Từ những biến thể của Covid-19 làm cho người dân chú ý hơn đến việc đảm bảo sức khỏe đường hô hấp, đặc biệt là các hoạt động tiêm chủng phòng ngừa.
Theo các chuyên gia truyền nhiễm bất cứ ai cũng có nguy cơ đồng nhiễm cả Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt là người cao tuổi, có sức khỏe kém, suy giảm miễn dịch (mắc bệnh ung thư, HIV), người có bệnh lý nền (tim mạch, tiểu đường, huyết áp, bệnh phổi mạn tính, tắc nghẽn phổi mạn tính, hen suyễn, lao), đây là nhóm dễ tử vong do Covid-19 do tổn thương phổi nặng dẫn đến suy hô hấp cấp tính.
Trước những nguy cơ trên, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM và bác sĩ Bạch Thị Chính Giám đốc Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC đã có buổi chia sẻ về những lưu ý tiêm vắc-xin cho các nhóm tuổi trong chương trình tọa đàm: “Người lớn cần tiêm vắc-xin gì?”.
Người lớn dễ là nguồn lây cho trẻ em, người già
Trước quan điểm mọi người có tâm lý người lớn có sức đề kháng tốt nên khó mắc bệnh hoặc nếu mắc bệnh thì sẽ nhanh khỏi, bác sĩ Trương Hữu Khanh đã đưa ra một số điểm cần lưu ý:
“Chúng ta cần phải hiểu rõ khái niệm người lớn và người lớn tuổi. Không thể gộp chung hai nhóm đối tượng này. Người lớn là ở độ tuổi 20-30 tuổi, còn ngoài 50 tuổi trở lên phải thuộc nhóm người lớn tuổi”.
Chu kỳ miễn dịch của con người giống như hình parabol, hồi nhỏ miễn dịch sẽ thấp, sau đó tích lũy cao lên và đi xuống khi về già.
Ở đây, bác sĩ Khanh cũng cho biết rằng nguy cơ lây nhiễm sẽ quay trở lại với nhóm người lớn tuổi, hệ miễn dịch sẽ suy giảm theo thời gian.
Lý do là bởi, “Nếu lúc nhỏ tiêm ngừa vắc-xin sẽ tích lũy đến khi trưởng thành, nhưng khi qua 50 tuổi, chúng ta không quan tâm đến việc tiêm phòng. Bên cạnh đó, đây là giai đoạn có nhiều bệnh nền, sức đề kháng không có nên sẽ dễ bị nhiễm bệnh hơn”, bác sĩ Khanh bày tỏ.
Cung cấp thêm thông tin, bác sĩ Bạch Thị Chính cho hay: “Khi nói đến bệnh truyền nhiễm sẽ có 4 yếu tố liên quan: tác nhân gây bệnh, môi trường sống, con đường lây truyền, khả năng miễn dịch.
Người lớn không thể hiện bệnh ra bên ngoài vẫn có thể mang mầm bệnh và lây cho những người xung quanh. Nên điều quan trọng người lớn cần phải chú ý là không bệnh và không mang mầm bệnh”.
Ở đây, lời khuyên của các chuyên gia là nên quan tâm phòng bệnh cho mọi lứa tuổi, tránh chỉ chú trọng đối với nhóm trẻ nhỏ hay người già.
Đồng nhiễm các bệnh hô hấp và Covid-19
Mới đây, Israel ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc cúm mùa và Covid-19 cùng lúc, đối với vấn này bác sĩ Khanh đánh giá rằng có thể những trường hợp như vậy rất dễ xảy ra và đây cũng không phải hiện tượng hiếm nhưng có thể đến giờ chúng ta mới phát hiện.
“Khi nhiễm bệnh, hễ miễn dịch của con người suy giảm, nên dễ bị đồng nhiễm bởi các vi-rút khác nhau. Nên khi mắc Covid-19, đến giai đoạn ổn định có thể nhiễm thêm cúm, phế cầu, khiến tăng thêm gánh nặng cho người bệnh”, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết.
Tuy nhiên, nếu không tiêm vắc-xin thì rất dễ trở nặng, đặc biết đối với phụ nữ mang thai sẽ càng gây khó thở nhiều hơn.
Để hạn chế vấn đề trên, các bác sĩ cho rằng những bệnh có vắc-xin, người dân nên sớm tiêm chủng vì hầu hết bệnh truyền nhiễm theo mùa sẽ lặp lại hằng năm, và khó tránh việc bị mắc bệnh.
Ngoài ra, không thể phủ nhận việc vắc-xin giúp tăng cường đề kháng đối với người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch.
Đặc biệt, nếu chúng ta có đủ miễn dịch khi bị tấn công bởi những tác nhân bên ngoài, cơ thể sẽ tự chống lại, nhưng khi suy giảm miễn dịch thì chức năng này sẽ không còn.
Việc tiêm vắc-xin được lưu ý ở những nhóm bệnh mà vi-rút thay đổi thường xuyên như cúm, covid-19. Tuy nhiên, có một số loại bệnh đã mắc rồi thì sẽ không quay trở lại như thủy đậu, sởi, quai bị và nhóm bệnh này thường được tiêm chủng từ sớm.
Bác sĩ Khanh cho biết: “Người lớn không mắc một số bệnh truyền nhiễm vì hồi nhỏ đã từng bị như bệnh tay-chân-miệng. Nhưng sốt xuất huyết, viêm màng não, bệnh lý về phổi thì vẫn bị mắc khi ở tuổi trưởng thành”.
Ngoài các bệnh lý về hô hấp, các bệnh về gan, ung thư cổ tử cung cũng là những nhóm bệnh mà các chuyên gia khuyến cáo nên tiêm vắc-xin đúng lộ trình để giảm nguy cơ đồng nhiễm nhiều bệnh một lúc, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.