Trước thềm cột mốc 2 năm ngày cuộc chiến trên bộ lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II, nhiều con số đã được tổng kết, và cho ra kết quả đáng buồn và đáng giật mình.
Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 22/2 cho biết gần 1/3 dân số Ukraine đã buộc phải rời bỏ nhà cửa vào một thời điểm nào đó trong 2 năm qua kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở quốc gia Đông Âu, với gần 6,5 triệu người hiện đang sống bên ngoài đất nước với tư cách là người tị nạn và khoảng 3,7 triệu người phải di tản bên trong đất nước.
Khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bước sang năm thứ 3, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) của LHQ cho biết, tổng cộng, hơn 14 triệu người – tương đương gần 1/3 dân số Ukraine – đã phải rời bỏ nhà cửa vào một thời điểm nào đó trong cuộc chiến, đồng thời hơn 4,5 triệu người đã trở về quê nhà từ nước ngoài hoặc từ các vùng khác bên trong Ukraine.
Cao ủy LHQ về nhân quyền Volker Turk hôm 22/2 cảnh báo rằng cuộc chiến này “không có hồi kết”, vốn đã gây ra “đau khổ tột cùng cho hàng triệu thường dân… Tác động lâu dài của cuộc chiến ở Ukraine sẽ được cảm nhận qua nhiều thế hệ”.
Trong báo cáo mới nhất của mình, Phái bộ Giám sát Nhân quyền của LHQ tại Ukraine cho biết họ có thể chứng thực cái chết liên quan đến xung đột của 10.582 thường dân kể từ tháng 2/2022. Cơ quan này cũng đã xác minh rằng 19.875 thường dân đã bị thương. “Con số thực tế có thể cao hơn đáng kể”, cơ quan của LHQ cảnh báo.
Nói về thiệt hại của cuộc chiến kể từ ngày này 2 năm trước, Tổng Giám đốc IOM Amy Pope cho biết: “Sự tàn phá lan rộng, mất mát về nhân mạng và đau khổ vẫn tiếp tục. IOM khen ngợi chính phủ Ukraine và người dân Ukraine vì sức mạnh và khả năng phục hồi của họ, cũng như các nước láng giềng của Ukraine đang tiếp nhận những người tìm kiếm sự an toàn. Chúng tôi vẫn cam kết giúp giảm bớt đau khổ của người dân và giúp phục hồi”.
IOM cho biết họ đã hỗ trợ 6,5 triệu người ở Ukraine và 11 quốc gia ở Đông Âu đang tiếp nhận người tị nạn. Tuy nhiên, cơ quan này chỉ ra rằng, nhu cầu đang tiếp tục tăng lên, vượt xa nguồn lực.
IOM cho biết khoảng 14,6 triệu người vẫn cần một số hình thức hỗ trợ nhân đạo vào năm 2024. Đối với những người đã trở về nhà, chờ đợi họ là những thách thức vô cùng lớn.
“Nhiều người trong số những người trở về nhà đã gặp phải những thách thức lâu dài... bao gồm tình trạng mất an ninh, mất sinh kế, nhà ở và cơ sở hạ tầng bị hư hại cũng như các dịch vụ an sinh xã hội bị kéo căng”, ông Soda Federico, Giám đốc Bộ phận Phục hồi và Ứng phó Nhân đạo của IOM, cho biết.
“Chúng ta phải tập trung vào việc phục hồi kinh tế”, ông Federico nhấn mạnh trong báo cáo của cơ quan này về 2 năm đầu của cuộc chiến.
Kể từ khi bắt đầu chiến sự, IOM đã nhận được 957 triệu USD tiền quyên góp. Nhìn chung, LHQ cho biết họ cần 4,2 tỷ USD trong năm nay để cung cấp viện trợ nhân đạo ở Ukraine và cho những người đang đi tị nạn.
Minh Đức (Theo Al Jazeera, AFP/Al Arabiya)