Vừa qua, ngày 8/10, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2024/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (sau đây gọi tắt là Nghị định 126) thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/10/2010 và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012. Nghị định có hiệu lực từ ngày 26/11.
Đây chính là bước đi nhằm cụ thể hóa Quyết định số 118-QĐ/TW ngày 22/8/2023 của Ban Bí thư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương, đồng thời giải quyết vướng mắc trong quá trình quản lý về tổ chức, hoạt động và quản lý hội thời gian qua, thể hiện qua một số điểm nổi bật.
Một là, cụ thể hóa Quyết định số 118-QĐ/TW, Nghị định mới quy định cấp có thẩm quyền của Trung ương, địa phương giao nhiệm vụ cho hội trong phạm vi hoạt động theo từng cấp (Điều 8); Quy trình hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước đối với nhiệm vụ được giao (Điều 27); Quy trình giao nhiệm vụ và hỗ trợ kinh phí đối với hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương, địa phương (khoản 2, khoản 3 Điều 39).
Hai là, quy định về cơ sở dữ liệu về hội: Thể chế hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Nghị định mới có riêng một điều quy định về cơ sở dữ liệu về hội phục vụ cho công tác quản lý nhà nước mà Nghị định số 45/2010/NĐ-CP chưa quy định.
Ba là, về thẩm quyền giải quyết các thủ tục về hội (Điều 15, trong đó có thẩm quyền phê duyệt điều lệ hội của Thủ tướng Chính phủ): Tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định về thẩm quyền thành lập và quản lý hội: Chủ tịch UBND cấp tỉnh cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên và phê duyệt điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh. Căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ủy quyền để Chủ tịch UBND cấp huyện cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên và phê duyệt điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động trong xã.
Với tinh thần đẩy mạnh phân cấp phân quyền, Nghị định 126 đã quy định mới về điều khoản phân cấp thành lập và quản lý hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Đồng thời, bổ sung nội dung sử dụng chung điều lệ đối với tất cả các hội có cùng lĩnh vực hoạt động chính (khoản 5 Điều 21) để thể chế hóa Kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị quy định: "Nếu các hội ở cấp dưới thống nhất thừa nhận điều lệ của Hội ở Trung ương thì không cần xây dựng điều lệ riêng".
Bốn là, về tài chính, tài sản của hội: Nghị định số 45/2010/NĐ-CP chưa quy định vấn đề này. Nghị định 126 quy định cụ thể về các khoản thu, chi, quản lý, sử dụng tài sản, tài chính, thực hiện công tác kế toán, kiểm toán, thống kê của hội nhằm đáp ứng nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, tự đảm bảo kinh phí và để đảm bảo tính chặt chẽ trong công tác quản lý tài sản, tài chính của hội theo quy định của pháp luật về kế toán, kiểm toán, thống kê.
Năm là, quy định về các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ: Quy định trước đây có một chương quy định về hội có tính chất đặc thù, tuy nhiên, để thể chế hóa quy định số 118-QĐ/TW của Ban Bí thư, Nghị định 126 đã bỏ tên gọi hội có tính chất đặc thù, dành một chương để quy định về các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Một trong những điểm nổi bật của chương này là đã có quy định về chính sách, chế độ đối với người làm việc tại hội.
Sáu là, thể chế hoá Điều 2, Điều 3, Điều 9, Điều 10, Điều 11 Quyết định số 118-QĐ/TW của Ban Bí thư, Nghị định 126 quy định cơ quan lãnh đạo của hội gồm đại hội, ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực hội (Điều 41); quy định về tiêu chuẩn chủ tịch, phó chủ tịch và quy trình nhân sự đối với hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ (Điều 42); đồng thời quy định cụ thể số lượng phó chủ tịch chuyên trách và không chuyên trách để tránh việc bầu quá nhiều cấp phó, phù hợp với chủ trương của Đảng và đảm bảo công tác quản lý nhà nước.
Vấn đề đặt ra là ngoài những quy định mang tính pháp lý để hội thực hiện, Nghị định 126 còn quy định những nội dung mà các tổ chức hội thực hiện theo quy định của điều lệ hội hoặc quy định của cấp có thẩm quyền như: Tiêu chuẩn cụ thể hội viên chính thức, hội viên liên kết, hội viên danh dự (Điều 7); hay như điểm c khoản 7 Điều 22: ngoài những tiêu chuẩn, điều kiện chung quy định tại điểm a, điểm b khoản này, hội quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi, sức khỏe, nhiệm kỳ của chủ tịch hội phù hợp với quy định của pháp luật và điều lệ hội; khoản 8 Điều 22: tiêu chuẩn, điều kiện, số lượng, độ tuổi, sức khỏe, nhiệm kỳ, trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Chủ tịch hội, Tổng Thư ký, thành viên ban chấp hành, ban thường vụ, ban kiểm tra do điều lệ hội quy định phù hợp với quy định của pháp luật.
Vai trò tháo gỡ các bất cập trong công tác hội
Trao đổi với Người Đưa Tin, Luật gia Trần Đức Long - Ủy viên Đảng đoàn, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đánh giá Nghị định 126 là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý về tổ chức và hoạt động của các hội tại Việt Nam.
"Với những quy định mới, nghị định không chỉ giúp nâng cao tính minh bạch, rõ ràng trong hoạt động của hội mà còn đảm bảo rằng các hội được thành lập và hoạt động một cách bền vững, có trách nhiệm và tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật", Luật gia Trần Đức Long nói.
Theo Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, các quy định mới đã giải quyết được những vấn đề bất cập phát sinh trong thực tiễn khi thực hiện công tác quản lý nhà nước về hội, giúp công tác quản lý nhà nước về hội ngày càng hiệu quả hơn.
Đặc biệt, việc phân định thẩm quyền quản lý giữa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương cũng giúp giảm bớt sự phức tạp trong quá trình phê duyệt và quản lý các hội, đồng thời đảm bảo sự giám sát chặt chẽ hơn. Đây cũng là một bước đi cần thiết để hỗ trợ sự phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương và cả nước, đồng thời tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội trong việc thúc đẩy các hoạt động cộng đồng và bảo vệ quyền lợi của người dân.
"Nghị định 126 không chỉ là một văn bản quy phạm pháp luật đơn thuần mà còn mang tính cải cách trong quản lý hội, góp phần xây dựng một môi trường xã hội cởi mở, công khai và minh bạch hơn", Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nói.
Nhấn mạnh Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, Luật gia Trần Đức Long cho biết Hội Luật gia Việt Nam sẽ quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị định 126, đồng thời bày tỏ mong muốn sớm có các văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Nghị định 126 để đưa Nghị định trên vào cuộc sống.