Một ngày đầu tháng 8, nhân chuyến công tác ở miền Trung, tôi và anh bạn đã có dịp qua đèo Cả. Khi gần đến “Đệ nhất hùng sơn”, chợt nhớ lại lời của mấy người bạn Phú Yên: “Nếu có dịp về quê tôi sẽ giới thiệu cho các ông những thú ăn chơi chẳng khác gì Đồ Sơn” - chúng tôi quyết định dừng chân trên đỉnh đèo để “mục sở thị”. Nhờ sự trợ giúp của cánh lái xe đường dài, chúng tôi đã thâm nhập được vào thế giới bán mua sực nức phấn hương trên đỉnh đèo này…
Quán giải khát trá hình
Một góc Vũng Rô, nhìn từ đèo Cả
Quốc lộ I qua đèo Cả chạy sát với biển. Một bên là những vách núi, một bên là biển xanh ngắt, những mỏm đá nhô ra với những hình thù kỳ quái. Phía xa xa, những hòn đảo nhỏ nằm giữa biển khơi mênh mông sóng nước. Xe vượt qua đèo Cả với những đường cua gấp khúc như tơ vò rối ruột. Trên đường đèo ta có thể nhìn ngắm phong cảnh tuyệt đẹp của vịnh Vũng Rô. Mỗi con đèo, mỗi ngọn núi đều gắn với vài truyền thuyết, huyền thoại và câu chuyện nào cũng buồn và nhiều nước mắt. Thời chiến tranh, Vũng Rô là một địa chỉ tiếp nhận vũ khí bí mật từ miền Bắc chuyển vào qua những “chuyến tàu không số” lịch sử. Vũng Rô đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
11h trưa, trên cung đường này, xe tải, xe khách Bắc - Nam qua lại nườm nượp. Cứ đi một đoạn, chúng tôi lại phát hiện hàng chục chiếc xe đường dài dừng lại ở những chòi được dựng tạm bợ bằng tranh tre, vách nứa, xung quanh được che phủ bởi bạt nhựa, bao xi xăng. Càng tiến lại gần, chúng tôi càng thấy vô số những biển hiệu rửa xe, bơm sửa xe, nước giải khác mọc chi chít dọc hai bên đường. Trước mỗi chòi đều có một phụ nữ hoặc người đàn ông móc võng đu đưa nằm phía trước đon đả mời khách.
Xe chúng tôi tấp vào một chòi ven đường. Thấy xe lạ, một người đàn ông đeo kính đen, mặc đồ rằn ri, ngồi rít thuốc liên tục, mắt cứ ngó nghiêng dò xét mọi động tĩnh xung quanh. Người bạn đi cùng vội ghé thầm tai tôi: “Thằng cha này chắc xem mình có phải nhà báo, công an không đó". Để tránh mặt, chúng tôi liền bước qua phía bên kia đường. Còn đang lạc giữa mê cung của các biển hiệu chúng tôi bị hai thanh niên của một căn chòi gần đó kéo vội vào và nói: “Các anh vô chòi em mà ngồi uống nước, rồi em đưa “hàng” lên cho tha hồ mà chọn. Các anh muốn có người ngồi tâm sự cho vui tai, thích thì chơi, không thích thì ngồi uống nước rồi về cũng không sao”.
Nghe lời giới thiệu cũng xuôi tai và thanh niên này có vẻ hiền lành hơn gã lúc nảy nên chúng tôi quyết định tạt vào để nghỉ ngơi. Vào rồi mới biết, không chỉ có riêng chúng tôi mà đã có đến hơn chục nam giới chạy xe đường dài cùng ngồi tại đây từ trước. Chỗ ngồi được thiết kế rất thoải mái, vừa được nghỉ lưng, lại vừa có thể ngắm nhìn núi, mây trời, biển.
Quán giải khát nào ở đèo Cả cũng thường có bảo kê ngồi canh gác
Tại đây, chúng tôi gọi nước giải khát. Thế nhưng chẳng cần tinh ý cũng phát hiện ra, ngoài mấy lon bia 333, Heineken, Tiger chả có loại nước uống nào khác. “Phía trước chòi mình ghi bán nước giải khát mà sao không thấy gì hết chị?” - tôi thấy khác lạ nên hỏi bà chủ. Nhìn chúng tôi một lượt từ đầu đến chân, bà chủ bật cười rồi mạnh dạn đáp: “Chắc mấy chú ở xa mới đến nên không biết đấy chứ, thật ra ghi vậy để qua mặt cơ quan chức năng thôi, chứ ở đây không ai bán buôn gì hết ngoài “gái gú”. Mấy chú ở Nam ra nên chưa nghe danh gái đèo Cả thì phải! Là đàn ông mà như thế là “quê” lắm đấy!”. Nói rồi, bà chủ bấm điện thoại gọi cho ai đó.
Chưa đầy 3 phút sau, 2 cô gái ăn mặc giản dị, quần jean áo thun bông bước vào quán, cất giọng đon đả: “Chúng em chào các anh. Bà chủ gọi chúng em tới để tiếp các anh”. Vừa nói, các cô vừa áp sát vào ngồi cạnh chúng tôi với ánh nhìn đầy “mời gọi”. Bà chủ cười ẩn ý rồi ngoảnh mặt bỏ đi, không quên nhắc nhở: “Nhớ tiếp thật chu đáo cho mấy anh ở xa nhé các em”.
"Khách muốn tới đâu, tụi em chiều tới đó"
Bà chủ mới quay gót, hai em tiếp viên đã trổ lời ngọt ngào như rót mật vào tai. Lúc đầu, các cô còn nói lời dè chừng nhưng sau đó thì hối thúc: “Các anh có “vui vẻ” thì nhanh nhanh kẻo trời mưa”. Biết chúng tôi là khách từ xa mới đến, chưa hiểu hết ngọn ngành nên một trong hai cô liền tiết lộ, những điểm rửa xe, bán nước giải khát nằm rải rác trên đèo thật ra là quán mại dâm trá hình; có khi chỉ một chủ mà có tới 4, 5 quán cũng là chuyện thường. Bên trong quán lúc nào cũng có vài ba cô gái ăn mặc khêu gợi, sẵn sàng “phục vụ” các anh từ A đến Z. Càng về đêm, khu vực này càng sôi động bởi các cô sẵn sàng bán “vốn tự có” của mình, “khách muốn tới đâu, tụi em chiều tới đó” - cô tiếp viên tên Đăng nói.
Theo lời Đăng, hầu hết các tú bà, tú ông là người địa phương, còn các tiếp viên thì được “tuyển” từ nơi khác đến hành nghề với một số điều kiện khắt khe. Hàng ngày, các cô thường chọn những giờ chạng vạng để ra đường vẫy xe. Một số người còn giở cả váy lên “giới thiệu” hòng “câu” được nhiều khách. Khi các tài xế xe đường dài bị dẫn dụ, các cô sẵn sàng cho khách sờ ngực để “test hàng” trước, sau đó mới thỏa thuận giá cả.
Giờ phút nghỉ ngơi hiếm hoi của các “má hồng” trên đèo Cả.
Thông thường, công đoạn này diễn ra chóng vánh vì “chỉ có kẻ điên mới từ chối những món hàng hấp dẫn như thế”. Sau khi ngã giá xong, các tiếp viên sẽ dẫn khách vào “bãi đáp” là những phòng nhỏ ở phía bên trong mỗi căn chòi. Nhìn bề ngoài, chòi nào cũng nhỏ hẹp, tạm bợ như thế nhưng bên trong có trên chục “phòng” ở trên núi hoặc dưới… biển. Gọi là “phòng” cho sang chứ đó chỉ là một sập gỗ ghép từ những cây rừng còn nguyên vỏ, một chiếc chiếu và được ngăn cách nhau bằng những tấm bạt. “Phòng” dưới biển là nơi mua bán dâm, còn “phòng” trên núi là để các tay bảo kê làm đài quan sát, khi có “động” thì ứng cứu kịp thời. Những vị khách nào muốn “lên tiên” trong cảnh thiên nhiên thoáng đãng cũng được đáp ứng đầy đủ, vì các chủ quán đều bố trí sẵn các hốc đá nằm khuất giữa những lùm cây um tùm, “bao kín” để phục vụ khách.
Trong lúc chúng tôi đang nói chuyện, hai cặp nam nữ ngồi gần đã ra kèo, trả giá xong xuôi và ôm eo nhau bước đi uốn éo vào trong rất tình tứ. Ít phút sau, hai cặp tiếp theo cũng nối gót. Thấy họ dắt díu đến khu vực gần biển, chúng tôi lấy cớ “muốn đi vệ sinh”, lập tức bám theo. Anh bạn đi cùng rút vội máy ảnh để sẵn chế độ chụp liên tục. Thấy ánh đèn máy ảnh chớp liên hồi, những người này bỏ chạy tán loạn do tưởng cơ quan chức năng ngụy trang truy đuổi.
Đi được khoảng 20m, bỗng phía sau chúng tôi xuất hiện hai gã đàn ông chừng 35 tuổi dùng sức kéo chúng tôi lại, một người mặt mày bặm trợn gằn giọng “Chụp gì đấy?”. Biết chuyện chẳng lành “Dạ mới mua máy, ở đây phong cảnh đẹp tụi tôi chụp vu vơ để thử máy”. Thấy chúng tôi đi ôtô, ăn mặc giống thương gia, có vẻ hám của lạ, vai không đeo túi xách như những nhà báo, lại cũng không có “tướng” như trinh sát ngành công an nên bọn chúng bỏ đi, không quên để lại lời nhắn: “Liệu tìm đường mà đi, bọn tao mà còn thấy sẽ xin “tí huyết” đó”.
Theo Báo công lý