Sau khi các hoạt động xã hội được khởi động lại, đặc biệt sau 4 tuần học sinh đến trường học trực tiếp, số ca F0 tại tỉnh Đồng Nai tăng mạnh, mỗi ngày có khoảng trên dưới 3.000 ca nhiễm. Tính đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 370.000 ca mắc Covid-19.
Sáng 17/3, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đồng nai (CDC Đồng Nai) cho hay, ngày 22/2, CDC Đồng Nai đã lấy 10 mẫu bệnh phẩm nhiễm Covid-19 ngẫu nhiên trong cộng đồng để gửi Viện Pasteur Tp.HCM giải trình tự gen xác định biến thể của SARS-CoV-2.
Kết quả cho thấy, cả 10 mẫu bệnh phẩm của tỉnh Đồng Nai gửi lên đều là biến thể Omicron. Như vậy, có thể khẳng định, chủng virus đang lây lan tại Đồng Nai chủ yếu là biến thể Omicron. Vì vậy, tốc độ lây lan sẽ cao.
BS-CKI Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Đồng Nai cho biết, hiện nay, có tình trạng nhiều người đã từng mắc Covid-19 vẫn tái nhiễm, trong đó có cả nhân viên y tế.
Do vậy, người dân tuyệt đối không nên chủ quan nếu đã từng mắc Covid-19 và khỏi bệnh hoặc đã tiêm 3 mũi vắc-xin phòng Covid-19. Các trường hợp tái nhiễm Covid-19 thường gặp ở những người từng mắc một biến chủng này của SARS-CoV-2 (ví dụ như chủng Detal), sau đó lại bị nhiễm một biến chủng khác của SARS-CoV-2 (như biến chủng Omicron).
Do đó, có thể trong một thời gian ngắn hoặc vài tháng sau khi khỏi bệnh Covid-19, một người có thể tái nhiễm. Tuy nhiên, đa phần những trường hợp tái nhiễm có dấu hiệu bệnh nhẹ hơn so với lần đầu, nhất là đối với những người đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19.
Ngược lại, với những người chưa tiêm vắc-xin hoặc sức khỏe yếu, hệ miễn dịch yếu sẽ dễ bị tái nhiễm Covid-19 hơn so với những người khác. Khi nhiễm hoàn toàn có nguy cơ trở nặng.
Vì vậy, trong bối cảnh các hoạt động xã hội được khởi động lại người dân cần cân nhắc kỹ những hoạt động nào thực sự cần thiết thì tham gia, còn không nên hạn chế để đảm bảo tránh lây nhiễm Covid-19.
Theo TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, để phòng chống dịch Covid-19, tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo tập trung đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, rà soát tiêm vét cho đối tượng chưa được tiêm vắc-xin, nhất là người trên 50 tuổi, có bệnh nền và lứa tuổi học sinh, sinh viên đi học trở lại.
Tăng tốc tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên cho các đối tượng nguy cơ cao như người trên 50 tuổi, mắc bệnh nền, suy giảm miễn dịch và lực lượng công nhân, lao động tự do.
Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông thực hiện hiệu quả công thức 5K + vắc-xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân, tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm các quy định phòng chống dịch.
Kiểm soát nguồn lây nhiễm, ổ dịch tại cộng đồng, hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, đặc biệt các đơn vị có số người lao động lớn. Thực hiện chặt chẽ các biện pháp y tế: Giám sát, xét nghiệm, cách ly, thu dung điều trị theo chỉ đạo của Bộ Y tế..
Duy trì, tăng cường hiệu quả hoạt động của trạm y tế lưu động, tổ Covid cộng đồng, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 để quản lý tốt F0 tại nhà, khám chữa bệnh cho nhân dân tại tuyến cơ sở…
Nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế là phải tập trung công tác điều trị. Nếu số ca bệnh Covid-19 tăng cao sẽ có nguy cơ gây quá tải cho ngành y tế, nguy cơ ca bệnh nặng tăng. Do vậy, ngành y tế cần nỗ lực kiểm soát tình hình, hạn chế số ca tử vong ở mức thấp nhất.
Đồng thời, phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân thực hiện tốt công tác cách ly, điều trị tại nhà, chuẩn bị đủ thuốc, oxy y tế để phục vụ công tác điều trị. Khẩn trương tiêm hết gần 700 nghìn liều vắc-xin đã được Bộ Y tế cấp về.
Với số lượng F0, F1 trong trường học tăng nhanh, lãnh đạo tỉnh đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp tại trường học, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên.