Khi được hỏi về việc học, nhiều đứa trẻ sẽ trả lời: “Học cho bố mẹ vui lòng”; “Học vì bố mẹ bắt học”, “Học vì trẻ con phải đi học”, “Học để lớn lên kiếm tiền nuôi bố mẹ”,…
Bao nhiêu đứa trẻ hiểu giá trị của việc học và lợi ích của việc học? Thế nên việc học mới trở thành việc chán nhất của nhiều đứa trẻ. Cha mẹ ép con học vì không học mai này có mà đi ăn mày, vì con học dốt là nỗi xấu hổ của cha mẹ, vì không học sẽ không có tương lai. Nhà trường ép trẻ học vì đó là nhiệm vụ của nhà trường, là thành tích của nhà trường, là công việc của nhà trường. Thầy cô giáo ép trẻ học vì công việc của thầy cô, liên quan đến nguồn sống của thầy cô, uy tín nghề nghiệp của thầy cô…
Khi các con tôi học tiểu học, tôi cũng giống như nhiều cha mẹ: Để con thoải mái. Chúng tôi không đo lường con bằng điểm số. Thậm chí từ chối việc học thêm.
Tôi có lẽ may mắn khi 3 đứa đều trải qua 5 năm tiểu học một cách khá ổn nếu như không muốn nói là xuất sắc dù vợ chồng tôi suốt những năm tháng ấy gần như bỏ mặc tụi trẻ tự lo việc học hành của chúng. Chứ nếu như với nhiều đứa trẻ khác, tự do sẽ khiến chúng học hành tệ hại ngay.
Mọi thứ chỉ thay đổi khi các con tôi lên cấp 2 và bây giờ, 2 đứa lớn lên cấp 3. Chúng tôi bắt đầu tham gia việc học của các con nhiều hơn bằng việc tìm kiếm gia sư, chỗ học thêm cũng như định hướng việc học. Tuy vậy nhưng vẫn ở thế bị động: Các con yêu cầu thì bố mẹ mới giúp. Là chúng tôi muốn giành toàn quyền quyết định cho các con. Bố mẹ chỉ là người hỗ trợ, chủ đầu tư. Tất nhiên, đầu tư không mong hoàn lại. Vợ chồng tôi không thích việc nói với con bố mẹ kiếm tiền cho con ăn học. Nhưng chúng tôi công khai với các con về những khoản đóng học phí ấy để các con trân trọng việc các con học.
Tôi không nói cách giáo dục của mình là chuẩn chỉ. Bởi tôi may mắn hơn nhiều cha mẹ khi cả 3 đứa đều ý thức việc học của chúng. Nhưng bao nhiêu đứa trẻ không giống 3 đứa con của tôi? Chúng chỉ chịu học khi bố mẹ lăm le cây gậy với củ cà rốt. Là chúng ta, cha mẹ đã can thiệp quá sâu vào việc học của con vậy. Bằng sự lo lắng của mình. Bằng thực tế con mình đang chán học, lười học, không tập trung vào học. Thế nên, trong nhiều talkshow mà tôi tham gia chia sẻ với việc học của con tôi đều nói: Đừng tạo áp lực, hãy cho động lực.
Là cho con thấy ý nghĩa và giá trị của việc học. Không phải bằng lý thuyết, hãy bằng thực tế. Không phải bằng bạn A, bạn B hay những gương thành công. Mà hãy bằng người mà con muốn trở thành. Biến việc học thành kế hoạch và mục tiêu của bản thân con chứ không phải kế hoạch và mục tiêu của cha mẹ. Trở thành người mà con muốn trở thành bắt đầu bằng nhiệm vụ học tập. Là con xây dựng mục tiêu, lên kế hoạch của riêng con chứ không phải hoàn thành giấc mơ của cha mẹ.
Hỗ trợ con thay vì hoạch định cho con. Hãy biến mọi thứ thành quyết định của con và bố mẹ chỉ hỗ trợ. Con chán học đôi khi là vì con mất phương hướng, không có mục tiêu hoặc có thể do con mất gốc, hổng kiến thức khiến con không theo kịp bài giảng trên lớp.
Cha mẹ hỗ trợ bằng việc bổ sung kiến thức, lấp lỗ hổng. Tạo động lực thay vì tạo áp lực. Động lực là lực đẩy, áp lực là lực kéo. Đôi khi chỉ là 1 câu nói như thay vì “Con phải”, “Con nên”, “Cần” thì sao không là “Con lựa chọn”, “Con thử”, “Con có nghĩ là…”. Để con quyết định thay vì cha mẹ muốn/phải/cần.
Kỷ luật cũng quan trọng. Nhưng kỷ luật tuyệt đối không phải là thực thi hình phạt. Kỷ luật nên là làm sao để tránh bị phạt. Kỷ luật không phải là tước bỏ mà nên là lựa chọn. Con là người quyết định việc con chọn cách nào. Phần thưởng cũng vậy, nó không phải là kết quả, nó là ghi nhận.
Cuối cùng, để học hành là niềm vui thì hãy nói chuyện học hành một cách vui vẻ. Đừng khiến con cái sợ hãi mỗi khi bố mẹ nói chuyện học hành với con.
Nhà văn Hoàng Anh Tú