Sau khi tin tức về việc ông Phạm Quốc Đạt (34 tuổi, giáo viên Ngữ Văn) bị kỷ luật, đã có nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng nhà trường cản trở quyền sáng tạo dạy học. Theo đại diện trường THPT Võ Trường Toản, điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến uy tín, danh dự của nhà trường, cũng như tình cảm giữa thầy và trò.
Chính vì thế, trong buổi tiếp xúc báo chí vào sáng 30/3, sau khi hiệu trưởng nhà trường trình bày chi tiết về vụ việc, nhiều giáo viên cũng lên tiếng. Để rộng đường dư luận, PV báo Người Đưa Tin xin phép tường thuật nguyên văn các ý kiến.
Cô Nguyễn Thị Hồng Châu, Tổ trưởng tổ Ngữ văn
Thầy Đạt đã có nhiều sai phạm chuyên môn, tự tổ chức hoạt động ngoại khóa mà không có kế hoạch và thông qua tổ. Thứ 2, thầy Đạt có một số phát ngôn trong quá trình giảng dạy và sinh hoạt tổ chuyên môn không đúng mực. Thầy Phạm Quốc Đạt đã từng nói “trường này như là nhà tù” trong một buổi họp chuyên môn khi bị góp ý.
Tôi khẳng định rằng 2 trích đoạn trong vụ việc không có trong chương trình Ngữ Văn lớp 11. Tổ Ngữ văn không cấm giáo viên sáng tạo, nhưng phải biết mục đích là gì, hiệu quả như thế nào, học sinh thu nhận được gì từ điều đó. Sáng tạo cũng phải có giới hạn để mang ý nghĩa giáo dục.
Cô Nguyễn Thu Hà, giáo viên Ngữ văn
Tôi là người đầu tiên được tiếp xúc với 2 clip đó. Cảm xúc của tôi là vừa đau, vừa bức xúc. Xin lỗi, câu đầu tiên tôi thốt ra được là mất dạy. Một thầy giáo mà để học sinh làm những điều đó là đi sai với chức năng giáo dục.
Những clip đó cho học sinh cái gì và sáng tạo ở điểm nào? Sáng tạo phải dựa trên nền tảng nhân văn, nhân đạo. Học trò muốn sáng tạo, bay bổng cũng phải dựa trên văn bản văn học. Hai clip đó hoàn toàn đi ngoài tác phẩm.
Trong tác phẩm Bỉ vỏ, nhà văn Nguyên Hồng không hề mô tả kỹ lưỡng cảnh nhân vật Tám Bính bị cưỡng hiếp như thế nào. Nhưng trong đoạn clip đó, mô tả rất rõ. Trong tác phẩm văn học dân gian Quan Âm Thị Kính cũng không mô tả Thị Màu lăng loàn như thế nào. Có một đoàn kịch Trung ương khi biểu diễn Thị Màu cũng diễn tả những cảnh lả lơi rất đơn giản.
Nhưng học trò của chúng tôi, qua sự giáo dục của thầy Đạt đã diễn tả rất rõ cảnh Thị Màu gái trên trai dưới. Chúng tôi rất bức xúc và mong phải đưa ra ánh sáng.
Cô Ngô Thị Lan Phương, giáo viên Địa lý
Để đưa ra quyết định xử lý thầy Đạt, chúng tôi đã dựa trên quy định pháp luật. Ngoài ra, chúng tôi còn có tình thương và trách nhiệm. Đây là tình thương với đồng nghiệp và trách nhiệm với học sinh, ngôi trường, xã hội. Dựa trên tình và lý, chúng tôi đồng ý ban hành quyết định này. Không phải dựa trên quan điểm cá nhân của thầy Định mà dựa trên các sai phạm về chuyên môn, về quy định pháp luật của nghành, đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo và sự đồng thuận của hội đồng sư phạm nhà trường.
Cô Nguyễn Thị Hòa, giáo viên Địa lý
Tôi về công tác tại trường từ năm 2007, gắn bó với trường rất lâu, trải qua nhiều đời hiệu trưởng. Tất cả thời gian thầy Đạt công tác tại trường đều có sự chứng kiến của tôi trên tư cách là đồng nghiệp.
Tôi cũng có con nhỏ. Từ khi con tôi đến tuổi đi học, tôi nhận ra rằng, mình muốn con mình được học với người thầy như thế nào thì mình phải trở thành người như thế.
Trên cương vị đồng nghiệp, tôi bất bình với thầy Đạt. Trên cương vị phụ huynh, tôi căm phẫn thầy Đạt. Bất bình vì chúng tôi đều phải cố gắng tuân theo nội quy của nhà trường, vì mục tiêu chung.
Tôi xử lý học sinh đi trễ thì bản thân phải làm gương. Mình cảm thông cho học sinh, học sinh cũng cảm thông cho mình. Giáo viên phải làm gương cho học sinh. Khi mình có lỗi, nếu lên tiếng xin lỗi thì học sinh sẽ tha thứ cho mình. Tôi bất bình vì sai phạm lâu như vậy mà vẫn ngoan cố không nhận ra.
Tôi còn căm phẫn vì điều tồi tệ nhất của người lớn là bắt học sinh, con cháu mình nhìn nhận vấn đề sai như mình. Các con em của chúng ta phải được tự cảm nhận thế giới. Thầy Đạt tàn nhẫn lắm. Thầy bắt học sinh hành xử như cách thầy muốn.
Tôi không muốn nói đến clip đó, sự việc đó. Tôi chỉ căm phẫn những hành vi sau khi thầy đã làm việc đó để lèo lái học sinh và dư luận theo hướng của mình. Thầy khống chế học sinh, không được nói này nói nọ, rồi phải lừa dối ban giám hiệu, phải vu vạ em này em kia. Những em học sinh bị cô lập như thế thì sau này trở thành một công dân có dám bảo vệ lẽ phải hay không? Nó tiếp xúc với một người thầy thủ đoạn như vậy thì sau này có trở thành người thủ đoạn không?
Tôi dạy cả khối 10 lẫn khối 12. Các học sinh lớp 10 sẽ rất hoang mang, ai đúng ai sai? Nếu thầy Đạt đúng, tức là môi trường nó đang học là tập thể giáo viên tồi, đã cô lập một thầy giáo có tâm. Còn với học sinh sắp ra trường, các em đủ lớn khôn rồi. Các em sẽ than thở, còn có vài tuần nữa thôi mà không biết làm sao để giữ lại kỷ niệm đẹp về thầy cô.
Tôi rất đồng tình với thầy hiệu trưởng. Mình có mâu thuẫn gì với đồng nghiệp, có ẩn ức gì trong cuộc sống cũng không được đem điều đó trút lên học trò. Tôi ăn trái xoài thấy chua, không có nghĩa là nói học trò đừng ăn xoài nữa. Vì thế, dù rất bất bình và căm phẫn nhưng tôi không cho phép mình nói nặng nề về thầy Đạt trước mặt học sinh. Học sinh phải được bước vào đời với niềm tin. Nó tin vào ai nếu thầy cô của nó là những người tồi?
Thầy Đạt đã lèo lái như thế nào đó, cuối cùng dư luận cứ chăm chăm vào vấn đề sáng tạo hay không sáng tạo. Nếu trường này không cho sáng tạo thì tại sao các hoạt động ngoại khóa diễn ra nhiều năm nay. Môi trường sáng tạo ở đây rất tốt. Miễn sao đừng để phụ huynh kiện tụng, đừng để học sinh than phiền thì chúng tôi được phép sáng tạo. Sáng tạo phải trong khuôn phép của học sinh, phụ huynh. Chúng tôi có làm gì đâu mà bị nói là giết chết sự sáng tạo. Chỉ đến khi phụ huynh khiếu kiện thì sao nhà trường làm ngơ được.
Bạn đó (thầy Đạt) vi phạm rất nhiều lần, qua nhiều đời hiệu trưởng. Ngay từ thời hiệu trưởng đầu tiên đã đòi đuổi bạn đó rồi. Cho nên, lỗi của chúng tôi là đã cho bạn Đạt quá nhiều cơ hội.
Cô Nguyễn Thị Hòa bày tỏ bất bình với tư cách đạo đức của ông Đạt.