Ngày 10/1, thông tin từ Bệnh viện đại học Y dược Shing Mark (Đồng Nai), các bác sĩ đã nội soi lấy xương cá dài 4cm cho một bệnh nhân nam.
Theo đó, bác sĩ CKI Tăng Bá Dũng và ekip Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark vừa nội soi cấp cứu bệnh nhân M.V.N. (68 tuổi, ngụ huyện Long Thành) trước nguy cơ thủng dạ dày do nuốt phải xương cá.
Trước khi nhập viện, bệnh nhân N. ăn tối cùng gia đình. Sau bữa ăn, bệnh nhân cảm thấy đau âm ỉ vùng thượng vị.
Tuy nhiên, bệnh nhân không để ý và nghĩ rằng đau bụng do ăn uống không hợp vệ sinh. Đến khoảng 1h ngày 8/1, bệnh nhân cảm thấy đau bụng thượng vị nhiều hơn, đau dữ dội, không chịu nổi nên đã được người nhà đưa tới bệnh viện cấp cứu.
Tại đây bệnh nhân được thực hiện các xét nghiệm, siêu âm, chỉ định làm nội soi thì phát hiện mẩu xương cá dài khoảng 4cm, đang cắm chặt vào thành hang vị dạ dày. Đây chính là nguyên nhân gây đau bụng của bệnh nhân. Các bác sĩ đã tiến hành đưa dụng cụ luồn vào ống nội soi và cẩn thận gắp xương cá ra ngoài an toàn.
Sau khi gắp dị vật ra, bệnh nhân N. đã thấy thoải mái hơn, giảm đau bụng nhiều, hết cảm giác đau quặn, còn đau nhẹ vùng thượng vị. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi thêm tại khoa ngoại tổng quát bệnh viện.
Qua trường hợp này, Bác sĩ Dũng cho biết: “Hóc xương hay mắc dị vật đường tiêu hóa như vỏ thuốc, que tăm... khá phổ biến và thủ thuật nội soi gắp dị vật được tiến hành thường xuyên và khá an toàn. Đối với những dị vật này, nếu không được gắp sớm, dị vật có thể đâm thủng dạ dày, thủng thực quản, gây chảy máu, dẫn đến viêm, áp xe có trường hợp gây nguy hiểm đến tính mạng.
Thông thường, khi bị hóc dị vật như các loại xương, que tăm... thì người dân thường cố gắng khạc, dùng tay móc lấy xương hoặc ăn miếng cơm lớn để nuốt xuống dạ dày.
Nhưng thực tế, những việc làm này sẽ làm cho họng bị trầy xước, nhiễm trùng. Khi nuốt thêm còn làm cho xương xuống sâu, hoặc cắm sâu vào tổ chức hơn khiến cho việc lấy xương gặp nhiều khó khăn.
Bác sĩ Dũng khuyến cáo thêm, người dân không nên vừa ăn vừa đùa giỡn, khi ăn nên nhai kỹ, ngồi ăn và không nên vừa nằm vừa ăn để tránh bị dị vật đi vào đườn tiêu hoá, đường thở.
Trong trường hợp nghi bị hóc xương, nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí đúng cách, tránh xảy ra các biến chứng không đáng có.