Tuy nhiên sau gần một thập niên nở rộ tạo ra những con sóng nhất định trong dòng chảy của văn học Việt thế kỷ XXI thì vài năm trở lại đây, các tác phẩm viết về đề tài này bỗng dưng ít đi và gần như biến mất khỏi văn đàn. Với vài đầu sách và chừng ấy tác giả thì câu hỏi đặt ra là có hay không dòng văn học đồng tính ở Việt Nam?
Nếu như ví đề tài đồng tính là một trò chơi mạo hiểm trong văn chương thì phần thưởng dành cho trò chơi này đủ sức hấp dẫn và lôi kéo mọi cây bút đến chinh phục. Tương tự như chủ đề về sex, chủ đề về người đồng tính dễ dây tò mò và thu hút sự chú ý của độc giả nhưng người cầm bút lại khó có thể viết hay về đề tài khá gai góc này. Và, khi những người sống trong thế giới thứ 3 còn đang loay hoay đi tìm bản ngã của chính con người mình thì các cây viết cũng không kém phần hoang mang trong việc giải mã cuộc sống bí ẩn của họ. Nếu như trước đây văn học nước nhà luôn tìm cách lảng tránh hay nói đúng hơn là ngại bàn đến vấn đề này, thì nay khi đã được "cởi trói", cả người trong cuộc (người đồng tính) và người ngoài cuộc (các cây viết chuyên nghiệp) đều nỗ lực nói lên tiếng kêu nơi vực thẳm của thân phận những "kẻ khác người".
Xung quanh vấn đề này, PV báo điện tử Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với nhà văn Bùi Anh Tấn, người đi tiên phong trong việc khai phá đề tài đồng tính ở Việt Nam và được mệnh danh là "nhà văn của người đồng tính".
Nhà văn Bùi Anh Tấn, người theo đuổi bền bỉ đề tài đồng tính ở Việt Nam.
Đã qua thời... rầm rộ
Là nhà văn có một loạt tác phẩm khá thành công về đề tài đồng tính, theo anh vì sao mảng đề tài này còn được ít người khai phá? Phải chăng vì khó có thể viết hay về thế giới thứ 3 hay vì ngại sự kiểm duyệt của các cơ quan ban ngành? Ví như tiểu thuyết "Một thế giới không có đàn bà" đã từng bị 3 nhà xuất bản cự tuyệt, bị sửa đoạn kết trước khi in; Không và sắc trước khi đến được với bạn đọc cũng bị "lưu đầy" ở 5 nhà xuất bản?
Tôi thấy trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây bắt đầu xuất hiện một số tác phẩm viết về đồng tính và những tác phẩm này cũng đã tạo ra những tiếng vang nhất định trong dòng chảy của văn học nói chung. Tuy nhiên sau một thời gian "rầm rộ" thì lạ thay, đề tài đồng tính bỗng nhiên "chìm" hẳn, không còn nhận được sự quan tâm của những người viết nữa. Có thể là sự hứng thú của người viết với đề tài này không còn chăng? Bởi suy cho cùng đề tài đồng tính cũng chỉ là một đề tài trong muôn vạn đề tài khác trong cuộc sống hôm nay. Tuy nhiên tôi xin khẳng định hiện nay không có sự kiểm duyệt hạn chế của các cơ quan chức năng đối với vấn đề viết về người đồng tính, riêng những tác phẩm của tôi đúng là thời gian đầu (những năm 90 của thế kỷ trước) có gặp những khó khăn như bạn hỏi, nhưng bây giờ chắc chắn là không.
Có một xu hướng mở ở đề tài này là xu hướng tự truyện của giới đồng tính như "Thành phố không lạc loài" của Phạm Thành Trung, "Bóng" của Nguyễn Văn Dũng, anh có cho rằng là người trong giới thì họ sẽ hiểu, đồng cảm và viết hay hơn các nhà văn?
Tất nhiên là người trong cuộc, hiểu người trong cuộc, dĩ nhiên những tác phẩm của người đồng tính viết về chính thế giới của mình dễ thuyết phục hơn và sẽ sống động và "thật" hơn so với những tác giả khác. Gần đây có một tác giả trẻ đồng tính tên Nguyễn Ngọc Thạch, từ thực tế trải nghiệm trong cuộc sống của mình, anh đã có đến 2,3 tác phẩm viết về người đồng tính, người chuyển giới... đó là điều đáng mừng. Tôi hy vọng anh sẽ đi được hết đường dài trên con đường sáng tác về đề tài đồng tính. Dù sao những người đồng tính khi lên tiếng nói về những tâm tư thầm kín, về thân phận cơ cực của mình... để xã hội hiểu, đồng cảm là điều rất đáng quý. Tuy nhiên tôi xin lưu ý, viết không đơn giản chỉ là thỏa mãn cái tôi. Còn cần có chiều sâu của tác phẩm, có thể gửi điều gì đó đến với xã hội, người đọc và quan trọng nhất là phải hay. Không đơn giản lấy chuyện đồng tính ra để câu khách, mà cần phải là tác phẩm có giá trị văn chương nhất định. Tại sao tôi nói vậy, bởi bằng con mắt người đang làm công tác biên tập, tôi nhận thấy hiện có một số tác phẩm viết về đồng tính nhưng rất tiếc từ câu chữ đến nội dung quá dễ dãi. Điều này không chỉ trong văn chương mà trên các lĩnh vực sân khấu, điện ảnh là rõ nét nhất.
Nhiều độc giả ở thế giới thứ 3 khi đọc những tác phẩm viết về chính họ phát biểu cảm nhận rằng, truyện về người đồng tính vẫn chưa đời, chưa phản ánh đúng cuộc sống và suy nghĩ của họ. Anh nghĩ sao về vấn đề này?
Cái này trước hết lỗi thuộc về người viết (trong đó có cả tôi) đã viết chưa hay, chưa phản ánh được hết những tâm tư nguyện vọng của thế giới thứ ba, bởi thế giới thứ Ba luôn sống động, lung linh và tràn đầy màu sắc khiến cho ngòi bút người viết đôi lúc bị bất lực. Hy vọng thời gian tới sẽ xuất hiện những tác phẩm đáp ứng được kỳ vọng của mọi người, không riêng gì các bạn thuộc thế giới thứ Ba.
Ảnh minh hoạ
Không nên viết chỉ để lấy tiếng vang
Rất nhiều nhà văn sau khi tạo nên tiếng vang từ tác phẩm đồng tính đã chuyển sang kiếm tìm và khai thác những đề tài khác. Là một nhà văn bền bỉ nhất theo đuổi đề tài này, trong tương lai anh có tiếp tục theo đuổi nó không?
Trong số 15 tiểu thuyết tôi đã viết và in, thì có đến 1/3 là viết về đề tài đồng tính. Tiểu thuyết mới nhất của tôi sắp in cũng liên quan đến đề tài này. Điều ấy cho thấy tôi cũng khá kiên trì với mảng đề tài này đó chứ. Mặt khác, cũng không thể "trách" nhà văn rằng sao không kiên trì với mảng đề tài này hay mảng đề tài kia. Dù có những đề tài là thế mạnh của nhà văn, nhưng nhà văn nào chẳng khao khát viết thành công ở nhiều mảng đề tài khác nhau để làm đa dạng ngòi bút của mình? Thế nên có thể nhà văn thành công ở đề tài đồng tính, không có nghĩa bắt anh ta cứ phải "trung thành" mãi với đề tài ấy được. Ngay bản thân tôi cũng có nhiều tiểu thuyết viết về nhiều đề tài khác nhau. Tuy nhiên điều quan trọng là cho dù viết về đề tài nào thì anh đừng "quên" đề tài mình từng viết thôi. Với tôi, viết về đồng tính là cái Duyên và nay thành cái Nghiệp, thôi thì cứ viết, nhưng phải làm mới đề tài của mình, đã đến lúc không phải người đồng tính cứ khóc than kể lể, ẩn nấp trong bóng tối mà họ là những công dân sống đầy đủ trong xã hội với quyền được yêu... thậm chí là lấy nhau như những cặp vợ chồng dị tính khác.
Với sự xuất hiện lẻ tẻ của một vài tác phẩm về đề tài đồng tính, lại có phần nhiều là tự truyện, theo anh Việt Nam đã có dòng văn học đồng tính hay chưa?
Từ lâu tôi cũng nhận được nhiều câu hỏi về việc có hay không có dòng văn học đồng tính ở Việt Nam và bản thân tôi cũng loay hoay tìm câu hỏi về vấn đề này. Có giai đoạn những tác phẩm về người đồng tính xuất hiện bùng lên trong một thời gian ngắn, gây ồn ào trong dư luận, nhưng sau đó là những tác giả đó "mất hút", chuyển sang viết đề tài khác. Sau hai tự truyện đồng tính thì đến nay chưa thấy "tự truyện" khác. Thế nên tác phẩm viết về đồng tính dù là tiểu thuyết hay truyện ngắn thì đều có thể đếm trên đầu ngón tay và hầu như không có tác giả chuyên viết về đề tài này. Thế nên theo cá nhân tôi, đến thời điểm này, có lẽ chưa có cái gọi là dòng văn học đồng tính ở Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Khao khát bỏ mặt nạ, để sống với chính mình "Những người ở thế giới thứ 3 cho dù là Les hay Gay, Bucht hay Female, Soft - bucht hay Bisexuality thì đều luôn có ý thức mãnh liệt đi tìm lại thế giới của chính con người mình. Họ khao khát được lột bỏ mặt nạ để được sống đúng với bản thể từ lúc sinh ra. Nếu nhân vật trong tác phẩm xuất hiện trên bề mặt câu chữ, hay ẩn mình dưới tầng sâu của tâm lí hơn là dấn thân vào những khao khát thể xác thì ở ngoài đời họ cũng trăn trở và day dứt không kém khi tìm lại bản thể con người mình. Bên cạnh đó, thế giới đồng tính luôn mang theo sự hoang mang và thứ mùi của sex. Vì thế chỉ khi nào người cầm bút có thể viết nhân văn về tình yêu, về những nỗi niềm sâu kín nhất trong mỗi con người và viết một cách tinh tế về sex của thế giới thứ ba thì lúc ấy đề tài đồng tính mới được phục hưng trong những tác phẩm giá trị. Còn với những gì tôi thấy ở thời điểm này thì chưa thể nói ở Việt Nam đã có dòng văn học đồng tính", nhà văn Nguyễn Quang Thiều bày tỏ. |
Loan Thanh (thực hiện)