Học phí nhiều trường tăng mạnh
Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự chủ được quy định theo từng khối ngành với mức 1,2 - 3,5 triệu đồng/ tháng.
So với năm học 2021 - 2022 thì mức trần học phí năm học 2022 - 2023 tăng vọt (trừ khối ngành Nghệ thuật). Đặc biệt, khối ngành Y Dược tăng 71,3% (hiện ở mức trần 1,43 triệu đồng/ tháng sẽ tăng lên 2,45 triệu đồng/ tháng). Các khối ngành còn lại hầu hết đều tăng hơn 20% đến gần 30%, riêng khối ngành Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên tăng 15,3%.
Cũng theo nghị định này, lộ trình tăng học phí của các trường còn phụ thuộc vào lộ trình thực hiện tự chủ. Bởi theo quy định, với cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ mức 1 (đảm bảo chi thường xuyên), học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí các trường chưa tự chủ nêu trên, tương ứng với từng khối ngành và từng năm học.
Với cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ mức 2 (đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư), học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí các trường chưa tự chủ nêu trên. Trong khi đó, mức trần học phí đối với đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của các cơ sở giáo dục đại học công lập được xác định cao hơn từ 1,5 - 2,5 lần so với học phí đại học.
Ghi nhận của Người Lao Động, từ năm học tới nhiều trường đại học đã dự kiến tăng học phí.
Năm học 2022-2023, Trường đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội dự kiến thu học phí 42 triệu đồng, năm học 2023-2024 là 44 triệu đồng, năm học 2024-2025 là 46 triệu đồng, năm học 2025-2026 là 48 triệu đồng. Tính riêng học phí năm học 2022-2023 khi so sánh với mức 35 triệu đồng/năm cho khóa tuyển sinh năm 2021, học phí của trường đã tăng thêm 24%.
Về mức tăng trên, PGS-TS Lê Trung Thành, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, lý giải, bắt đầu từ khóa tuyển sinh 2022-2023, các trường đại học phải xây dựng học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, nhà trường đã xác định học phí của chương trình đào tạo. Mức học phí này đã được hội đồng đánh giá, nghiệm thu và phê duyệt từ cơ quan chủ quản là Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến học phí của chương trình đào tạo chuẩn dao động 22 - 28 triệu đồng/năm, chương trình ELiTECH dao động 40 - 45 triệu đồng/năm. Chương trình đào tạo khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin Việt - Pháp, logistics và quản lý chuỗi cung ứng có học phí dao động 50 - 60 triệu đồng/năm, chương trình tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế dao động 45 - 50 triệu đồng/năm; chương trình đào tạo quốc tế dao động 55 - 65 triệu đồng/năm, chương trình TROY (học 3 kỳ/năm) khoảng 80 triệu đồng/năm. Theo lãnh đạo nhà trường, đề án học phí của trường theo cơ chế giá, căn cứ vào chi phí đào tạo. Với một chương trình riêng lẻ học phí tăng không quá 10% một năm so với chương trình hiện hành và mọi thu chi đều được nhà trường thông báo tới người học.
Năm học tới, hệ đại trà của Học viện Báo chí và Tuyên truyền tăng từ 276.000 đồng/tín chỉ lên 440.559 đồng/tín chỉ; hệ chất lượng cao tăng từ 771.200 đồng/tín chỉ lên 1.321.677 đồng/tín chỉ.
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đang áp dụng mức học phí 14.300.000 đồng/năm nhưng từ năm học 2022-2023, học phí của trường được điều chỉnh tăng lên ở mức 44,368 triệu đồng đồng/năm ở nhóm ngành y khoa, dược học, răng - hàm - mặt; và 41 triệu đồng ở nhóm ngành đào tạo còn lại.
PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết đơn giá học phí này dự kiến sẽ được áp dụng trong năm học 2022 - 2023, để đáp ứng nhu cầu cao về chất lượng nhân lực y tế khi tốt nghiệp đại học, trường tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, tăng cường các chương trình hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực thực hành tại các cơ sở y tế, năng lực ngoại ngữ phục vụ sự phát triển nghề nghiệp cho người học.
Ngoài ra, một số cơ sở giáo dục đại học khác như Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Tp.HCM), Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng,... cũng thông báo tăng học phí.
Học phí tăng, nỗi lo tăng
Chị Lê Thị Cấp (phụ huynh học sinh tại Thanh Hóa) cho biết, con gái có nguyện vọng thi vào chuyên ngành Báo mạng điện tử của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Nhưng điều khiến gia đình băn khoăn nhất hiện nay là học phí.
"Thông qua tìm hiểu, con gái tôi cho biết học phí của Học viện Báo chí năm học tới sẽ tăng gần gấp đôi. Điều này khiến cả gia đình phải suy nghĩ vì học phí tăng cao gây ra nhiều khó khăn cho phụ huynh, làm gia tăng áp lực tài chính, đặc biệt với những gia đình đông con trong độ tuổi đến trường", chị Cấp chia sẻ với Lao Động.
Dự định thi vào Trường Đại học Kinh Tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Thùy Dương (học sinh Trường THPT An Dương, Hải Phòng) cho biết đã tìm hiểu về học phí của trường và cảm thấy phân vân. Theo Dương, học phí khóa mới tăng khá cao, nếu may mắn thi đỗ vào trường, Dương phải cố gắng giành học bổng để giảm bớt gánh nặng học phí cho gia đình. Hoặc em sẽ lựa chọn thi vào những trường có nhóm ngành kinh tế nhưng học phí thấp hơn.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Minh, phụ huynh học sinh tại Hà Nội cho rằng, chủ trương tăng học phí là cần thiết nếu đặt đúng mục tiêu. Theo đó, tăng học phí phải đi đôi với đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên, nâng cao chất lượng chương trình học, mở rộng các chương trình ngoại khóa. Ngoài ra, nhà trường phải công khai điều kiện đào tạo, chất lượng đào tạo để phụ huynh và sinh viên cùng giám sát.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, GS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Tp.HCM, cho biết trong năm học 2022-2023 tới đây trường vẫn phải điều chỉnh tăng học phí vì có tăng mới có cơ hội tăng định mức đào tạo- điều kiện để tăng chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, mức tăng cụ thể là bao nhiêu cũng phải tùy tình hình kinh tế - xã hội và sức chịu đựng của người học. Theo ông Hà, tăng học phí sẽ tác động tiêu cực đến người học, đặc biệt là đối tượng sinh viên trong gia đình có thu nhập hạn chế.
TS Lê Trường Tùng, thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục nhiệm kỳ 2022-2026, thì cho rằng tổng định mức đào tạo cho một sinh viên thường từ 3 nguồn: Chi phí hỗ trợ từ nhà nước và các nguồn tài trợ; học phí; vay tín dụng. Chiến lược phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam dựa chủ yếu vào học phí của người học là không ổn.
Minh Hoa (t/h)