Như Báo điện tử Người Đưa Tin đã đăng tải, ngày 15/10, ở tỉnh Quảng Nam liên tục xảy ra hai vụ động đất với cường độ nhẹ trên địa bàn huyện Đông Giang và huyện Phước Sơn, với độ lớn lần lượt 3,4 (tâm chấn tiêu 10 km) và 3,1 độ richter (tâm chấn tiêu 11 km).
Chia sẻ với PV, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phương (chuyên gia Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần) đánh giá: "Qua hai ngày theo dõi, hai trận động đất tại địa bàn tỉnh Quảng Nam chỉ là động đất nhỏ yếu, không gây thiệt hại đáng kể.
Do tâm chấn tiêu nằm sâu dưới lòng đất, nên người dân không thể cảm nhận được rung chấn, mà chỉ thấy rung lắc nhẹ dưới đất. Tuy nhiên, máy ghi địa chấn vẫn ghi bằng sóng rõ dư chấn của hai vụ động đất tại hai huyện Đông Giang và Phước Sơn".
Theo thống kê Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý toàn cầu - thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam), có tất cả 18 trận động đất lớn nhỏ nằm trong lãnh thổ Việt Nam, cũng như giáp ranh với hai nước bạn Lào và Trung Quốc.
Riêng trong số đó có 7 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 3,7 độ richter xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Tập trung nhiều nhất tại huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) nơi có đến 4 vụ động đất xảy ra vào 4 ngày 24/1, 31/1, 9/4 và 13/4.
Một số vụ động đất này đều xảy ra gần sát thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) và lớn nhất là vụ động đất ngày 31/1 với độ lớn 3,1 độ richter và tâm chấn tiêu khoảng 6,7 km.
Điển hình, vụ động đất ngày 9/4, vụ động đất 3,2 độ richter ngay tại khu vực hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam). Theo lời nhân chứng xung quanh khu vực động đất trận động đất xảy ra trong đêm khuya nên họ cảm nhận rất rõ được sự rung chấn và nghe được tiếng nổ lớn. Tuy trận động đất này gây rung lắc nhẹ hơn các trận động đất xảy ra trước đó nhưng lại kéo dài hơn.
Bàn về việc này, ông Nguyễn Hồng Phương nhận định: "Trong giai đoạn 2010-2011, khi thủy điện sông Tranh 2 bắt đầu tích nước, hiện tượng động đất nhỏ xảy ra liên tục. Độ sâu chấn tiêu có vụ động đất khoảng 6 đến 7 km nên người dân có thể cảm nhận được tiếng nổ hay rung chấn. Thiệt hại chủ yếu về mặt tài sản chứ không ảnh hưởng tính mạng con người".
Ông Phương cho biết, đất nước chúng ta nằm ngoài vành đai núi lửa ở biển Thái Bình Dương, nên không chịu tác động do hiện tượng núi lửa phun trào, sóng thần như từng xảy ra tại Nhật Bản, Philippines.
"Tuy nhiên, sau khi khu vực Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) xảy ra cả trăm vụ động đất cỡ nhỏ, các chuyên gia cũng khuyến cáo địa phương việc phòng tránh, chuẩn bị trong trường hợp xảy ra động đất. Đó là việc giáo dục, hoạt động di dời dân khỏi khu vực xảy ra động đất.
Còn về tác động thủy điện gây ra với địa phương, khiến hiện tượng động đất xảy ra liên tục (dù đa phần động đất cỡ nhỏ), cần thời gian theo dõi, kiểm tra cũng như yêu cầu của địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học mới đánh giá được", ông Nguyễn Hồng Phương kết luận.
Các trận động đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ đầu năm 2016 đến nay:
- 24/1/2016: vụ động đất 3,3 độ richter tại huyện Bắc Trà My (chấn tiêu 8 km).
- 31/1/2016: vụ động đất 3,7 độ richter tại huyện Bắc Trà My (chấn tiêu 6,7 km).
- 9/4/2016: vụ động đất 3,2 độ richter tại huyện Bắc Trà My (chấn tiêu 7 km).
- 13/4/2016: vụ động đất 3,0 độ richter tại huyện Bắc Trà My (chấn tiêu 5 km).
- 9/5/2016: vụ động đất 2,5 độ richter tại huyện Nam Trà My (chấn tiêu 5 km).
- 15/10/2016: vụ động đất 3,1 độ richter tại huyện Phước Sơn (chấn tiêu 11 km).
- 15/10/2016: vụ động đất 3,4 độ richter tại huyện Đông Giang (chấn tiêu 10 km).
Nguyễn Tuấn