G7 đã hứa sẽ huy động khoản vay 50 tỷ USD (45 tỷ Euro) cho Ukraine, nhưng sáng kiến này đòi hỏi phải có sự đồng thuận giữa 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU).
Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra cho các quốc gia thành viên 3 lựa chọn để thực hiện kế hoạch của G7, vốn được tạm thời nhất trí tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 hồi tháng 6.
Theo kế hoạch này, khoảng 300 tỷ USD (270 tỷ Euro) tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đang bị phương Tây đóng băng sẽ được sử dụng làm tài sản thế chấp cho khoản vay. Phần lớn trong khối tài sản của CBR (210 tỷ Euro) đang nằm trong tay khối 27 quốc gia.
Mặc dù EU không thể tịch thu khối tài sản này, nhưng họ có thể sử dụng tiền lãi phát sinh từ đó để đảm bảo khoản vay được trả dần mà không cần tự mình phải thanh toán.
Nhưng ý tưởng "chưa từng có tiền lệ" này mang theo nhiều rủi ro tài chính, trong đó rủi ro lớn nhất là khả năng các tài sản này sẽ được rã băng trước khi khoản vay kịp hoàn trả. Do đó, để đảm bảo khoản vay, G7 muốn chắc chắn rằng chế độ trừng phạt của EU đối với khối tài sản này không được dỡ bỏ.
Theo luật của EU, các lệnh trừng phạt phải được gia hạn 6 tháng một lần với sự nhất trí của cả 27 quốc gia thành viên. Điều này có nghĩa là chỉ cần một quốc gia không nhất trí, việc gia hạn sẽ bị đình trệ và kế hoạch của G7 sẽ bị phá sản.
Trong khi đó, Hungary nổi tiếng là nước EU thường xuyên làm chệch hướng các quyết định của khối này nhằm ủng hộ Ukraine. Ví dụ tiêu biểu, Budapest hiện đang ngăn cản Brussels giải ngân 6,5 tỷ Euro viện trợ quân sự cho Kiev.
Để tránh viễn cảnh đáng sợ này và đảm bảo khả năng dự đoán lâu dài, EC đã đề xuất 3 phương án khác nhau trong cuộc họp của các Đại sứ EU hôm 13/9, một số nhà ngoại giao nói với Euronews.
Theo đó, phương án một: Đóng băng tài sản trong 5 năm nhưng có đánh giá hằng năm. Trong trường hợp này, cần có đa số đồng thuận để rã băng tài sản.
Phương án hai: Gia hạn lệnh trừng phạt đối với tài sản của Nga sau mỗi 36 tháng (3 năm) và các lệnh trừng phạt khác đối với Nga sau mỗi 6 tháng (nửa năm).
Phương án ba: Gia hạn tất cả các lệnh trừng phạt đối với Nga sau mỗi 36 tháng (3 năm).
Một nhà ngoại giao cho biết, phương án thứ hai nhận được sự ủng hộ rộng rãi nhất, ngay cả khi các quốc gia thành viên vẫn đang chờ đợi các thông tin chi tiết cụ thể.
Thông tin trên được trình bày miệng bởi ông Bjoern Seibert, chánh văn phòng của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Một đề xuất chính thức dự kiến sẽ được chia sẻ với các quốc gia thành viên trong những ngày tới để khởi động các cuộc đàm phán, có thể kéo dài trong nhiều tuần.
Ông Seibert mô tả 3 phương án này là có thể chấp nhận được đối với Mỹ trong bối cảnh Washington đang gây áp lực buộc Brussels phải hành động nhanh chóng và đảm bảo khoản vay 50 tỷ USD (45 tỷ Euro) nói trên đến được Ukraine trước cuối năm nay.
Tình hình ở quốc gia Đông Âu được coi là rất tồi tệ sau gần 3 năm xung đột, với nền kinh tế kiệt quệ, cơ sở hạ tầng bị hư hại trong khi mùa đông đang tới gần.
Chưa có phản ứng từ Moscow về động thái mới nhất của EU liên quan đến khối tài sản của Nga. Tuy nhiên, hồi tháng 6, sau khi G7 công bố kế hoạch về khoản vay dựa trên tài sản bị đóng băng của Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên án thỏa thuận của các nước phương Tây và tuyên bố sẽ trả đũa.
Nhà lãnh đạo Nga nói thêm rằng cách phương Tây đối xử với Moscow là bằng chứng cho thấy "bất kỳ ai" cũng có thể là nạn nhân tiếp theo và bị trừng phạt bằng cách đóng băng tài sản.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo, Moscow sẽ ngay lập tức thực hiện các bước trả đũa đối với việc tịch thu tài sản của mình ở phương Tây vì Nga có cả một “kho vũ khí” bao gồm các biện pháp chính trị và kinh tế để trả đũa.
Minh Đức (Theo Euronews, Al Jazeera)