Đồng rúp rớt giá, nhưng với Nga không phải tất cả đều là “màu xám”

Đồng rúp rớt giá, nhưng với Nga không phải tất cả đều là “màu xám”

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 3, 15/08/2023 12:38

Việc đồng rúp mất giá trong khi dầu Nga tăng giá dẫn đến suy đoán rằng Moscow có thể cố tình cho phép đồng tiền yếu đi để giúp họ đáp ứng các nghĩa vụ ngân sách.

Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) dự kiến sẽ tăng lãi suất trong một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 15/8 để kiềm chế sự trượt giá của đồng rúp và hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine vẫn gay gắt và các biện pháp trừng phạt của phương Tây ngày càng siết chặt.

Lần cuối cùng CBR tăng lãi suất cơ bản lên 8,5% từ 7,5% vào ngày 21/7 vừa qua – đợt nâng lãi suất đầu tiên kể từ tháng 9/2022.

Vào thời điểm đó, Thống đốc CBR Elvira Nabiullina cảnh báo rằng có thể cần phải tăng thêm nhiều lần nữa nếu hậu quả kinh tế do chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine trở nên tồi tệ hơn.

“Thuyết âm mưu”

Không có cuộc họp chính sách nào được lên kế hoạch cho đến tháng 9 năm nay. Nhưng hôm 14/8, trên Sàn giao dịch Moscow, đồng rúp (RUB) đã giảm giá xuống mức thấp nhất trong 16 tháng so với đồng USD, với 101,75 RUB đổi 1 USD.

Nhưng đến buổi chiều, đồng tiền Nga đã tăng trở lại sau thông báo về phiên họp chính sách bất thường của CBR. Kể từ đầu năm đến nay, đồng RUB đã mất khoảng 26% giá trị so với đồng USD, và mất gần một nửa giá trị so với đồng bạc xanh kể từ khi chiến sự bùng nổ.

Nghịch lý lớn đối với các chuyên gia chính sách ở Moscow là giá trị đồng rúp đang giảm mạnh trong khi giá dầu – huyết mạch xuất khẩu và trụ cột ngân sách của Nga – đang trên đà tăng. Giá dầu thô Urals của Nga đã vượt xa mức giá trần 60 USD/thùng mà liên minh do G7 dẫn dắt áp đặt nhằm siết chặt “túi tiền” của Moscow.

Thế giới - Đồng rúp rớt giá, nhưng với Nga không phải tất cả đều là “màu xám”

Một tàu chở dầu neo đậu tại tổ hợp Sheskharis, một phần của Chernomortransneft JSC, một công ty con của Transneft PJSC, ở Novorossiysk, Nga. Ảnh: The Guardian

Nhiều yếu tố đã ảnh hưởng đến đồng rúp trong những ngày gần đây. Cách đây chưa đầy một tuần, Moscow cho biết họ sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu 300.000 thùng/ngày kể từ tháng 9. Động thái miễn cưỡng của Nga diễn ra sau những nỗ lực cắt giảm nguồn cung mà Ả Rập Xê-út thúc đẩy nhằm hỗ trợ giá dầu thô.

Ngoài ra, hoạt động quân sự ở Biển Đen đã gia tăng đáng kể kể từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận do Liên Hợp Quốc (LHQ) hậu thuẫn nhằm đảm bảo tuyến hàng hải an toàn cho xuất khẩu ngũ cốc Ukraine.

Theo Politico, việc đồng rúp mất giá trong khi dầu Nga tăng giá đã dẫn đến một số suy đoán rằng Chính phủ Nga có thể cố tình cho phép đồng tiền yếu đi để giúp họ đáp ứng các nghĩa vụ ngân sách, như trả lương cho viên chức. Nhưng điều này cũng khiến hàng tiêu dùng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn.

Suy đoán trên đã bị Thống đốc Nabiullina bác bỏ, gọi nó giống như “thuyết âm mưu”. CBR hôm 14/8 đảm bảo rằng sự mất giá của đồng rúp không gây rủi ro cho sự ổn định tài chính của Nga. Ngân hàng Trung ương Nga cũng thông báo rằng họ sẽ không mua thêm bất kỳ ngoại hối nào thay mặt cho Bộ Tài chính Nga trong thời gian còn lại của năm nay nhằm ngăn chặn sự suy yếu của đồng rúp.

Ông Maxim Oreshkin,cố vấn kinh tế của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho biết trong một bài bình luận cho hãng thông tấn nhà nước TASS rằng Điện Kremlin muốn đồng rúp mạnh và chính sách tiền tệ lỏng lẻo là nguyên nhân chính đằng sau sự suy yếu của đồng tiền này.

Bức tranh lạm phát

Lãi suất của Nga đã đạt đỉnh 20% vào tháng 2/2022, sau một loạt đợt tăng giá khẩn cấp nhằm hạ nhiệt lạm phát đã lên tới 17,8% cũng như để bảo vệ đồng rúp sau khi Nga mang quân vào Ukraine gần 18 tháng trước.

Nhưng sự mất giá gần đây của đồng rúp đã làm xấu đi triển vọng lạm phát. Số liệu thống kê chính thức từ CBR tuần trước cho thấy tỉ lệ lạm phát hàng năm tăng lên 4,3% trong tháng 7, từ mức 3,25% trong tháng 6. CBR – đặt mục tiêu tỉ lệ lạm phát 4% – hiện đang kỳ vọng lạm phát trung bình 5-6,5% trong năm nay. Con số này vẫn thấp hơn đáng kể so với mức 11,1% mà các hộ gia đình Nga dự kiến phải đối mặt.

Một số nhà kinh tế, chẳng hạn như ông Steve Hanke của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), cho rằng bức tranh lạm phát thực sự có thể còn cao hơn nếu một phương pháp khác được sử dụng để tính toán con số này, trong đó giả định rằng hàng hóa và dịch vụ phải có cùng mức giá ở hai quốc gia khi so sánh bằng cùng một loại tiền tệ. Theo phương pháp của ông Hanke, lạm phát ở Nga có thể ở mức gần 65%.

Thế giới - Đồng rúp rớt giá, nhưng với Nga không phải tất cả đều là “màu xám” (Hình 2).

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) Elvira Nabiullina. Ảnh: Bloomberg

Các thị trường hiện đang kỳ vọng CBR sẽ tăng lãi suất một lần nữa trong phiên họp khẩn cấp vào ngày 15/8, cho thấy cuộc chiến đang ngày càng gây tổn hại cho nền kinh tế, làm giảm doanh thu xuất khẩu, làm suy yếu lực lượng lao động và làm gia tăng thâm hụt ngân sách của Chính phủ Nga.

Gã khổng lồ Á-Âu cũng tiếp tục vật lộn với “cuộc đại di cư” của dòng vốn khi những người giàu có đang tìm ra những cách sáng tạo hơn bao giờ hết để giải phóng sức mua của họ trên thị trường quốc tế – thường là với sự trợ giúp của các tài khoản nước ngoài.

Theo một báo cáo từ CBR vào tháng trước, một khoản tiền kỷ lục 253 tỷ USD đã được rút ra khỏi nền kinh tế Nga kể từ khi bắt đầu cuộc chiến với Ukraine vào tháng 2/2022, với 27 tỷ USD trong số đó vào năm 2023.

“Sự phục hồi của nhập khẩu kết hợp với sự sụt giảm của xuất khẩu đảm bảo cán cân tài khoản vãng lai giảm đáng kể vào năm 2023. Từ đó, điều này đã kích thích sự chuyển đổi mạnh mẽ từ việc đồng rúp mạnh lên vào giữa năm 2022 sang sự suy yếu mạnh vào năm 2023”, báo cáo của CBR cho biết.

Quỹ đạo tăng trưởng

Nhưng không phải tất cả đều là “màu xám” đối với nền kinh tế Nga. Hôm 11/8, CBR cho biết họ đã nâng cấp đáng kể triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế đất nước trong 2 năm tới, từ 1,6% lên 2,5% cho năm 2024, và từ 1,5% lên 2% cho năm 2025.

CBR đã liên tục tăng các ước tính của mình trong năm do các biện pháp trừng phạt cực đoan đối với Nga đã không gây ra nhiều thiệt hại như lo ngại ban đầu. Các tổ chức tài chính quốc tế cũng thường xuyên nâng cấp các dự báo của họ.

“Tăng trưởng GDP của Nga trong quý II/2023 tốt hơn dự kiến, lên 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, khẳng định rằng nền kinh tế đã có nửa đầu năm mạnh mẽ”, ông William Jackson, nhà kinh tế trưởng về thị trường mới nổi tại Capital Economics, cho biết.

“Nhưng với nền kinh tế trì trệ hạn chế, điều này có thể sẽ làm tăng thêm áp lực lạm phát và dẫn đến việc thắt chặt chính sách, khiến tăng trưởng suy yếu trong thời gian còn lại của năm 2023 và đến năm 2024”, vị chuyên gia lưu ý.

“Nền kinh tế Nga đã phục hồi sau đợt suy thoái vào mùa xuân năm 2022. Các dự báo mới nhất cho thấy GDP sẽ phục hồi trong năm nay. Dự báo của IMF hiện cho thấy mức tăng trưởng GDP là 1,5% trong năm 2023, trong khi dự báo của CBR kỳ vọng mức tăng trưởng trong khoảng 1,5-2,5%. Dự báo trung bình tháng 7 do Consensus Economics công bố cho thấy mức tăng trưởng trong năm nay vào khoảng 0,5%”, Viện nghiên cứu các nền kinh tế mới nổi của Ngân hàng Phần Lan (BOFIT) cho biết trong bản cập nhật hàng tuần vào ngày 11/8.

CBR dự đoán rằng những cải thiện trong nền kinh tế của đất nước sẽ tiếp tục trong suốt giai đoạn 2024-2025, sau đó là sự trở lại “quỹ đạo tăng trưởng ổn định” với 1,5-2,5% vào năm 2026.

Minh Đức (Theo Politico, bne IntelliNews, RT)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.