kiện kinh tế và xã hội bấp bênh kể từ khi họ bắt đầu đến nước này trong những ngày đầu của cuộc nội chiến ở quê nhà. Ở Gaziantep, nhiều người định cư ở những khu vực nghèo hơn của thành phố và sau thảm họa vừa qua, ngôi nhà của nhiều người trong số họ đã không còn an toàn.
Đi dạo quanh đống đổ nát của những tòa nhà và con phố mà mình từng thuộc lòng, Kasem al-Abrash, người tị nạn Syria đến đây vào năm 2020, đã nhìn thấy một hình ảnh mà đôi mắt anh quen thuộc đến cay đắng.
“Chúng tôi đã phải đối phó với những kinh nghiệm đau thương từ cuộc xung đột Syria. Bây giờ chúng tôi cách biên giới vài km, có vẻ như lịch sử đã lặp lại. Và chúng ta sẽ phải đương đầu với một tổn thương khác”, al-Abrash chia sẻ.
Với việc các hoạt động cứu hộ và viện trợ bị trì hoãn, những người sống sót đang ở trong các lều trại được dựng tạm bợ ở những nơi như quảng trường và công viên. Họ tập trung thành vòng tròn quanh đống lửa, ngồi và ngủ trên những tấm đệm trải trên mặt đất dưới những tấm chăn dày.
Một số người sống sót nói với Al Jazeera rằng tình hình khiến họ hồi tưởng về việc phải di dời trong cuộc nội chiến ở Syria. Họ mô tả sự trỗi dậy của các triệu chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), nỗi sợ mất tất cả một lần nữa và không thể ngủ được.
Họ cho biết cảm giác tường nhà run lên bần bật và mặt đất dưới chân rung chuyển giống như những trận pháo kích dữ dội mà họ từng trải qua ở Syria. Khi tỉnh dậy sau trận động đất, họ có cảm giác như là mình đã trở lại Syria.
Minh Đức (Theo The National News, Al Jazeera)