Nỗi đau không dễ chia sẻ
Rất nhiều người đồng tính thông minh, giỏi giang và thành đạt. Họ vui tươi, thoải mái trong sinh hoạt với những người giống mình. Nhưng khi chúng tôi muốn trao đổi, viết bài thì rất nhiều người từ chối. Câu trả lời chung đều là: chưa công khai giới tính với gia đình. Vì lẽ đó, hầu hết họ phải sống khép mình trong vỏ bọc hoàn toàn không phải là bản thân họ. Hiện nay chỉ có khoảng 2,49% người đồng tính dám công khai hoàn toàn, còn có tới 32,44% là hoàn toàn bí mật, 34,81% gần như là bí mật.
Không phải người đồng tính nào cũng đủ can đảm sống thật với giới tính của mình. Vì thế rất nhiều người đồng tính nữ lấy chồng, sinh con, đồng tính nam lấy vợ để che mắt thiên hạ và an lòng cha mẹ. Họ sẽ rơi vào bi kịch “đồng sàng dị mộng” với người bạn đời. Dù có con nhưng chắc chắn thâm tâm họ không hạnh phúc.
Anh Lê Thái Bằng, một người đồng tính ở Hà Nội và người bạn trai yêu nhau được 3 năm, tình cảm mặn nồng. Nhưng rồi bố mẹ anh bắt anh lấy vợ. Năm lần bảy lượt trì hoãn, cuối cùng anh phải nói lời chia tay với người bạn đồng tính để kết hôn.
Sau ngày cưới, nỗi khổ lớn nhất của anh là phải sống cuộc sống không pahir là chính mình. Anh luôn phải giấu tình cảm thật, nhất là trong chuyện quan hệ với vợ cho trọn nghĩa vụ người chồng. Cuộc sống ngột ngạt đến mức anh phải than thở với bạn: “Không biết tôi có lê nổi hết cuộc đời này không khi mà cứ phải “quan hệ” với vợ dù lòng không muốn. Thậm chí trong đầu tôi chỉ nghĩ đến một người đàn ông”. Quả thực là bi kịch khi trong con người họ có 50% là phụ nữ mà phải “kham” nghĩa vụ đàn ông suốt cuộc đời.
Ảnh minh họa
Tương tự, Diệu Hương (một đồng tính nữ ở TP. Hồ Chí Minh) vẫn phải âm thầm làm một người vợ ngoan. Nhiều người ngạc nhiên khi cô có cuộc sống đầy đủ, chồng yêu chiều hết mực nhưng cô rất trầm lặng và ít khi xuất hiện bên ngoài. Dẫu đã 2 mặt con, nhưng mỗi lần phải gần gũi chồng như là một cực hình với chị. Không ai hiểu được nỗi đau dai dẳng của chị. Chị luôn phải khép mình, giấu biệt đi nhu cầu tình dục đích thực của mình.
Cũng như anh Bằng, chị Hương, có rất nhiều người vì “danh dự” của gia đình, bản thân mà phải sống suốt đời bên cạnh người mà mình không yêu. Nhu cầu tình dục của những người đồng tính này không bao giờ được thỏa mãn. Càng ở những gia đình, địa phương có quan niệm khắt khe về đồng tính thì số người đồng tính không được sống thật với bản thân càng nhiều.
Người đồng giới muốn gì?
Anh Huỳnh Minh Thảo cởi mở: “Tự do yêu thương, tự do trong vấn đề tình dục hoàn toàn không đồng nghĩa với việc thoải mái một cách thiếu ý thức như “giải quyết nhu cầu” ngay nơi công cộng hay có những hành vi lạm dụng tình dục người khác. Tự do tình dục chính là cách nghĩ văn minh, giúp mọi người có cái nhìn phóng khoáng, tránh kỳ thị thiếu khoa học hay những định kiến xưa cũ có ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác”.
Khi quyền tình dục của người đồng giới được hiểu rõ và có chính sách bảo vệ sẽ tránh được những bộc phát thái quá trong ứng xử của phần đông các bạn đồng tính khác trong xã hội. Ngày Sức khỏe tình dục thế giới chính thức có mặt tại Việt Nam là một minh chứng cho quyền tình dục của tất cả mọi người cần được bảo vệ.
Vấn đề tình dục cần được nói thẳng thắn và khoa học hơn tại các trường phổ thông, nhằm giúp các học sinh có kiến thức đúng đắn, dù đó có là xu hướng đồng tính hay dị tính. Bởi lẽ, chỉ khi hiểu rõ các vấn đề này thì quyền tình dục của mỗi người mới thật sự được tôn trọng và bảo vệ.
Như Ngọc