Đồng Nai báo động bệnh sởi ở người lớn gia tăng, chuyên gia đưa ra cảnh báo

Nguyễn Anh Trọng

Nguyễn Anh Trọng

Thứ 7, 23/11/2024 16:51

Ngoài trẻ em đã có người lớn bị bệnh sởi nặng, suy đa cơ quan, phải thở máy và lọc máu liên tục đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Chủ động phòng, chống lây nhiễm sởi

Ngày 23/11, trao đổi với phóng viên Người Đưa Tin, ThS.BSCK2 Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cho biết hiện tại mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh lý khác nhau.

Trong số đó, có từ 158 đến 200 bệnh nhân mắc bệnh sởi, chủ yếu là các trường hợp ngoại trú. Bệnh viện hiện có 750 bệnh nhân đang điều trị nội trú, trong đó có 160 ca mắc sởi.

Đồng Nai báo động bệnh sởi ở người lớn gia tăng, chuyên gia đưa ra cảnh báo- Ảnh 1.

ThS.BSCK2, Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai trực tiếp thăm khám cho bệnh nhi tại bệnh viện.

Để phòng ngừa lây nhiễm chéo cho các bệnh nhân khác, bệnh viện đã thiết lập một khu điều trị riêng biệt dành cho bệnh nhân mắc bệnh sởi. Các bệnh nhân và người nhà thăm nuôi không được phép vào khu vực này.

Bên cạnh đó, nhân lực và trang thiết bị điều trị cũng được phân tách riêng biệt để tránh nguy cơ lây lan. Để ứng phó với tình trạng bệnh nhân sởi có thể gia tăng trong thời gian tới, bệnh viện đã chủ động bố trí thêm phòng, máy móc và đội ngũ y bác sĩ nhằm kịp thời theo dõi và điều trị cho các bệnh nhi.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân đến từ các tỉnh khác, đặc biệt là con em của các công nhân từ các tỉnh thành khác đang làm việc tại các khu công nghiệp, bệnh viện sẽ tiến hành thăm khám và tiêm ngừa nếu bệnh nhi đủ điều kiện về sức khỏe.

Nhiều người lớn nhiễm sởi diễn biến nặng

Theo Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, từ tháng 10/2024 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị hơn 70 bệnh nhân mắc bệnh sởi, độ tuổi từ 20 đến 40. Đặc biệt, có một số bệnh nhân bị bệnh nặng, suy đa cơ quan, phải thở máy xâm lấn và lọc máu liên tục.

Bác sĩ Đoàn Quốc Duy, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, trong số hơn 70 bệnh nhân, khoảng 10-15 ca phải thở oxy, và 2 bệnh nhân phải sử dụng máy thở HFNC.

Một trong những ca bệnh nghiêm trọng là chị N.T.B.N. (32 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), nhập viện trong tình trạng sốt cao, ban đỏ nổi toàn thân, mệt mỏi, khó thở, suy hô hấp và huyết áp thấp.

Chị N. được chẩn đoán mắc sởi, viêm phổi nặng, choáng nhiễm trùng và suy đa tạng, phải thở máy xâm lấn, sử dụng thuốc vận mạch, truyền kháng sinh và lọc máu liên tục.

Do tình trạng bệnh quá nặng, bệnh nhân đã được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (Tp.HCM) để tiếp tục điều trị.

Đồng Nai báo động bệnh sởi ở người lớn gia tăng, chuyên gia đưa ra cảnh báo- Ảnh 2.

Bện nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai ngày 23/11.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến ngày 23/11, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 2.200 ca mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm 2023 chỉ có 3 ca. Đặc biệt, đã có một trường hợp tử vong do bệnh sởi. Đáng chú ý, trong số các ca mắc, chỉ có 97 trường hợp đã được tiêm vắc-xin, chiếm 5%.

Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với khả năng lây lan nhanh và dễ bùng phát thành dịch.

Trẻ em, với hệ miễn dịch còn yếu, là đối tượng dễ mắc bệnh và nếu không được điều trị kịp thời, có thể gặp phải các biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đồng Nai đã đề nghị các Trung tâm Y tế huyện, thành phố phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường tiểu học để tiếp tục rà soát các học sinh trong độ tuổi tiêm chủng sởi (dưới 10 tuổi), đảm bảo tiêm đầy đủ và đúng lịch vắc-xin sởi và sởi/rubella.

Đồng thời, các Trung tâm Y tế cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống bệnh sởi.

Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đồng Nai cũng đã đề nghị Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh công bố dịch bệnh sởi trên toàn tỉnh.

Ngành y tế tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Y tế để triển khai tiêm vắc-xin phòng sởi cho trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi và trẻ trên 10 tuổi, nhằm tăng cường miễn dịch cộng đồng và hạn chế sự gia tăng các ca mắc mới.

Bác sĩ Đoàn Quốc Duy khuyến cáo, những người chưa từng mắc sởi, chưa tiêm vắc-xin, hoặc đã tiêm vắc-xin nhưng miễn dịch suy giảm đều có nguy cơ cao mắc bệnh. Đặc biệt, cha mẹ chăm sóc con nhỏ bị bệnh sởi cũng có thể bị lây nhiễm qua đường hô hấp.

Để phòng ngừa bệnh, bác sĩ Duy khuyến cáo người dân tiêm vắc-xin phòng sởi để tạo miễn dịch cho cơ thể.

Đồng thời, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, rửa tay thường xuyên và duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng. Khi có triệu chứng sốt và phát ban, người dân nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc và nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Anh Trọng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.