Dòng sông mang hình dáng Cổ Cò
Khởi điểm của dòng sông Cổ Cò bắt đầu từ cửa sông Trường Giang (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), rồi uốn lượn chảy về cửa Đại, khi đến đoạn cầu Phước Trạch (thuộc phường Cửa Đại - TP. Hội An), thì rẽ một nhánh chảy ngược về Đà Nẵng. Tạo hóa thế nào không biết mà khi dòng Cổ Cò thực hiện ngã rẽ kỳ lạ ấy, nó đã uốn cong thân mình để rồi tạo thành một hình dáng mới, một vẻ đẹp mới mà hiếm có con sông nào có được. Ngã rẽ ấy không quá rộng lớn, hoành tráng như sông Thu Bồn hay ghềnh thác như sông Vu Gia nằm gần đó. Mà nó vô cùng hiền hòa, êm dịu lướt qua thành phố cổ ngày một rêu phong theo thời gian. Dưới sự nhìn nhận của người dân xứ Quảng, khúc cua ấy mang hình hài chẳng khác gì cổ con cò đang gập mình tìm kiếm những tôm cá cho bữa trưa của mình.
Cảnh đẹp trên dòng sông Cổ Cò.
Có lẽ vì thế mà khi đến với vùng đất đầy màu mỡ này mà dòng sông đã mang tên Cổ Cò. Rất nhiều người lớn tuổi mà chúng tôi tìm gặp, khi hỏi về dòng sông này đều khẳng định như vậy. Ông Nguyễn Đông (ngụ xã Cẩm Thanh, TP. Hội An) cho biết: "Trước đây, nhìn dòng sông nó giống cổ con cò lắm, có rất nhiều người khách nước ngoài tò mò tìm đến xem và chụp ảnh với nó. Giờ đây thì dòng sông đã thay đổi nhiều do quá trình bồi lấp". Người dân sinh sống ở đây ai cũng gọi dòng sông này như vậy, ai cũng biết đến con sông đầy tôm cá ấy với cái tên Cổ Cò. Song, ít ai biết rằng, từ xa xưa trong sử sách nó còn có một cái tên khác đầy thơ mộng: Dòng Lộ Cảnh Giang.
Sách Đại Nam nhất thống chí ghi rằng: "Dòng Lộ Cảnh Giang (tức Cổ Cò) nằm ở cuối hai huyện Diên Phước và Hòa Vang. Sông này từ xã Thanh Châu chảy ra phía Bắc, đến phía Tây núi Tam Thai (tức Non Nước ngày nay) và nhập với sông Cẩm Lệ, đổ ra biển Đà Nẵng". Trong hồi ký của nhiều du khách, nhiều nhà lữ hành, dòng Lộ Cảnh Giang hiện lên như một bức tranh vẽ. Hòa thượng Thích Đại Sán, vị cao tăng của Trung Hoa được chúa vua Nguyễn Phúc Chu mời qua giảng Phật pháp ở Đàng Trong vào thế kỷ thứ 17 có miêu tả về dòng Lộ Cảnh Giang trong nhật ký của mình: "Gió thổi hiu hiu, nước trong leo lẻo; rừng tre thăm thẳm, bãi cát sáng ngời; đã vui mừng gió thuận buồm xuôi, lại hớn hở gần ngày về nước. Tấc lòng khoan khoái, biết lấy chi cân... Bỗng chốc đã thấy núi Tam Thai trước mắt...".
Dòng sông thơ mộng ấy không chỉ được mọi người biết đến với tên gọi là sông Cổ Cò như hôm nay hay dòng Lộ Cảnh Giang hồi ấy, mà còn được gọi với nhiều tên khác nhau. Chúng tôi men theo con sông để tìm hiểu rõ hơn về những tên gọi này. Khi đến địa phận xã Điện Dương thì dòng sông bị bồi lấp mạnh, thuyền cũng không đi được. Đoạn sông này bị thu hẹp giống như một con mương, lục bình giăng kín mặt nước nên người dân ở đây gọi nó là dòng sông hẹp. Tiến thêm một đoạn về trước hướng ra Đà Nẵng, thì người dân thôn Quản Gia (xã Điện Dương) bảo đó là sông trên, còn dưới này là sông dưới. Người dân ở đây khẳng định chắc như đinh rằng, cho dù trời có nắng gắt đến mấy đi nữa thì sông này vẫn không bao giờ cạn nước, cá tôm vẫn đều đặn ùa về.
Những huyền tích bên dòng sông thiêng
Và cũng chính trên đoạn sông này tồn tại nhiều huyền tích về dòng sông. Khi nghe tôi hỏi chuyện về sông Cổ Cò, ông Đinh Cư, người làng Hà My Trung (xã Điện Dương, tỉnh Quảng Nam) kể: "Tôi nghe những người lớn tuổi trong làng kể lại rằng, dòng sông này thiêng lắm, dọc hai bên bờ người dân dựng rất nhiều đền miếu để thờ phụng thần sông. Hằng năm, dân làng chúng tôi đều tổ chức cúng trên dòng sông này. Ở đây có sự tích về Hà Sấu, về chuyện Huyền Trân Công chúa khi chạy trốn khỏi quân Chiêm cũng đi qua sông này". Ở dòng sông này, mỗi cái tên đều có một tích độc đáo và huyền bí khác nhau. Có người gọi nó là dòng Lộ Cảnh Giang, có người gọi là sông Cổ Cò, nhưng cũng có người gọi nó là dòng Hà Sấu, Hà Dừa...
Tương truyền đây là nơi con gái vua Minh Mạng tu hành.
Trận thư hùng với loài “thuỷ quái”
Sở dĩ có tên Hà Sấu là vì tích xưa kể rằng khi chưa bị bồi lấp thì sông rất sâu, lượng nước dồi dào, nhờ đó mà mùa màng tốt tươi, người dân có cuộc sống sung túc. Nhưng trên đoạn sông này lại xuất hiện một con cá sấu rất lớn. Nó bắt gia súc, gia cầm, giết người và trở thành nỗi khiếp sợ của người dân. Nhiều trai tráng trong vùng đã giăng bẫy bắt cá sấu nhưng không thành. Quyết không để cá sấu hại dân làng, 5 vị quan trong huyện đã bàn nhau tìm cách trị cá sấu.
Trong đêm đó, dân làng nghe thấy nhiều tiếng động mạnh phát ra từ phía con sông, nghe kỹ, thì đó là tiếng hò hét của 5 vị quan cùng con cá sấu dưới nước. Sáng hôm sau, dân làng hò reo vui mừng khi thấy con cá sấu đã chết phơi bụng trên sông. Tuy nhiên, 5 vị quan cũng bị thương nặng rồi sau đó chết.
Hiện nay bên dòng sông Cổ Cò có một miếu nhỏ thờ 5 vị quan ấy, trên miếu khắc dòng chữ "thành kính ngũ vị long vương cứu nhân độ thế". Ông Cư cho biết: "Có lẽ vì thế mà đoạn sông này được đổi thành sông Hà Sấu để tưởng nhớ công ơn của 5 vị quan ấy". Vượt qua xã Điện Dương, dòng Cổ Cò có phần "hồi sinh" khi đến với núi Ngũ Hành hùng vĩ. Mảnh đất này được xem là nơi hội tụ linh khí khi xưa kia, vua Minh Mạng thường du hành đến hai địa danh Cồn Ngự và Bến Ngự để thưởng ngoạn phong cảnh. Dẫn tôi đi ra bờ sông Cổ Cò, thầy Thích Pháp Chiếu (chùa Quán Thế Âm) kể: "Vào năm 1995, khi nhà chùa nạo vét sông Cổ Cò thì tìm được một cột gỗ lim lớn, những bậc cao niên trong làng đều khẳng định đó là trụ neo thuyền của vua. Tiếc là trong trận lụt năm 1999, trụ neo thuyền ấy đã bị trôi mất".
Sử sách ghi rằng vua Minh Mạng đã từng đi dong thuyền theo sông Cổ Cò để ngự lãm Ngũ Hành Sơn ba lần, vào tháng các năm 1825, 1827 và 1837. Mỗi lần vua đi như thế đều tiêu hao không ít kinh phí của triều đình, nên nhiều quan thần lập sớ can ngăn. Bỏ ngoài tai tất cả, vua Minh Mạng vẫn theo dòng Cổ Cò đến với Ngũ Hành Sơn mà không phải là nơi có cảnh đẹp nào khác. Tương truyền rằng, vua Minh Mạng có cô công chúa, sau một lần đến thăm Ngũ Hành Sơn đã quyết định ở luôn lại nơi đây để tu hành. Dù vua cha có thuyết phục, ép buộc thế nào công chúa vẫn không chịu về kinh đô, chấp nhận sống khổ hạnh trong hang núi Hỏa Sơn. Đến lúc mất nàng công chúa mới được đưa về Huế, hang núi mà nàng công chúa ở giờ là chùa Phổ Đà Sơn.
Không biết thực hư của những câu chuyện kể ấy ra sao. Cứ thế, mỗi đoạn lại có một cái tên riêng gắn với một câu chuyện kể khác nhau, mà chỉ người dân trong vùng mới biết lý do tại sao. Trải qua bao thế kỷ, dòng Cổ Cò vẫn luôn vươn dài dòng chảy để nối liền hai vùng Quảng Nam - Đà Nẵng. Mặc cho những đổi thay, mặc cho những bồi lấp đang dần bóp nghẹt dòng chảy, thì những giá trị, những huyền tích xung quanh dòng sông một thời phồn thịnh này vẫn còn mãi với thời gian, với lịch sử!.
Dĩ vãng một thời phồn thịnh Thầy Thích Pháp Chiếu, chùa Quán Thế Âm cho biết: "Dòng sông Cổ Cò nổi tiếng trong lịch sử ngoại thương của xứ Đàng Trong. Dòng sông nối liền tiền cảng Đà Nẵng với thương cảng Hội An rất sầm uất vào thế kỷ 16 - 17. Nhờ có dòng sông này mà hàng hoá của các tàu buôn lớn nước ngoài đậu ở cảng Đà Nẵng, có thể có mặt tại hội chợ quốc tế Hội An và ngược lại, các hàng hoá nước ta sẽ theo thuyền buôn vượt đại dương đến với nước bạn. Ngày ấy, các thương nhân Nhật Bản và Trung Hoa thường sử dụng thủy lộ này để ra vào, buôn bán giữa hai vùng này. Tuy nhiên, giờ đây cái vẻ nhộn nhịp tấp nập ngày nào chỉ còn trong ký ức của người dân xứ Quảng”. |
Du Ngoạn