Nắng loang loáng lòng sông rộng. Chúng tôi mang theo những xúc cảm đầu nguồn chớp bể, chòng chành bám víu trên chiếc thuyền con ở nơi cuối nguồn Thu Bồn . Đã từng một lần theo “đò dọc sông Thu” để lắng nghe những tiếng thở vắn dài của tóc xanh tóc bạc nơi triền sông, nhưng câu chuyện không đầu không cuối của những người tuổi xế chiều trên dòng Hoài giang một lần nữa tạc thêm những mảnh ký ức cho sông Mẹ. Câu chuyện của họ, cứ rì rầm theo mê mải dòng chảy của sông, cất lấy cho mình, cho đời những phù sa trí nhớ…
Bà Bùi Thị Xong trong những bức ảnh của nhiếp ảnh gia Réhahn.
Người đưa đò cho chúng tôi, là hai vợ chồng già mù chữ, chỉ “giàu có” thứ duy nhất là nụ cười trên những nếp nhăn của tuổi bát tuần. Nụ cười ấy, thú vị thay, trở thành cơ duyên cho một người khác cách Hội An hàng trăm ngàn cây số: nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn. Là nhiếp ảnh gia nổi tiếng toàn cầu với những bức chân dung đặc tả gương mặt, nụ cười, hay ánh mắt, Réhahn có mối duyên lạ lùng với dòng sông Hoài. Ông quyết định mở một phòng tranh với cửa hướng ra sông. Khoảnh khắc bắt gặp nụ cười già nua đầy những nếp nhăn, ánh mắt rất sâu của bà Bùi Thị Xong mang lại cho ông rất nhiều giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế. Đó cũng chính là cơ duyên khiến ông chọn Hội An làm nơi dừng chân.
Và, điều này cũng mang lại cho vợ chồng ông bà Bùi Thị Xong - Đỗ Tới (đôi vợ chồng già lái đò - NV) những niềm vui bất ngờ, cái vui của người già cả đời bám vào sông nước. Chúng tôi đã đi lại hành trình của Réhahn, duy chỉ có con đò trong tấm ảnh nổi tiếng đã được thay bằng một con đò mới, tươm tất hơn, cũng chính là quà tặng của Réhahn như một ân tình đặc biệt. Ông bà mải miết chèo giữa trời trưa nắng gắt, mặc cho chúng tôi nói chỉ cần ở yên một chỗ trò chuyện cũng được. “Cô chú cứ để yên cho vợ chồng tui chèo, ngó nắng vậy chứ đi trên sông mát lắm” - bà cười, vẫn nụ cười thường trực.