Thị sát việc tái đàn
Sáng ngày 4/5 đoàn công tác của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Đồng Nai về tình hình chăn nuôi năm 2019 và kế hoạch năm 2020.
Trong đó, đoàn đặc biệt quan tâm đến giá thịt heo, cơ cấu đàn heo (tổng đàn, đàn nái, đàn thịt, đàn đực,…), tái đàn, tổng kinh phí sử dụng cho việc hỗ trợ người chăn nuôi đợt dịch tả heo châu Phi,…
Cũng trong sáng cùng ngày, đoàn công tác đã đi thực tế 2 trang trại tại huyện Vĩnh Cửu và Trảng Bom để ghi nhận việc tái đàn sau dịch.
Trong buổi làm việc, đoàn công tác đã đến thăm 2 trại heo là trại Hoa Phượng tại huyện Vĩnh Cửu và trại Bình Minh tại huyện Trảng Bom.
Tại đây, đoàn đã tham quan trại, hỏi thăm tình hình tái đàn, gây giống, xuất giống..., qua đó cũng nhận thấy khó khăn về con giống hiện nay, thiếu hụt, khan hiếm dẫn đến giá cả rất cao (2,5 - trên 3 triệu đồng/con giống).
Tuy heo giống có giá cao nhưng lại khan hiếm nên các trại vẫn không đủ khả năng tái đàn. Để giải quyết bài toán này, đã có trại phải tự gây giống để nuôi và dự kiến sẽ sớm tái đủ đàn trở lại.
Riêng trại Bình Minh hiện nay mỗi tháng đang xuất ra thị trường từ khoảng 200 - 250 con heo giống và đang cố gắng tăng trong thời gian tới. Đoàn công tác cũng yêu cầu các trại đảm bảo an toàn sinh học, cẩn trọng trong việc tái đàn và cố gắng tái đàn an toàn.
Sau khi thăm các trại, đoàn công tác đã trở về trụ sở UBND tỉnh Đồng Nai và làm việc với tỉnh này cũng các Sở ban ngành liên quan.
Đại diện sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai báo cáo, hiện nay tổng đàn heo của Đồng Nai khoảng hơn 2 triệu con (giảm 19,38% so với cùng kỳ, giảm 19,41% so với thời điểm trước lúc xảy ra bệnh dịch tả heo Châu Phi).
Trong đó có 815 con heo giống cụ kỵ ông bà, 215.000 heo nái sinh sản, 64.517 nái hậu bị, 3.700 đực giống, 371.755 heo con theo mẹ, 1.375.213 heo thịt. Chăn nuôi trang trại chiếm hơn 90%, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm gần 10% tổng đàn, với khoảng 6.150 hộ chăn nuôi.
Tổng đàn gà khoảng 21,772 triệu con, tăng 2,74% so cùng kỳ; chăn nuôi trang trại chiếm khoảng 91% tổng đàn với 410 trang trại. Riêng bò: 84.629 con còn trâu 3.789 con. Đàn dê khoảng 277.000 con và vịt, ngan, ngỗng khoảng 2 triệu con, chim cút khoảng 6,8 triệu con.
Thực tế tại Đồng Nai
Để đảm bảo an toàn cho vật nuôi trên địa bàn, hiện Đồng Nai đang hướng đến chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và áp dụng quy trình VietGAHP trong chăn nuôi lợn.
Ngoài ra, còn tiến hành xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm tránh cung vượt cầu, mất giá, lỗ nặng.
Trong đó 10/11 địa phương đã triển khai thực hiện (trừ TP.Biên Hoà vì có lộ trình di dời chăn nuôi khỏi đô thị). Hiện, có 328 cơ sở đã tái đàn, tăng đàn đạt số lượng 219.845 con (6.831 heo nái, 35 heo hậu bị, 14 heo đực giống, 2.274 heo cai sữa và 210.691 heo thịt).
Số cơ sở bị Dịch tả heo Châu Phi tái đàn là 247 cơ sở. Việc tích cực tổ chức tái đàn, phát triển chăn nuôi đã tăng đàn heo của tỉnh Đồng Nai đạt khoảng 2,031 triệu con (tăng khoảng 14% so với tháng 01/2020).
Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng ra sức tuyên truyền phổ biến luật đến người chăn nuôi đồng thời yêu cầu các hộ chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, an toàn phòng chống dịch bệnh trong quá trình chăn nuôi.
Tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ cho vật nuôi trên địa bàn toàn tỉnh.
Mặc dù bệnh dịch tả heo Châu Phi cơ bản được kiểm soát, nhưng bệnh chưa có vắc xin phòng, đường truyền lây phức tạp, mầm bệnh có sức đề kháng cao, nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái phát dịch nếu không thực hiện chặt chẽ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học,…
Về công tác giống Đồng Nai khuyến khích các cơ sở sản xuất heo giống phát triển đàn heo giống để cung cấp cho người chăn nuôi.
Nếu các cơ sở sản xuất giống quy mô lớn tiếp tục không cung cấp con giống cho các cơ sở chăn nuôi ngoài hệ thống; Nhà nước sẽ xem xét, đăng ký đặt hàng với doanh nghiệp để cung cấp giống cho người chăn nuôi khi cần thiết.
Tập trung tổ chức sản xuất chăn nuôi theo quy trình VietGAHP, an toàn dịch bệnh và an toàn sinh học; chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp, liên kết trong sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm thông qua hình thức hợp tác giữa các cơ sở chăn nuôi với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thu mua, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật.
Khuyến khích phát triển đàn heo đối với các doanh nghiệp chăn nuôi có điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật tốt, kiểm soát và thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học.
Sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết như Tổ hợp tác, Hợp tác xã; liên kết cơ sở chăn nuôi với các đơn vị sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thu mua, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật.
Sau khi báo cáo về tình hình chăn nuôi trên địa bàn, Đồng Nai cũng kiến nghị Bộ xem xét, có ý kiến chấp thuận việc hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi tính theo số lượng con, chấp thuận chỉ định Trạm chẩn đoán xét nghiệm thuộc Chi cục Chăn nuôi và thú y được xét nghiệm mẫu Dịch tả lợn châu Phi, để chủ động công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai,…
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói rằng, Đồng Nai là địa phương có tổng đàn heo rất lớn của cả nước. Vì vậy, việc tái đàn là điều cần thiết và phải đảm bảo an toàn sinh học.
Các doanh nghiệp lớn chuyên cung cấp giống cũng nên hỗ trợ, tạo điều kiện cho người chăn nuôi.