Ý nghĩa quyền lực của khu mộ
Khu mộ từng được xem như một thánh địa linh thiêng, bất khả xâm phạm của nhà lang Mường Động với những câu chuyện thần bí. Những truyền thuyết về nó đến ngày nay vẫn chưa được khám phá hết... Tuy nhiên việc bảo tồn, giữ gìn, thờ cúng, những thông tin đồn thổi về khu mộ cũng như thông tin thiếu chính xác về dòng dõi con cháu kế tục khiến vị trưởng tộc dòng họ Đinh không khỏi bức xúc...
Trong đợt công tác Hoà Bình, PV báo ĐS&PL đã tìm đến khu mộ đá được chôn cất những bậc quan lang quyền lực một thời của dòng họ Đinh xứ Mường Động. Qua một đồng chí công an viên của xã Vĩnh Đồng, chúng tôi được dẫn tới nhà ông Đinh Công Dũng (54 tuổi, trưởng tộc đời thứ 21) để tìm hiểu về khu mộ kỳ bí này.
Biết chúng tôi có nhã ý muốn tìm hiểu về khu mộ cổ của dòng họ mình, ông Dũng tỏ vẻ dè dặt, không mấy thiện cảm. Vẻ mặt nặng nề, buồn buồn, vừa rót chén nước, vị tộc trưởng vừa nói: "Các anh tới thì tôi mời nước chứ còn nói về khu mộ, dòng họ thì tôi chẳng có gì để nói đâu. Báo chí nói nhiều rồi mà toàn nói thiếu chính xác. Ngoài tôi ra, còn nhiều anh em và con cháu chúng tôi, vậy mà anh Tr. của báo A (xin được giấu tên - PV) lại nói tôi là người cuối cùng của dòng họ Đinh dù chẳng hề gặp tôi. Tôi chỉ biết thông tin này khi đứa cháu đang làm việc ở Hà Nội gọi điện về trách móc mà chẳng biết nói sao. Hay như tờ báo B (xin được giấu tên - PV) thì phóng viên chú thích ảnh là người của dòng họ Đinh chúng tôi nhưng đâu có phải...".
Ông Đinh Công Dũng chia sẻ với PV thông tin về khu mộ
Chúng tôi phải giải thích, thuyết phục rất lâu ông Dũng mới cởi mở trong câu chuyện và đồng ý chia sẻ những thông tin mà ông thu thập và lưu giữ về dòng họ. Lôi đống tư liệu cùng cuốn gia phả cổ bằng giấy dó cũ nhàu cũng như những bản dịch từ trong tủ, ông Dũng lật giở từng trang giới thiệu về khu mộ và dòng họ đầy hứng khởi, tự hào.
Theo ông Dũng, cái tên Đống Thếch cũng phần nào gợi cho người ta một cảm giác huyền bí. Theo ý nghĩa của ngôn ngữ người Mường: Đống là những nơi mồ mả được chôn cất, nơi hoang vu ít người qua lại. Thếch là một địa danh của người Mường đã có từ lâu. Đống Thếch là một thung lũng nhỏ, cao ráo, bằng phẳng, trong đó, nhấp nhô hàng trăm ngôi mộ đá cao thấp. Địa thế khu đất khá đẹp, thuận lợi giao thông, ba mặt là những quả đồi thấp tạo nên một bồn địa nhỏ trong một thung lũng lớn. Phía bắc Đống Thếch giáp núi Chùa cũ, phía tây là đồi Ông Nội, phía nam giáp Nà Thếch và suối Thếch, phía đông giáp ruộng Pạng Đông. Mộ cổ chôn cất thi thể của những người thuộc dòng dõi họ Đinh, bên cạnh đó có nhiều lời đồn mộ cổ còn chôn cất thi thể cả những nô tỳ của các quan lang. Mỗi mộ có nhiều phiến đá khắc bằng chữ Hán, ghi lại tên, tuổi, chức sắc của người dưới mồ, ghi lại ngày tháng dựng mồ và còn khắc cả hình ảnh của các con vật. Như bản dịch về một tảng đá lớn được ghi: “Ông Đinh Công Kỷ, tước Uy Lộc hầu, thổ tù kiêm cai quản vùng Mường Động. Sinh năm 1592, mất giờ sửu, ngày 13/10/1647. Khi chết được ban tước Chưởng vệ đề đốc Uy quận công. Đến ngày 22/2/1650 được đưa về huyệt trên núi bằng 15 xe tang, 7 con voi, 5 con ngựa...". Các phiến đá to nhô lên khỏi mặt đất gần 3m và nặng đến hàng tấn, các phiến đá nhỏ nhô lên khỏi mặt đất khoảng 0,5m. Kích thước của các tảng đá khác nhau chứa đựng những ý nghĩa riêng. Nó là nơi cắm dấu quyền lực của dòng họ Đinh một thuở.
Đống Thếch là khu đất, linh thiêng, được cho là có dáng miệng rồng. Xưa kia, có rất nhiều cây đại thụ che bóng, quanh năm không có ánh sáng. Với diện tích lên tới 3ha, Đống Thếch được chia làm hai khu mộ nổi và mộ chìm. Mộ nổi (khu trên) với những bia, cột đá cao tới vài mét tách biệt hẳn là nơi chôn những người có vai vế trong họ. Mộ chìm ở khu dưới chỉ được quây bằng những phiến đá nhỏ. Các cột đá, cao thấp được quây tròn quanh mỗi ngôi mộ. Chính những bia đá đã biểu hiện uy quyền bất khả xâm phạm.
Khu mộ cổ với những cột đá được chôn vòng tròn đầy vẻ linh thiêng
Cần có kế sách bảo tồn
Theo ông Bùi Tân Cảnh (Trưởng phòng Văn hóa huyện Kim Bôi): Mường Động không chỉ nổi tiếng là một trong bốn trung tâm Mường xưa kia mà còn được biết đến bởi sự huyền bí của khu mộ cổ Đống Thếch, nơi chôn cất của dòng họ Đinh thời quan Lang và là dấu tích về một thời phồn vinh, thịnh vượng của người Mường Động xưa. Khu mộ cổ đã được bộ VH - TT (cũ) công nhận là di tích khảo cổ cấp quốc gia vào năm 1997, sau đó xung quanh khuôn viên khu mộ đã được xây tường bao bảo vệ, bên trong khuôn viên, huyện cũng đã có công văn chỉ đạo cho người dân trồng những cây ngắn ngày để tránh che khuất cảnh quan khu mộ. |
Cũng theo ông Dũng, dựa vào cuốn gia phả cổ, ông là trưởng tộc đời thứ 21 của dòng họ Đinh và là người duy nhất được giữ cuốn gia phả này. Hiện tại, qua bản dịch, dòng họ Đinh đã xác định được nhiều chi, cành đang sinh sống khắp nơi trong tỉnh Hòa Bình. Mỗi chi, cành đều được trao một bản dịch của cuốn gia phả để xác định cội nguồn và tự hào về uy thế của dòng họ.
Bản thân ông Dũng, vì đã từng đi nhiều nơi, từng tham gia trong cuộc chiến tranh biên giới (1979) trở về, từng làm Trưởng thôn và hiện tại đang giữ chức Bí thư thôn nên với những hiểu biết của mình ông luôn quan tâm, lo lắng về sự tồn tại được nguyên bản nhất của khu mộ cổ. Ông rất mong muốn được gìn giữ, tôn tạo khu mộ cổ để được thờ cúng bậc tiền nhân một cách trang trọng.
Ông Dũng kể, những câu chuyện truyền miệng của người dân trong vùng cũng gắn cho dòng họ Đinh một vẻ ma quái khiến nhiều người sợ hãi. Trong đó được kể nhiều nhất chính là đám tang của một vị Lang. Tương truyền, khi hay tin Lang chết, hàng chục voi khỏe được lệnh kéo đá từ tận xứ Thanh về để dựng mộ cho Lang tại khu vực Đống Thếch. Ngày Lang qua đời, chôn cùng lang là 5 voi, 7 người và đặc biệt phải có 50 đồng nam, 50 trinh nữ bị chôn sống để theo hầu Lang ở bên kia thế giới. Để bảo vệ kho báu của mình, 50 đồng nam và 50 trinh nữ kia bị chôn sống trong 100 ngày. Thời gian đó, họ sẽ được tiếp lương thực và nước uống bằng những ống tre cắm sẵn. Sau 100 ngày, những chiếc lỗ bị bịt kín để mặc cho những người này chết dần. Chính vì thế các cụ cao niên xưa vẫn dạy con cháu không được lại gần Đống Thếch vì sợ ma bắt. Ngày trước, ở đây có hàng trăm ngôi mộ cổ lớn nhỏ và có hàng ngàn cột đá cẩm thạch được xếp xung quanh, nó giống như binh lính đứng bảo vệ. Nhưng trước những lời đồn thổi mê tín dị đoan về những báu vật được chôn dưới mộ, những kẻ săn tìm kho báu đã đến đào trộm. Chúng nhòm ngó và không ngần ngại đập phá, cày xới các ngôi mộ để tìm cổ vật. Thậm chí còn mang cả máy dò kim loại về tìm. Toàn khu mộ bị đào xới, nhiều cổ vật bị lấy đi. Hiện tại, trong nhà truyền thống của xã Vĩnh Đồng cũng như bảo tàng tỉnh Hòa Bình cũng chỉ thu giữ được một số hiện vật bằng sứ (bát, đĩa,...), đồng (tiền, vòng, hoa tai, gương,...), bạc, xương voi, xương ngựa và một số đồ vật tùy táng. Ngay cả chiếc trống đồng được lưu giữ trong nhà truyền thống của xã cũng bị đánh cắp nhưng may mắn được tìm thấy.
Với những diễn biến phức tạp về khu mộ cổ, ông Dũng mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm, có phương án bảo vệ một cách hiệu quả hơn. Có thể xây lại những đoạn tường bao bị đổ, cho xây lại khu nhà bảo vệ và cần có phương án cho người bảo vệ tránh tình trạng phá phách,... Liên quan đến việc thờ cúng, ông Dũng cho rằng, nên xây dựng một nhà thờ để con cháu của dòng họ Đinh cũng như những du khách tới thăm có chỗ thắp hương...
Thiên Bình