Đồng Nai: Lao động địa phương có cơ hội việc làm ở sân bay Long Thành

Đồng Nai: Lao động địa phương có cơ hội việc làm ở sân bay Long Thành

Nguyễn Anh Trọng

Nguyễn Anh Trọng

Chủ nhật, 30/07/2023 07:00

Những dự thảo về dự án đào tạo nhân lực địa phương làm việc tại sân bay Long Thành đang được chuẩn bị, nhằm biến cơ hội, lợi thế thành hiện thực.

 Dự kiến khi đi vào hoạt động, Dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành cần khoảng 13,8 ngàn việc làm. Để tận dụng cơ hội này, tỉnh Đồng Nai và huyện Long Thành đã xây dựng chương trình, đề án việc làm.

Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, khi Dự án sân bay Long Thành đi vào hoạt động cần khoảng 13,8 ngàn lao động, trình độ từ phổ thông đến trên đại học, trong đó nhiều nhất là đại học, chiếm khoảng 40% tổng số lao động cần.

Dân sinh - Đồng Nai: Lao động địa phương có cơ hội việc làm ở sân bay Long Thành

Cơ hội việc làm tốt cho hàng ngàn người (tại sân bay Long Thành trong tương lai). (Ảnh minh họa).

Để đáp ứng nguồn nhân lực cho dự án, giải quyết việc làm cho người dân vùng dự án, từ các năm trước, tỉnh đã chỉ đạo chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu, trên cơ sở đó xây dựng Đề án Đào tạo nghề, giới thiệu việc làm.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở LĐ-TBXH cho biết, năm 2020, khi dự án chưa khởi công, Sở LĐ-TBXH đã làm việc với Cục Hàng không Việt Nam về nhu cầu nhân lực.

Sau đó, Sở có văn bản đề nghị Viện Khoa học - Công nghệ hàng không Việt Nam, hỗ trợ xây dựng đề cương và dự thảo dự án Đào tạo nhân lực hàng không chất lượng cao nhưng đến nay chưa có văn bản trả lời.

Để chủ động việc này, Sở làm việc với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh và tháng 6/2023, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (tại huyện Long Thành) đã ký hợp tác với Học viện Hàng không Vietjet (VJAA) đào tạo 4 ngành nghề là: nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay; nhân viên điều độ, khai thác bay; nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không; nhân viên khai thác mặt đất. Năm học 2023-2024 sẽ đào tạo khóa đầu tiên.

Ngoài ra, Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đang hợp tác với Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (trụ sở tại Tp.Hà Nội) đào tạo một số ngành trong lĩnh vực kỹ thuật hàng không.

Trong năm học này sẽ tuyển sinh các nghề: kỹ thuật bảo dưỡng máy bay, kỹ thuật sửa chữa cấu trúc máy bay, logistics trong lĩnh vực hàng không.

Cũng theo bà Hiền, lao động phục vụ cho ngành hàng không là đặc thù, người học phải có trình độ đầu vào nhất định và cơ sở đào tạo phải được cấp phép của cơ quan chuyên môn là Cục Hàng không Việt Nam.

Do vậy, không phải ai muốn cũng học được và trường nào cũng có thể đào tạo. Chẳng hạn, sinh viên chuyên ngành hàng không phải trình độ Anh văn TOEIC 450 thì mới được học.

Ngoài lực lượng lao động liên quan trực tiếp đến sân bay, khi dự án này đi vào hoạt động sẽ kéo sự phát triển của các khu công nghiệp, khu dịch vụ hậu cần, khu thương mại khác.

Dự kiến khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động cần trình độ phổ thông 1.700 người, trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng khoảng 5.700 người, đại học khoảng 5.000 người, còn lại là trình độ khác.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, để khai thác lợi thế sân bay và các tuyến giao thông kết nối, trong quy hoạch chung các huyện lân cận đã cập nhật nhiều khu công nghiệp mới như: Nhơn Trạch 2,7 ngàn ha, Xuân Quế - Sông Nhạn gần 3.600ha, Long Đức 3 gần 245ha; khu cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng; các khu dân cư, khu thương mại dịch vụ...

Đây đều là những khu vực cần nhiều lao động ở nhiều ngành nghề.

Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, thời gian tới sẽ tích cực hỗ trợ Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 trong thực hiện các chương trình đào tạo đã ký kết.

Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh kế hoạch cụ thể, làm việc với Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam và các công ty sử dụng lao động để liên kết hoặc phối hợp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sân bay Long Thành.

Riêng nguồn nhân lực chất lượng cao, các trường chủ động làm việc với đơn vị sử dụng lao động để cập nhật, tích hợp chương trình, ngành nghề đào tạo mới.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết, mặc dù chưa có cuộc làm việc chính thức hay “đặt hàng” từ phía các đơn vị có nhu cầu nhân lực nhưng từ năm 2020 đến nay, huyện đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, định hướng cho người dân, học sinh các trường THPT trên địa bàn về nhu cầu, ngành nghề, cơ hội việc làm tại sân bay Long Thành.

Cũng theo lãnh đạo huyện Long Thành, địa phương đang xây dựng Đề án Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị Long Thành, trong đó có sân bay.

Huyện đã lập tổ thực hiện đề án, trong đó thành viên bao gồm cả các trường nghề, trường THPT trên địa bàn. Đối tượng của đề án khá rộng, bao gồm lao động địa phương và toàn tỉnh.

Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, thông tin cho người dân, học sinh biết về các ngành nghề có nhu cầu khi sân bay đi vào hoạt động, các điều kiện, đặc biệt là ngoại ngữ.

Ông Thành cho rằng, nếu có sự phối hợp chặt chẽ từ đơn vị sử dụng lao động là cần bao nhiêu nhân lực, ngành nghề, giai đoạn nào huyện sẽ dễ tuyên truyền, làm việc với các trường hơn.

Đây cũng là giải pháp đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

Rõ ràng nhu cầu và cơ hội việc làm trong tuơng lai là có, song việc biến đó thành hiện thực đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên trong cung cấp thông tin về nhu cầu, điều kiện.

Thông tin này càng cụ thể thì học sinh càng dễ lựa chọn nghề, cơ sở đào tạo cũng có phương án bổ sung hoặc liên kết đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu, còn đơn vị sử dụng lao động cũng có được người lao động tại chỗ, chất lượng.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.