Dư… đá
Mới đây, UBND xã Sông Trầu và UBND huyện Trảng Bom đã có thông tin trả lời ban đầu cho PV Người Đưa Tin Pháp luật về việc khai thác đá (người dân quen gọi đá mồ côi) trên địa bàn.
Theo đó bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Phó Chủ tịch UBND xã Sông Trầu cho biết: “Việc khai thác đá mồ côi trên địa bàn xã chủ yếu là do cải tạo vườn và có dư ra nên người dân đem bán. Cụ thể, tại thửa đất số 80, tờ bản đồ số 3, xã Sông Trầu, diện tích gần 7.400 m2, đất trồng cây hàng năm, chủ sử dụng là ông Nguyễn Văn Đại và bà Nguyễn Thị Hiên có cải tạo đất và san từ chỗ cao xuống thấp.
Theo bà Hiên, trong thời gian cải tạo đất có dư là số lượng đá san lấp, với 22 xe ben, loại đá lớn, không thể dùng để kè hàng ranh nên đã bán cho cho bên phía cải tạo đất”.
Tương tự, cũng theo nội dung cung cấp của UBND xã Sông Trầu, tại thửa đất số 452, tờ bản đồ số 3, diện tích gần 15.000m2 đất ở nông thôn, đất trồng cây lâu năm và trồng cây hàng năm tại xã Sông Trầu, có chủ sử dụng đất là bà Nguyễn Thị Bích Phượng cải tạo đất và san mặt bằng từ chỗ cao xuống thấp.
Hiện, diện tích cải tạo đất của bà Phượng khoảng 4.000 m2, trong thời gian cải tạo đất, có dư đá cục và đã chuyển ra ngoài số lượng là 44 xe ben. Số lượng đá còn lại vẫn còn tại thửa đất nêu trên.
“Hiện nay, UBND xã đã hoàn tất hồ sơ, chuyển UBND huyện xử lý về đất đai và khoáng sản theo quy định. Đồng thời, UBND huyện Trảng Bom đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật tại các thửa đất nêu trên”, bà Yến cho hay.
Sau khi tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật vào cuộc và phản ánh, đến nay, ghi nhận thực tế của PV vào 6/11 cho thấy, tại hiện trường các thửa đất trước đây vốn là “mỏ” khai thác đá mồ côi thì nay đã bị ngừng lại hoàn toàn.
Việc đưa đá về cơ sở Thạch Bàn và hộ ông Sách (thuộc địa phận xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu) đã không còn như thời điểm nhóm PV thâm nhập, điều tra trước đó. Tuy nhiên, các cơ sở này vẫn đang hoạt động.
Công ty Thạch Bàn không có giấy phép khai thác đá
Trước đó, PV đã có đề cập đến cơ sở Thạch Bàn trên địa bàn xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) là nơi “tiếp nhận” đá mồ côi từ các “mỏ” nêu trên. Đồng thời, cũng hứa với bạn đọc sẽ cung cấp “danh tính” của cơ sở này.
Theo Báo cáo gửi cho UBND huyện Vĩnh Cửu, đồng thời để trả lời và cung cấp thông tin theo đề nghị của PV, ông Nguyễn Hữu Bình, Phó Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Vĩnh Cửu (theo chỉ đạo của đồng chí Trưởng phòng) cho biết: “Công ty Cổ phần Thạch Bàn (cơ sở Thạch Bàn mà nhóm PV phản ánh) có địa chỉ ở ấp 4, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu không có giấy phép khai thác khoáng sản và cũng không khai thác khoáng sản tại xã Vĩnh Tân”.
Như vậy, Công ty này hoàn toàn không hề được phép khai thác và chế biến đá mồ côi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Thực tế, theo phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Vĩnh Cửu: “Công ty Thạch Bàn chỉ hoạt động cưa - xẻ đá đã được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương cho phép thực hiện”.
Cụ thể, công ty Thạch Bàn có một số hồ sơ pháp lý, gồm: Quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai về chủ trương đầu tư dự án nhà máy sản xuất, chế biến đá ốp lát và sản xuất gạch không nung, bê tông cốt liệu.
Quyết định của UBND tỉnh về chấp thuận cho Công ty thuê đất đầu tư dự án nhà máy sản xuất và chế biến đá ốp lát và sản xuất gạch không nung, bê tông cốt liệu. Giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy…
Hơn nữa, nguồn nguyên liệu đá dùng cưa - xẻ của Công ty cung cấp, gồm: Hợp đồng với công ty TNHH Đại Phát Đà Lạt về cung cấp đá khối basalt. Hợp đồng với công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Khoáng sản miền Trung - cung cấp đá khối hộc.
Hợp đồng với công ty TNHH Khai thác và chế biến đá Duy Thu - cung cấp đá khối hộc.
Trong các ngày 1/10/2019; 27/8/2019; 20/9/2019, công ty Thạch Bàn có thu mua đá hộc của công ty Duy Thu với khối lượng là 600 m3; công ty Cổ phần Địa chất và khoáng sản Việt Nam với khối lượng hơn17.000 m3đá Granite; công ty Xây dựng Nam Thắng Đắk Nông; công ty TNHH Thương mại dịch vụ Vận tải Thế Anh.
Một điều quan trọng là: “Công ty trình bày còn thu mua đá từ một số hộ dân cải tạo đất có dư đá mồ côi. Số đá này được người dân đưa bán và Công ty chỉ thực hiện mua bán, cưa - xẻ đá nên phương tiện vận chuyển nguyên liệu đá và sản phẩm ra vào Công ty là do bên bán thực hiện”.
Rõ ràng, ẩn chứa dưới danh nghĩa “cưa – xẻ” đá, Công ty Thạch bàn đã (liên kết) khai thác, vận chuyển, sản xuất đá mồ côi (loại khoáng sản đang được thị trường ưa chuộng) trên địa bàn huyện Trảng Bom và Vĩnh Cửu.
Ai vận chuyển?
Trả lời cho PV, UBND huyện Trảng Bom cho biết: “Những người dân nơi này khi cải tạo vườn, có bán lại đá cho những người thực hiện công tác cải tạo và dùng phương tiện của họ vận chuyển”.
Tuy nhiên, trong báo cáo của UBND huyện Vĩnh Cửu lại cho rằng: “Người bán thực hiện vận chuyển”. Vậy ai là người vận chuyển, phương tiện vận chuyển của ai, ở đâu ra?. Đây là những câu hỏi cần phải có lời giải.
Dù vậy, với khối lượng hàng trăm nghìn m3 đá, số lượng rất lớn như vậy được vận chuyển hàng ngày, hàng giờ trước đây nhưng UBND Trảng Bom và Vĩnh Cửu đang “đá nhau”.
Thực tế, theo ghi nhận của PV, những chiếc xe ben, cỡ lớn chạy với tốc độ bạt mạng, phóng kinh hoàng trên cung đường từ khu vực khai thác (thuộc địa phận xã Sông Trầu) về đến công ty Thạch Bàn và cơ sở của ông Sách (thuộc địa phận xã Vĩnh Tân).
Mỗi chiếc xe ben chở được khoảng vài ba khối đá lớn. Tuy nhiên, số lượng xe ra vào tấp nập, nên nói số lượng bán ra là 22 và 44 xe như trên là điều khiến PV hết sức ngạc nhiên?.
PV đi nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, như: TP. Biên Hòa, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Định Quán… và xa hơn, như: tại Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận rất nhiều đá mồ côi được cưa - xẻ thành viên đẹp mắt đã có mặt tại đó để thực hiện các công trình xây dựng.
Thậm chí, ngay trụ sở UBND xã Vĩnh Tân, sân cũng được lót bằng đá mồ côi. Các bồn hoa - cây cảnh cũng được ốp đá mồ côi rất bắt mắt. Vậy đá này ở đâu ra?.
Theo nguồn tin của PV, đá này chủ yếu được lấy tại khu vực Trảng Bom và xuất ra từ 2 cơ sở mà nhóm PV đã đề cập trong các bài viết vừa qua.
Ông Phạm Duy Thanh, Phó Chánh Văn phòng UBNDhuyện Vĩnh Cửu chia sẻ thêm: “Trước đây, đá này hầu như không ai để ý, rất ít người quan tâm. Tuy nhiên, đến nay, biết được giá trị của nó thì nhiều người đang tổ chức khai thác, cưa- xẻ và cung cấp cho thị trường, dùng để ốp tường, lát sân rất đẹp”.
Bài tiếp theo: UBND huyện Vĩnh Cửu chỉ đạo gì và “bật mí” về cơ sở của ông Sách?
CHÍ THANH – QUỐC NAM