"Thua người một ngón, hơn người một quyết tâm"
Đó là câu mà người đàn ông "một ngón" nổi tiếng tài hoa Nguyễn Hữu Tiến thường xuyên nói với cậu con trai cũng dị tật giống mình như một lời động viên mỗi khi cậu chểnh mảng việc học hành. Đến thôn Hoàng Ly, xã Hoàng Đông (Duy Tiên, Hà Nam), hỏi ông Tiến "một ngón", chả ai là không biết với một sự khâm phục sức chịu đựng và nghị lực vươn lên trong cuộc sống của người đàn ông tật nguyền.
Ông Tiến đang giúp vợ bê lúa vào sân.
Sinh năm 1939, với một hình hài quái dị, mỗi tay mỗi chân đều chỉ có duy nhất một ngón, cậu bé Tiến đã trở thành nỗi thất vọng nếu không nói là khiếp sợ của cả gia đình và những người xung quanh. Nhiều người còn cho rằng đứa bé này chính là người của ma quỷ đưa vào nhà nhất thiết phải ném đi. Nhưng thấy đứa bé ngoan ngoãn, ăn no ngủ say không hề quấy khóc, mặt mũi lại sáng sủa, đáng yêu nên bố mẹ cậu bé thương lắm, quyết giữ lại nuôi, mặc cho người đời nhỏ to bàn tán.
Rồi khi thấy cậu bé "một ngón" hì hục tập viết trên mặt đất với que củi, ai nấy đều bĩu môi, nguýt dài: "5 ngón còn chả ăn ai nữa là 1 ngón!". Nghe mọi người nói vậy cậu buồn lắm. Nhưng rồi nghe nhiều thành quen, cậu mặc kệ, dành hết sự tập trung vào công việc của mình. Trái với suy nghĩ ban đầu của nhiều người, càng lớn lên, cậu bé "một ngón" Nguyễn Hữu Tiến càng tỏ ra là một cậu bé hiền lành, chịu khó, có tư chất thông minh, có thể làm được những việc khiến người khác phải ngỡ ngàng.
Có những công việc mà ngay cả những người bình thường đôi khi cũng cảm thấy khó khăn, với một người dị tật như ông lại càng khó khăn hơn gấp bội. Nhớ lại những năm tháng nghiệt ngã ấy, ông bảo: "Hình như tôi sinh ra là để đối mặt và vượt qua những thách thức. Cái gì người khác làm được, tôi cũng cố làm được, thậm chí còn có thể làm tốt hơn họ". Những năm kháng chiến mưa bom bão đạn, trong khi các bạn đồng trang lứa rất "ngại" phải đi học thì ông vẫn chân đất đi bộ hơn chục cây số để đến trường. Năm 20 tuổi, chàng thanh niên 1 ngón trở thành tân sinh viên của khoa tiếng Trung, trường Đại học Ngoại Ngữ. Sau khi tốt nghiệp, ông nhận công tác giảng dạy bộ môn tiếng Trung ở trường Nguyễn Huệ (Hà Đông).
Ngày ấy, cùng làm việc với ông có rất nhiều các chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc. Họ thường nhìn ông bằng ánh mắt rất tò mò. Có lẽ họ không hiểu người Việt nhỏ bé này sẽ làm được gì với một ngón tay. Học sinh trong trường cũng không khỏi dán mắt vào ông như thể lần đầu trông thấy sinh vật lạ ngoài hành tinh.
Ông kể, những ngày đầu đi dạy, đứng trên bục giảng, nghe học sinh bên dưới xì xầm: "Đại cao thủ võ lâm nhất dương chỉ tái xuất giang hồ" rồi thi nhau cười rúc rích, mặt ông cứ thế nóng ran không khác gì một lò than đang cháy, chỉ muốn phi ngay xuống một hồ nước nào đó. Nỗi mặc cảm dày vò khiến ông luôn có những suy nghĩ vẩn vơ, đôi lúc chán nản, tiêu cực. Nhưng rồi nhớ đến câu văn trong tác phẩm Mùa Lạc của nhà văn Nguyễn Khải: "Trên đời này, không có con đường nào là con đường cùng mà chỉ có những ranh giới", ông đã lấy lại niềm tin để tiếp tục sống và làm việc. Bằng tâm huyết của một người luôn thiết tha với cuộc đời dù cuộc đời dường như chẳng có chút ưu ái gì đối với mình, ông đã dần chinh phục được các em học sinh cũng như đồng nghiệp trong trường.
Sau một thời gian giảng dạy, ông muốn đi tìm thử thách mới nên đã nghỉ dạy, chuyển sang học ngành Ngân hàng. Suốt mấy năm trời, tuần nào ông cũng phải đạp xe hơn 90 cây số để tham gia một lớp học ở thị xã Thanh Hóa (TP. Thanh Hóa bây giờ). Nghị lực phi thường của người đàn ông khuyết tật khiến những người khó tính nhất cũng phải nể phục. Nỗ lực tuyệt vời ấy đã mang lại cho ông những phần thưởng xứng đáng. Ngay sau khi học xong, ông được nhận về công tác tại Ngân hàng Công thương Hà Nam và đảm đương những vị trí quan trọng suốt một thời gian dài.
2 bố con dị nhân một ngón.
Tài hoa một ngón
Nhìn bàn tay chỉ có một ngón đơn độc, chẳng ai là không tự đặt ra câu hỏi: "Như thế thì làm được gì?". Nhưng vượt ra ngoài tưởng tượng của nhiều người, những "dị nhân một ngón" trong đại gia đình họ Nguyễn này, ai nấy đều rất đa tài. Nói về người hàng xóm "một ngón" của mình, ông Hùng cười sảng khoái: "Ở vùng này, nếu nói về viết chữ đẹp, thư pháp, vẽ tranh thì chả có ai hơn được cái lão một ngón ấy đâu!" Gia đình đông con, cuộc sống bộn bề khó khăn, may nhờ có nhiều tài lẻ, ông cũng kiếm thêm được chút tiền nhờ vẽ tranh, viết giấy khen thuê, dịch sách tiếng Trung, dịch gia phả cho các dòng họ, dịch sách cổ cho các đình làng và cả công việc trang trí đám cưới thuê...
Ông bảo, tính đến nay, mình đã trang trí cho hơn 100 đám cưới xa gần. Chẳng hiểu vì sao nhưng đã thành một thông lệ, hầu hết các đám cưới trong làng dù thế nào cũng phải nhờ ông "mó" tay vào một tí để lấy may cho cô dâu chú rể. Đã 73 tuổi rồi mà ông cứ bận tối mắt tối mũi vì trong làng hễ có việc to, việc nhỏ gì người ta cũng phải gọi đến tên ông cứ như thể nếu ông không "nhúng" tay vào thì sẽ chẳng đâu vào đâu.
Là người con trưởng trong gia đình, trách nhiệm của dòng họ đè nặng lên vai vợ chồng ông. Sau khi sinh cho chồng 6 cô con gái khỏe mạnh, giỏi giang, người vợ tần tảo của ông đã lâm bệnh qua đời. Khi ấy, ông đã suýt soát 60 tuổi nhưng có lẽ vì đa tài lại có duyên nên nhiều cô trẻ đẹp trong làng vẫn đánh tiếng gần xa muốn được chắp mối tình già.
Một năm sau khi vợ mất, ông kết duyên lần thứ 2 với một người phụ nữ kém mình 20 tuổi. Và niềm hạnh phúc muộn màng đã đến khi người vợ mới sinh cho ông một cậu con trai để nối dõi tông đường. Ông nửa vui sướng, nửa ngậm ngùi: "60 tuổi đầu, nhờ giời tôi mới sinh được mụn con trai. Không ngờ, nó cũng lại chỉ có một ngón như mình. Lúc nhìn thấy con, tôi sững sờ không sao tin nổi. Tôi muốn hét lên. Tại sao con trai tôi lại chỉ có một ngón tay trên một bàn tay? Và tại sao lại chỉ có một ngón chân trên một bàn chân? Tại sao?". Nhưng cho đến giờ phút này, vẫn chưa có ai trả lời cho ông câu hỏi đó. Các đoàn nghiên cứu khoa học trong nước có, ngoài nước có, trung ương có, địa phương có, cứ nối tiếp nhau đến rồi đi, không một lời giải đáp, bỏ lại sau lưng những cái lắc đầu khó hiểu.
Cậu bé Nguyễn Huy Đạt lớn lên, thông minh, có năng khiếu hội họa giống bố nên ông cũng được an ủi phần nào. Đạt khoe với tôi: "Ngoài việc giặt quần áo ra, em có thể làm tất cả các việc khác". Ông Tiến cho biết: "Mãi đến khi đi học, Đạt mới bắt đầu làm quen với việc đi dép vì với bàn chân dị tật, chiếc dép luôn khiến em bị đau đớn. Nhưng luyện tập nhiều, cuối cùng em cũng quen dần và thấy bớt đau hơn".
Nhìn đôi chân bé xíu hằn lên những vết chai sần trên làn da con trẻ của Đạt, tôi thấy lòng trào dâng niềm thương cảm xót xa. Mới đầu, Đạt cũng bị bạn bè trêu chọc, chế giễu chẳng khác gì bố mình ngày xưa. Nhưng cũng như người cha tài hoa của mình, em cũng học hành, cũng chơi thể thao, làm tốt mọi việc chẳng thua kém những đứa trẻ bình thường khác. Đạt lém lỉnh: "Các bạn trêu nhiều thành chán. Bây giờ chả ai trêu chọc em nữa. Nhiều khi em còn trêu lại các bạn".
Chứng kiến cậu bé Đạt cùng bạn bè mồ hôi mồ kê nhễ nhại đuổi theo trái bóng tròn, ánh mắt hồn nhiên cùng tiếng cười giòn tan trong nắng chiều, tôi lại thấy chân trời rực rỡ một niềm tin. Niềm tin vào nghị lực của con người và những điều kỳ diệu mà họ có thể làm được trong cuộc đời này.
Dương Dung