Các trận động đất lớn hôm 6/2 – với cường độ 7,8 và 7,6 độ richter – tính đến ngày 12/2 đã cướp đi sinh mạng của 24.617 người ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi con số ước tính ở phía Syria là hơn 4.500 người, đưa số người thiệt mạng được ước tính ở cả hai nước lên trên 29.000.
Trước đó, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách vấn đề nhân đạo Martin Griffiths nói với Sky News rằng số người thiệt mạng trong trận động đất lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có khả năng tăng gấp đôi hoặc nhiều hơn so với mức hiện tại, tức có thể lên tới 50.000 người.
“Tôi nghĩ rất khó để ước tính chính xác vì chúng ta cần phải khai quật hết đống đổ nát, nhưng tôi chắc chắn rằng số người thiệt mạng sẽ tăng gấp đôi hoặc hơn nữa”, ông Griffiths cho biết sau khi tới thành phố Kahramanmaras ở Thổ Nhĩ Kỳ, tâm chấn của trận động đất đầu tiên. Ông nói: “Chúng tôi chưa thực sự bắt đầu đếm số người thiệt mạng”.
Kỳ tích vẫn xuất hiện
Mặc dù cửa sổ cơ hội sống sót cho các nạn nhân động đất còn mắc kẹt dưới đống đổ nát đang đóng lại nhanh chóng, nhưng khi hàng chục nghìn nhân viên cứu hộ vẫn không ngừng nỗ lực lùng sục các khu dân cư bị san phẳng trong thời tiết lạnh giá, kỳ tích vẫn xuất hiện.
“Có ai ở đó không?”, bà Menekse Tabak, 70 tuổi, cất tiếng hỏi khi bà được kéo ra khỏi đống bê tông đổ nát ở thành phố Kahramanmaras, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, tâm chấn của trận động đất 7,8 độ, theo một video trên đài truyền hình nhà nước TRT Haber.
Một em bé 7 tháng tuổi tên Hamza đã được giải cứu ở tỉnh Hatay hơn 140 giờ sau trận động đất, trong khi Esma Sultan, 13 tuổi, cũng được cứu ở Gaziantep, truyền thông nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin.
Một người đàn ông tên Mustafa Sarıgul, 35 tuổi, đã được giải cứu khỏi đống đổ nát của một tòa nhà bị sập ở Hatay, 149 giờ sau khi trận động đất xảy ra, theo Al Jazeera.
Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ, Tiến sĩ Fahrettin Koca, đã đăng trên Twitter một đoạn video clip ngắn về một cô bé mà ông cho biết đã được kéo ra khỏi đống đổ nát “vào giờ thứ 150” ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ.
Trên Twitter, ông cho biết: “Can thiệp y tế đầu tiên cho cô gái nhỏ của chúng tôi, người đã được giải cứu khỏi đống đổ nát vào giờ thứ 150, được thực hiện tại Bệnh viện dã chiến Hatay của chúng tôi. Là một bác sĩ nhi khoa, chúng tôi giám sát quá trình này. Em bé của chúng tôi đã được gửi đến Adana bằng trực thăng cấp cứu để điều trị”.
Một cuộc giải cứu khác cũng được thực hiện thành công với Abdullah Elali, một người Syria đang sống ở Antakya. Elali được kéo ra khỏi đống đổ nát ở Hatay, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ sau 151 giờ, The Guardian cho biết, nhưng thừa nhận chưa thể xác minh điều này.
Các gia đình cũng đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm người thân mất tích. Ông Hassan Guntekin tiếp tục nuôi hy vọng rằng vợ, 3 đứa con và mẹ vợ ông có thể vẫn còn sống dưới đống đổ nát ở thành phố Antakya, tỉnh Hatay.
“Tôi cần 3 đứa con của mình được giải cứu. Ngay cả khi chỉ một trong những đứa con của tôi sống sót, đó sẽ là hy vọng để tôi tiếp tục sống”, ông nói với Al Jazeera. “Nếu không, chẳng ích gì để tiếp tục sống. Tôi không biết mình sẽ làm gì. Ai sẽ gọi tôi là bố trong dịp lễ Eid?”
Mối nguy lớn hơn
Kể từ khi động đất xảy ra, bà Serizan Agbas, 61 tuổi, vẫn ngủ trên ghế đá trong vườn của một trường học ở thành phố Iskenderun, tỉnh Hatay. Khu chung cư bà từng sống vẫn đứng vững sau thảm họa nhưng được coi là không an toàn để ở. Vì vậy, bà ở ngoài trời và chia sẻ lửa và thức ăn với những người cứu hộ.
“Nỗi đau của chúng tôi là vô cùng lớn”, bà Agbas nói với Al Jazeera. “Hiện tôi chỉ có 15 Lira (0,8 USD) trong túi, tôi thậm chí không có một điếu thuốc nào để hút. Bây giờ tôi không còn gì để mất nên tôi không sợ”.
Tòa nhà nơi có cửa hàng dệt may do bà điều hành thì đã bị phá hủy hoàn toàn trong khi bà không có bảo hiểm. Không biết phải làm gì khác, bà vẫn đến địa điểm tòa nhà bị phá hủy hàng ngày.
Al Jazeera được cho biết 14 người đã được cứu khỏi tòa nhà bị sập, nhưng có khả năng hơn 100 người đã thiệt mạng trong đó. Ngoài ra, hệ thống nước sạch và hệ thống xử lý nước thải đã ngừng hoạt động, và chỉ một nửa thành phố có điện. Người dân bắt đầu lo lắng về một mối nguy lớn hơn: Tình trạng dịch bệnh lây lan.
Tiến sĩ Evgenia Zelikova, thuộc Tổ chức Bác sĩ không biên giới (Medicins Sans Frontieres, hay MSF), nói với Al Jazeera rằng 48-72 giờ đầu tiên sau trận động đất là thời điểm quan trọng để kéo những người sống sót ra khỏi đống đổ nát.
“Thời gian trôi qua sẽ có ít trường hợp sống sót hơn”, bà Zelikova nói từ thủ đô Amman của Jordan. “Các nhóm của chúng tôi làm việc tại các bệnh viện ở Tây Bắc Syria bắt đầu thấy ngày càng ít trường hợp sống sót sau 72 giờ”.
“Ở trong tiết trời lạnh giá trong một thời gian dài là yếu tố lớn nhất dẫn đến mất máu và nhiệt độ cơ thể, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng sống sót của các nạn nhân”, bà nói tiếp.
Tổn thương nối tiếp tổn thương
Theo bà Zelikova, những mối quan tâm hàng đầu sau khi thảm họa xảy ra là tình hình dịch tễ học, thời tiết lạnh giá, cơ sở hạ tầng bị phá hủy một phần, bệnh lây truyền qua đường nước, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho những người mắc bệnh mãn tính và sức khỏe tâm thần.
“Người dân Syria ở phía Tây Bắc đã có nguy cơ cao về suy giảm sức khỏe tâm thần do cuộc khủng hoảng kéo dài và điều kiện khó khăn, và tất nhiên, một sự kiện đau buồn như vậy có thể làm tăng khả năng dễ bị tổn thương của họ hơn nữa”, bà nói.
Ở bên kia biên giới, hôm 12/2, một đoàn xe gồm 10 xe tải của LHQ đã đi từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Tây Bắc Syria, một khu vực phần lớn nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền trung ương ở Damascus, qua cửa khẩu biên giới Bab al-Hawa, theo phóng viên AFP.
Những chiếc xe tải chở các bộ dụng cụ trú ẩn bao gồm tấm nhựa, dây thừng, ốc vít và đinh cho lều cũng như chăn, đệm và thảm.
Một cửa khẩu biên giới giữa Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ cũng được mở lần đầu tiên sau 35 năm hôm 11/2 để cho phép 5 xe tải chở thực phẩm và nước uống vào khu vực bị động đất tàn phá.
Viện trợ đến Syria rất chậm, nơi nhiều năm xung đột đã tàn phá hệ thống chăm sóc sức khỏe và nhiều vùng của đất nước vẫn nằm dưới sự kiểm soát của quân nổi dậy.
Chính quyền ở Damascus cho biết, họ đã phê duyệt việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho các khu vực bị động đất tàn phá ngoài tầm kiểm soát của họ ở tỉnh Idlib, và một đoàn xe dự kiến rời đi vào 12/2, nhưng sau đó đã bị hoãn lại mà không có lời giải thích.
Bộ giao thông vận tải Syria cho biết 57 máy bay viện trợ đã hạ cánh xuống đất nước trong tuần này.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã hối thúc Hội đồng Bảo an (UNSC) cho phép mở các điểm viện trợ xuyên biên giới mới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, với một cuộc họp thảo luận về Syria có thể diễn ra trong những ngày tới.
Minh Đức (Theo Al Jazeera, The Telegraph, The Guardian)