Kế hoạch 2 giai đoạn
Kế hoạch tổng kiểm soát ô tô kinh doanh vận tải của lực lượng công an tỉnh Đồng Nai, sẽ được triển khai từ ngày 1/8 đến ngày 15/10 và chia thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (từ ngày 1/8 đến 14/8), lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tuyên truyền vận động chủ xe, chủ doanh nghiệp và lái xe chấp hành pháp luật, ký cam kết bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Giai đoạn 2 (từ ngày 15/8 đến 15/10), công an các đơn vị, địa phương đồng loạt ra quân tuần tra, kiểm soát và tiến hành xử lý các vi phạm.
Đại tá Trần Anh Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai yêu cầu lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh tổ chức phân công, bố trí lực lượng và phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ phù hợp, đảm bảo tuần tra, kiểm tra khép kín địa bàn.
Phối hợp Sở GTVT và UBND cấp huyện tổ chức tổng kiểm soát các loại xe tải, xe khách, xe đầu kéo trên toàn tỉnh theo kế hoạch của Bộ Công an.
Việc tổng kiểm soát phải được cụ thể hóa phù hợp đặc điểm, điều kiện tình hình địa phương và thực hiện đồng bộ ở cả 4 cấp công an theo chức năng, nhiệm vụ, tuyến, địa bàn được phân công phụ trách.
Lực lượng cảnh sát giao thông sẽ trực tiếp tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm của ô tô kinh doanh vận tải hành khách bao gồm xe đưa đón học sinh, công nhân, xe hợp đồng chở khách, xe buýt, xe đưa rước công nhân, học sinh và ô tô vận tải hàng hóa bằng container.
Các hành vi vi phạm được tập trung xử lý như vi phạm về quy tắc giao thông và điều kiện của người điều khiển phương tiện và phương tiện; nồng độ cồn, ma túy.
Xe hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định, quá khổ, quá tải; tốc độ; vi phạm phần đường, làn đường; chạy xe vào làn đường khẩn cấp của đường cao tốc.
Ngoài ra, phương tiện cũng bị xử lý khi dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định; chở quá số người quy định; tránh, vượt giấy phép lái xe đăng ký xe, giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định hết hạn.
Cảnh sát giao thông sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, mọi hành vi lăng mạ, chống đối lại lực lượng làm nhiệm vụ.
Lực lượng cảnh sát giao thông sẽ phối hợp ngành giao thông vận tải và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, phát hiện lái xe có dương tính với chất ma túy và chất kích thích khác.
Gắn trách nhiệm các lực lượng với việc tổ chức kiểm soát từ nơi xuất phát, bến xe khách, điểm trung chuyển, đón trả hành khách, kho hàng, bến bãi, cảng.
Có biện pháp quản lý, giám sát; không kiểm định cho các trường hợp hết niên hạn sử dụng, thu hồi phù hiệu vận tải đối với các phương tiện thường xuyên có hành vi vi phạm, không chấp hành nội dung cam kết đã ký.
Đồng thời rà soát việc lắp đặt camera giám sát, thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bằng container.
Việc lưu trữ và truyền dẫn các thông tin (hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe liên tục...) về hệ thống dữ liệu giám sát hành trình Bộ Giao thông Vận tải.
Thời gian qua, trên địa bàn Đồng Nai xảy ra không ít vụ va chạm, tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến xe ô tô kinh doanh vận tải, chủ yếu là xe khách, xe tải, xe đầu kéo vào ban đêm. Tình trạng này đặt ra yêu cầu cần có giải pháp cấp bách trong kiểm soát các loại xe trên để giảm thiểu các vụ TNGT.
Nỗi ám ảnh cho người dân, mang tên xe tải nặng, xe khách, chạy nhanh vượt ẩu lấn làn
Là địa phương có nhiều tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường ra vào các khu công nghiệp nên lượng xe tải, đầu kéo, xe khách lưu thông hàng ngày qua địa phận tỉnh Đồng Nai rất lớn.
Đặc biệt lượng xe lưu thông nhiều vào ban đêm để kịp vận chuyển hàng hóa đến các chợ đầu mối, các doanh nghiệp và đưa hành khách đi liên tỉnh.
Lượng xe vận tải hoạt động nhiều nhất trên các tuyến quốc lộ lớn như: QL1,QL51 và QL20 kết nối tỉnh Đồng Nai với các tỉnh, thành lân cận.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, ngụ xã Gia Tân, huyện Thống Nhất bức xúc: “Nhiều xe tải ben, xe khách chở hàng nông sản xe khách tuyến hướng Tp.Đà Lạt -Tp.HCM chạy khá ẩu. Tình trạng lấn, ép xe máy thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, các xe này có kích thước to, chở hàng nặng nên khi xảy ra va chạm với xe máy thường để lại hậu quả nghiêm trọng”.
Không chỉ vậy, do các loại xe vận tải di chuyển đông đúc, nhiều xe không giảm tốc độ khi qua các giao lộ nên việc lưu thông của các loại xe 2 bánh qua một số giao lộ rất khó khăn.
Tình trạng này thường xuất hiện tại các giao lộ như: nút giao QL51 với đường dẫn lên đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây (huyện Long Thành); ngã ba Phát Triển và ngã tư Bồn nước (Tp.Biên Hòa); ngã ba Trị An (huyện Trảng Bom)
Theo ghi nhận của Ban An toàn giao thông tỉnh, một số địa phương, số vụ TNGT liên quan tới các loại xe ô tô trong 6 tháng đầu năm 2023 khá cao.
Như tại huyện Xuân Lộc có 5 vụ (trên tổng số 8 vụ), huyện Nhơn Trạch có 7 vụ do người lái xe ô tô gây ra (trên tổng số 17 vụ), huyện Trảng Bom ghi nhận 6 xe ô tô liên quan trong 12 vụ TNGT... Trong đó, chủ yếu là các loại xe kinh doanh vận tải.
Những tuần gần đây, toàn tỉnh đã xảy ra một số vụ TNGT giữa xe máy và xe ô tô kinh doanh vận tải dẫn tới chết người, chủ yếu trên các tuyến quốc lộ vốn có mật độ xe đông đúc.
Gần nhất, tối ngày 23/7, xe khách giường nằm biển số 51B-295.47 lưu thông trên Quốc lộ 20 qua khu vực xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất) đã va chạm với xe máy biển số 60B4-324.61 khiến 2 anh em ruột N.K.H và N.V.Đ (cùng ngụ tại xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) đi trên xe máy tử vong tại chỗ.
Trước đó, tối 7/6, xe đầu kéo biển số 57M-1260 kéo theo rơ-moóc biển số 51R-160.97 lưu thông trên Quốc lộ 1 qua xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) xảy ra va chạm với xe máy biển số 86H5-7153 làm ông N.H.Q điều khiển xe máy tử vong.
Tăng cường kiểm soát chặt chẽ phương tiện kinh doanh vận tải
Tình hình trật tự, an toàn giao thông trong thời gian gần đây vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều vụ TNGT do xe ô tô kinh doanh vận tải gây ra.
Vì vậy, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, góp phần hạn chế TNGT liên quan đến xe ô tô kinh doanh vận tải.
Thượng tá Huỳnh Văn Kiệt, Phó trưởng Công an huyện Nhơn Trạch cho hay, thời gian tới, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an huyện sẽ tập trung vào xử lý các lỗi là nguyên nhân dẫn đến TNGT, nhất là với các loại xe ô tô vận tải.
Đặc biệt, kiên quyết xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm như: thay đổi kích thước thành thùng xe, chở hàng quá tải, quá khổ, vi phạm tốc độ, nồng độ cồn.
Cùng với đó, từ ngày 1 đến 30/7, Thanh tra giao thông (Sở GTVT) đã thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện đường bộ, xếp hàng hóa trên xe ô tô tại các đầu mối bốc xếp hàng hóa (cảng, bến, nhà ga, mỏ vật liệu, kho hàng, nhà máy...).
Lực lượng thanh tra giao thông các địa phương đã tăng cường sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định để thu thập chứng cứ, xác định hành vi vi phạm và xử phạt về cơi nới thành thùng xe.
Chánh thanh tra giao thông (Sở GTVT) Nguyễn Phan Trong cho hay: "Sau đợt cao điểm này, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì việc thanh tra, kiểm tra để xử lý, ngăn chặn các xe tải, xe đầu kéo cơi nới thành thùng, chở hàng quá tải quá khổ lưu thông trên đường. Qua đó góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ".