Theo GS. Biền: Việc rải tiền thật cho người chết, oan hồn là việc làm vô tác dụng và phạm pháp. Những người rải tiền vô hình trung đã coi nhẹ đồng tiền được pháp luật bảo hộ. Đó còn là điều rất không hay với những người nghèo khổ. Tôi được biết, hiện tượng này không chỉ xảy ra ở đám ma mà còn ở đám cưới, đám rước. Đây là hành động mê tín dị đoan và là hành động không thể chấp nhận được với tâm linh và đạo pháp.
Giáo sư, nhà văn hóa Trần Lâm Biền
Trao đổi với PV Người đưa tin về vẫn đề này, luật sư Trần Đình Triển- Trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân cho biết: Việc rải tiền thật trong các đám tang rõ ràng là hành vi bị pháp luật cấm đoán. Điểm e, điều 10 thông tư 04 ngày 21/1/2011 của Bộ VH-TT&DL (quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội) quy định: “Cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang”. Nếu vi phạm sẽ bị bị xử phạt 1-3 triệu đồng theo khoản 2 Điều 18 Nghị định 75 ngày 12/7/2010 của Chính phủ . Tuy nhiên, để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, theo tôi Bộ VH-TT&DL nên có hướng dẫn thêm để các địa phương có cơ sở pháp lý thực hiện thống nhất, nhất là khi hành vi rải tiền không phải là chuyện cá biệt của một vài người.
TS. Nguyễn Thị Tố Quyên- Phó trưởng khoa Xã hội học, Học viện Báo chí Tuyên truyền bày tỏ: Rải tiền trong đám ma, trong các đám rước liên quan đến quan niệm về tâm linh. Những thứ thuộc về tâm linh thì khó có thể thay đổi ngày một ngày hai. Người ta rải tiền để yên lòng người sống. Thi thoảng cũng có gia chủ rải tiền mệnh giá lớn để thể hiện bản thân. Họ rải tiền với quan niệm rằng dương sao thì âm vậy. Người sống cần gì thì người chết cũng cần cái đó. Dù đa số đều hiểu rằng đó là nhận thức lệch lạc về tâm linh. Nhưng để thay đổi triệt để không phải dễ. Đạo Phật không bảo người ta đốt tiền vàng, mua nhà giấy to, đốt đôla cho người khuất, nhưng người ta vẫn làm. Và những hoạt động tâm linh kiểu đó lại trở thành mê tín dị đoan. Tôi nghĩ cần phải thay đổi nhận thức dần dần của người dân bằng phương pháp tuyên truyền vận động”.
Theo chị Dương Thị Bích, chuyên ngành quản lý Văn hóa- Tư tưởng (Học viện báo chí tuyên truyền): Người xưa quan niệm khi có người thân chết đi, họ dùng những thỏi vàng mã và tiền xu mã rải ra đường với hai mục đích. Rải tiền xu mã nhằm phân phát cho ma quỷ để chúng không quấy phá, bắt nạt vong hồn người chết. Còn rải những thỏi vàng mã là nhằm đánh dấu đoạn đường từ nhà ra nơi chôn cất để linh hồn người chết biết đường về nhà. Tuy nhiên, hiện nay, quan niệm này bị biến tướng đi rất nhiều. Họ nghĩ người sống cần tiền thì người mất cũng cần tiền. Rải tiền thật là một hoạt động mang tính mê tin dị đoan và vô ích. Đây là một hủ tục đang làm méo mó đời sống văn hóa của người Việt Nam và cần được cấm quyết liệt hơn để loại bỏ hoàn toàn.
Cụ Hoàng Thị Ngùng (80 tuổi), Phú Thọ chia sẻ: Cũng không rõ từ khi nào, xuất hiện cái lệ rải tiền thật trong đám ma. Không những vậy, bây giờ người ta còn rải cả tiền thật trong đám cưới hay khi đưa người tai nạn từ xa về nhà. Trần sao âm vậy. Nếu như các gia đình bỏ ra ít tiền mà cảm thấy yên lòng, làm được việc lễ nghĩa với người đã khuất thì cũng khó trách người ta. Tuy nhiên, tôi cho rằng nên chọn nơi mà rải, chứ không phải gặp đâu cũng vứt. Trước đây, các đám hiếu có rải tiền nhưng chỉ 100, 200 đồng lúc chèo đò cho người khuất chứ không rải khắp nơi như bây giờ.
Chị Nguyễn Thị Hiện (Sơn Tây, Hà Nội) cho biết: Theo cá nhân tôi, không phải tập tục nào cũng là tốt. Tập tục rải giấy tiền vàng bạc giả đã xấu vì gây mất vệ sinh môi trường, giờ lại thêm tục giải tiền thật lại càng xấu hơn. Đồng tiền cũng là một phần tài sản của một quốc gia. Không tôn trọng đồng tiền là không tôn trọng đất nước. Việc rải tiền thật xuống sông, xuống đường ở đám tang là không thể chấp nhận được. Bất cứ ai đi đường, chẳng may bị vàng mã, tiền rải cho người âm bay vào mặt sẽ không cảm thấy vui. Đặc biệt là cảnh “ăn hôi” người chết, chạy theo nhặt tiền, đã tạo ra hình ảnh cực kỳ phản cảm. Chúng ta cần sớm loại tập tục này ra khỏi đời sống văn hóa”.
Ngân Giang - Hoàng Mai