Cụ thể, hiện có gần 30 cơ sở sản xuất gạch nung trên địa bàn xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đều trong tình trạng hoạt động bình thường. Mặc dù các lò gạch nung thủ công không được cấp phép hoạt động.
Đáng chú ý, đây đều là những lò nung gạch thủ công, hàng ngày dùng các vật liệu như củi, vỏ cây, vải… để làm nhiên liệu. Như vậy, khói thải xả trực tiếp ra môi trường là điều hiển nhiên, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe của những dân cư trong khu vực và các vùng lân cận.
Năm 2010, nhằm xóa bỏ lò gạch thủ công, phát triển vật liệu xây dựng không nung, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 567/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tổ chức thực hiện xóa bỏ các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn.
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1469/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, các tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động các loại lò gạch, lò vôi thủ công và các giải pháp thay thế.
Không phải ngẫu nhiên, việc sản xuất gạch nung thủ công bị kiểm soát và hạn chế sản xuất. Hệ lụy từ lò gạch thủ công cho môi trường khá lớn. Vấn đề sử dụng than, củi để đốt lò thải ra hàng loạt khí thải độc hại như SO2, CO2, CO, Nox. Ngoài ra, còn chứa nhiều hợp chất độc hại có khả năng gây ung thư cao như CH4, benzen và hợp chất hữu cơ nhân thơm rất nguy hiểm.
Đối với gạch thủ công cần nhiều vật liệu, khoáng sản không tái tạo, nhiên liệu hóa thạch, thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính và người lao động thường xuyên phải làm việc trong môi trường độc hại. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu sản xuất gạch đang dần cạn kiệt do lượng phù sa bồi đắp ở ven sông không còn nhiều.
Theo ước tính của Bộ Xây dựng, để sản xuất ra 1 tỷ viên gạch đất sét nung phải tiêu tốn hết 1,5 triệum3 đất sét, 150 nghìn tấn than và thải ra môi trường ½ triệu tấn CO2. Tất cả những số liệu trên cho thấy, tính cấp thiết của việc siết chặt quản lý các hoạt động của các cơ sở sản xuất gạch nung trên địa bàn.
Được biết tỉnh Đồng Nai đã họp bàn, triển khai xử lý các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh từ tháng 3/2017. Tại thời điểm đó, ông Trần Văn Vĩnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, chậm nhất trong năm 2018 toàn tỉnh phải giải quyết dứt điểm các lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, tại thời điểm PV Người Đưa Tin có mặt tại các địa điểm lò gạch trên địa bàn, các cột khói vẫn đều đặn xả từng đợt khói đen nhuộm cả nền trời không kể ngày đêm, gây khó chịu cho người ở xung quanh khu vực lò gạch sản xuất. Không những thế, các xe ra vào lò gạch gây bụi bẩn, đất rơi vãi xuống đường gây ảnh hưởng đến các phương tiện tham gia giao thông.
Ông Nguyễn Văn A., công nhân làm việc tại một cơ sở gạch nung cho biết: "Bao nhiêu năm tháng rồi nhưng tôi vẫn không quen được với mùi khói bốc lên từ lò gạch, thứ mùi sặc sặc này cứ xộc vào mũi làm mắt mũi cứ cay xè đi. Khói thì xả cả ngày, làm việc thì ồn ào chói tai chói óc, nhiều người không quen còn ngất trong lò".
Anh Phạm Trọng, ngụ ấp 5, xã An Phước chia sẻ: "Lúc trước nghe tin, các lò gạch thủ công đóng cửa vào năm 2020 bà con sinh sống khu vực này ai nấy cũng vui. Từ nay, không phải chịu cảnh khói, bụi do các hoạt động của lò gạch. Vậy mà, cho đến bây giờ các lò gạch này vẫn hoạt động bình thường không có dấu hiệu ngừng sản xuất gạch".
Để làm rõ thực trạng trên, PV đã liên hệ với UBND huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai để phản ánh. Ngày 7/7, UBND huyện Long Thành ra Công văn số 6800/UBND - NN về việc rà soát nội dung phản ánh của phóng viên Người Đưa Tin, liên quan đến hoạt động của các lò gạch, Giao cho phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Long Thành phối hợp với phóng viên thực hiện.
Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin.
ĐOÀN VŨ