Ngày 18/12, tại Hà Nội, viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức diễn đàn Việt Nam và thế giới thường niên với chủ đề năm 2020: “Đại dịch covid-19 và những tác động cơ bản đối với thế giới" nhằm trao đổi, làm rõ những tác động cơ bản của đại dịch covid-19 đối với nền kinh tế - chính trị thế giới và các khu vực.
Tham dự diễn đàn có gần 400 trí thức là các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách doanh nghiệp, các nhà quản lý, các chuyên gia của nhiều bộ, ngành và địa phương, các viện, các trường đại học, các cơ quan; các tổ chức quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.
Phát biểu tại diễn đàn, TS.Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: Diễn đàn được thực hiện theo Quyết đinh số 501/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 15/4/2015 về thí điểm tổ chức Diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức khi tham gia hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Đánh giá về cục diện thế giới hậu covid-19, GS.TS Phạm Quang Minh, trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, covid-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang một trật tự thế giới chia rẽ hơn, trong đó các nguyên tắc tổ chức của hệ thống quốc tế không rõ ràng. Cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều không khẳng định được sự vượt trội trong đại dịch covid-19 với tư cách là “người chiến thắng” để có thể thay đổi đáng kể cán cân quyền lực thế giới theo hướng có lợi cho mình.
Cùng về vấn đề trên, PGS.TS Cù Chí Lợi (viện Nghiên cứu châu Mỹ, viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng, trên phương diện chính trị, đại dịch covid-19 đang để lại bức tranh tương phản trong việc kiểm soát và khống chế hậu quả của đại dịch covid-19. Một số quốc gia đang ở trong vị thế thuận lợi, trong khi một số quốc gia đang gặp khó khăn.
Trên phương diện kinh tế, đại dịch covid-19 đang tác động rất mạnh, rất tiêu cực tới kinh tế Hoa Kỳ và các nền kinh tế của Liên minh châu Âu (EU). Nền kinh tế Hoa Kỳ chịu sự suy giảm ở mức 32% trong quý II. Nền kinh tế của Trung Quốc ít chịu ảnh hưởng của covid-19 hơn. Thế giới sẽ bước vào giai đoạn mới thiếu ổn định, gia tăng căng thẳng, xu thế hợp tác phát triển và quản trị toàn cầu sẽ gặp khó khăn hơn. Do vậy, giải pháp có thể chấp nhận được mà nhiều nước sẽ theo đuổi đó là thận trọng, quan sát và linh hoạt trong quan hệ quốc tế.
Chia sẻ về một số giải pháp ứng phó với dịch covid-19 của EU, PGS.TS Nguyễn An Hà (viện Nghiên cứu châu Âu) cho rằng, EU đã kêu gọi các nước đoàn kết, phối hợp xây dựng một chiến lược chung để vượt qua covid-19, chiến lược này bao gồm một hệ thống các giải pháp, sáng kiến trong ngắn hạn cũng như trung và dài hạn để tiếp tục gắn kết hơn các nền kinh tế với mục đích cùng vượt qua thách thức.
Nhận xét về an ninh, chính trị Đông Nam Á sau năm 2020 trong bối cảnh covid-19, TS.Nghiêm Tuấn Hùng, viện Kinh tế và Chính trị thế giới, viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, trong tương lai gần, các quốc gia Đông Nam Á muốn hợp tác quốc tế nhiều hơn để giải quyết đại dịch và các tác động kinh tế, chính trị, xã hội của nó. Các nước Đông Nam Á cần nhìn xa hơn làn sóng đầu tiên của đại dịch để hướng tới đối phó với đại dịch trong một tương lai bất định và khó khăn hơn.
Những phân tích khoa học từ diễn đàn đã xây dựng một bức tranh toàn cảnh về tác động của đại dịch covid-19 đến các khía cạnh kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở cấp độ toàn cầu, khu vực, và quốc gia và đề xuất các giải pháp, chính sách để thích nghi với sự biến đổi của đại dịch, đóng góp cho chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham gia thảo luận, góp ý về chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030, thời kỳ hậu covid-19.
Hương Lan