Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Ngày 28/3, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn Đồng Nai năm 2024.
Tham dự có Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai - ông Hồ Thanh Sơn; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - bà Hoàng Thị Bích Hằng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh - bà Nguyễn Thị Hoàng và đại diện các Sở, ngành liên quan.
Hội nghị đã thông báo tình hình kinh tế - xã hội của địa phương năm 2023 và những tháng đầu năm 2024; đồng thời cung cấp các thông tin về cơ chế, chính sách mới đến các doanh nghiệp, hợp tác xã nắm bắt để lồng ghép vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình.
Trong phần đối thoại, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã trình bày nhiều vấn đề liên quan đến vấn đề thuê đất trong khu công nghiệp cao; thiếu mặt bằng sản xuất nhưng diện tích đất khu, cụm công nghiệp để phục vụ việc di dời chưa sẵn sàng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp, hợp tác xã cũng mong muốn được hỗ trợ, hạ lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, nhất là đối với nguồn vốn vay cũ.
Đồng thời trình bày những vướng mắc liên quan đến phòng cháy, chữa cháy; chính sách thu hút đầu tư nhà ở xã hội; cần tinh gọn hơn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp.
Tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đã chỉ đạo các Sở, ngành liên quan trả lời những thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Đối thoại với doanh nghiệp là hoạt động thường niên được tỉnh tổ chức nhằm mục đích tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và thông tin về cơ chế, chính sách mới.
Do đó, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, những thông tin, kiến nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã là cơ sở để tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị các cơ quan trung ương có thẩm quyền xem xét hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động.
Từ đó, tỉnh tạo dựng được môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư
Cùng ngày, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã có buổi làm việc và gặp gỡ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn.
Tham dự hội nghị có Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy - ông Hồ Thanh Sơn; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - ông Cao Văn Quang; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - bà Hoàng Thị Bích Hằng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh - bà Nguyễn Thị Hoàng; lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương trong tỉnh.
Cùng tham dự hội nghị có gần 400 đại biểu gồm: Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh - ông Shin Choong IL; Phó Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh - ông Furudate Seiki; đại diện doanh nghiệp; hiệp hội thương mại, hiệp hội doanh nghiệp các nước châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…
Năm 2023, thu hút FDI trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đạt gần 1,23 tỷ USD, tăng trên 11% so với kế hoạch năm (1,1 tỷ USD). Trong đó, có 81 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký trên 467 triệu USD; 94 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung trên 761 triệu USD.
Đến nay, toàn tỉnh có gần 1,6 ngàn dự án FDI còn hiệu lực, với số vốn đầu tư trên 34 tỷ USD.
Trong quý I/2024, tỉnh Đồng Nai đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 21 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư trên 252 triệu USD; 129 dự án được điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó có 23 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với mức vốn tăng trên 268 triệu USD.
Tỉnh Đồng Nai hiện có gần 1.600 dự án FDI đang hoạt động, trong đó có nhiều doanh nghiệp đã gắn bó với địa phương hàng chục năm, tạo việc làm cho rất nhiều lao động.
Năm 2023, tỉnh Đồng Nai tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, đạt khoảng 1,23 tỷ USD, bằng 107% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, bao gồm các dự án lớn như: dự án Công ty TNHH Kingfa Science & Technology (Vietnam), vốn đầu tư 80 triệu USD, tại khu Công nghệ cao Long Thành, dự án Nhà máy Công ty TNHH Anctek Việt Nam - vốn đầu tư 80 triệu USD tại khu công nghiệp Giang Điền…
Đa số các doanh nghiệp FDI thu hút mới thuộc ngành cơ khí, thực phẩm, năng lượng… Không có dự án thuộc danh mục ngành nghề có yếu tố gây ô nhiễm môi trường hay thâm dụng lao động.
Cũng theo lãnh đạo tỉnh này, thời gian tới địa phương sẽ quan tâm, chọn lọc nhà đầu tư, ưu tiên các dự án thân thiện môi trường, công nghệ sạch.
Đồng thời, nhanh chóng hoàn thiện và trình phê duyệt hồ sơ quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Công khai quy hoạch tỉnh, vùng, địa bàn quan trọng như khu vực ven sân bay Long Thành, Nhơn Trạch, Long Khánh, Biên Hòa…
Tiếp tục bố trí nguồn vốn đầu tư công để triển khai đồng loạt các hạng mục công trình, giao thông trọng điểm có tính liên kết vùng, liên kết tỉnh như: các tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây – Đà Lạt, Biên Hòa – Vũng Tàu, Vành đai 3, Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, còn triển khai tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên nối dài về thành phố Biên Hòa, góp phần đưa Đồng Nai trở thành một trong những địa phương sở hữu hệ thống giao thông đường bộ hoàn thiện nhất cả nước. Tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư đến với địa phương.
“Với hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, nhiều tuyến đường lớn đã và đang được triển khai xây dựng, không lâu nữa Đồng Nai sẽ có hạ tầng giao thông đa dạng, hiện đại, đồng bộ. Như vậy sẽ đáp ứng điều kiện để ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư lớn. Đặc biệt sân bay Long Thành sẽ là thỏi nam châm hút các nhà đầu tư”, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.
Tại hội nghị, đại diện Công ty TNHH SMC Manufacturing - khu công nghiệp Long Đức cho rằng, hiện trạng tuyến đường nối từ khu công nghiệp Long Đức ra QL51 đã xuống cấp, xuất hiện nhiều ổ gà, mưa thường xuyên bị ngập nên có nguy cơ mất an toàn giao thông.
Vì vậy, công ty mong muốn lãnh đạo tỉnh Đồng Nai quan tâm sửa chữa, nâng cấp tuyến đường để đảm bảo an toàn cho lao động tại khu công nghiệp.
Trước chia sẻ của doanh nghiệp, lãnh đạo UBND huyện Long Thành cho biếtm đường nối từ QL51 vào khu công nghiệp là đường Lò Gạch – Cầu Nước Trong. Tuyến đường này được hoàn thành giai đoạn 1, đưa vào hoạt động từ năm 2011.
Tuy nhiên trước đó mới chỉ đầu tư nền mặt đường và đèn chiếu sáng, chưa đầu tư vỉa hè, cây xanh hay hệ thống thoát nước.
Do đó theo thời gian, mật độ dân cư, người lao động lưu thông ngày càng đông, nước mưa, nước sinh hoạt tràn ra đường gây ngập úng, hư hỏng đường…
Để xử lý ngập, năm 2021, địa phương cũng đã bố trí thi công 500m mương thoát nước dọc tuyến bên phải từ QL51 đi vào nhưng về lâu về dài đã có kế hoạch nâng cấp…
“Tuyến đường đã được UBND tỉnh Đồng Nại phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp mở rộng. Hiện tại, đang ở giai đoạn khảo sát và thiết kế lập hồ sơ dự án để đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, với lộ giới 45m theo quy hoạch. UBND huyện cũng đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án huyện, cùng các phòng ban tích cực đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ làm cơ sở triển khai thực hiện dự án. Đặc biệt, những năm qua huyện Long Thành vẫn duy tu sửa chữa tuyến đường này trong gói dịch vụ công ích duy tu bảo dưỡng các tuyến đường huyện.
Tuy nhiên, do kinh phí thấp nên chỉ dặm vá ổ gà, không đủ kinh phí cải tạo mặt đường trên diện rộng. Để đảm bảo an toàn giao thông, UBND huyện Long Thành đang xem xét tổng nguồn vốn sửa chữa mặt đường một số đoạn hư hỏng nặng trong thời gian chờ triển khai dự án mở rộng tuyến đường”, lãnh đạo huyện Long Thành cho hay.
Nhân dịp này, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức khen thưởng, cho nhiều doanh nghiệp có thành tích trong hoạt động tại địa phương.