Chào Đổng Tường, được biết “Chuyện đạo hát” là bộ phim đầu tiên mà anh tham gia với trò là đạo diễn?
Đúng thế. “Chuyện đạo hát” là bộ phim đầu tay mà mình tham gia với vai trò làm đạo diễn. Đây là một phim ngắn, có sự hỗ trợ rất lớn từ nhà sản xuất Bảo Đăng. Ngoài ra, còn có chú Bạch Long là cố vấn cải lương; Đạo diễn Holy Thắng là Cố vấn nghệ thuật và sáng tác nhạc và bảo trợ truyền thông là Công ty Truyền thông Lê Phạm.
“Chuyện đạo hát” có nội dung kể về cuộc sống của những nghệ sĩ hát cải lương. Lý do nào anh lại chọn chủ đề như vậy cho bộ phim đầu tay của mình?
Năm nay là năm kỷ niệm 100 ngày ra đời của bản Dạ cổ hoài lang. Đây cũng là cột mốc mà bộ môn cải lương lấy làm năm ra đời. Mình suy nghĩ cải lương là di sản của nhân loại, một niềm tự hào của người Việt, đặc biệt nhất là tại vùng sông nước miền Tây, thì tại sao với một dịp ý nghĩa như vậy lại không có một sự kiện gì đặc biệt để nhớ đến. Chính vì vậy, trong 2 năm qua mình đã ấp ủ và được sự hỗ trợ, khuyến khích của anh Bảo Đăng mà mình đã quyết định bắt tay vào làm “Chuyện đạo hát”.
Anh xuất thân trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật không?
À không. Mình là người duy nhất trong gia đình theo sân khấu nghệ thuật. Cả nhà mình từ trước tới giờ không ai theo nghề này.
Lý do gì anh theo đuổi con đường này, và anh có gặp sự cản trở gì từ phía gia đình?
Có chứ. Trước đây mình học ở trường là định theo ngành kiến trúc. Khi bắt đầu theo con đường nghệ thuật, vài năm đầu, mình tuyệt đối giấu gia đình, không muốn họ lo lắng và không muốn tự tạo áp lực không đáng có cho bản thân. Nhưng sau đó, khi gia đình biết được và hiểu được nghề mình làm, thì mọi người bắt đầu thông cảm và dành sự ủng hộ. Còn về lý do theo đuổi, thì do nhiều cơ duyên. Bắt đầu là từ việc thích rồi khi thử qua các nghề từ chuyên môn kiến trúc, đến design rồi cascadeur, được tiếp xúc với các anh chị đi trước, dần dần mình thấy có khả năng làm biên kịch. Vậy là mình thử sức và rồi quyết định theo nghề đạo diễn cùng bộ phim đầu tay “Chuyện đạo hát” này.
Là một người trẻ, anh suy nghĩ gì về giới trẻ ngày nay khi đón nhận bộ môn nghệ thuật cải lương?
Không như các thế hệ trước, giới trẻ ngày nay có điều kiện tiếp xúc với các hình thức giải trí rất đa dạng và phong phú như: phim, ca nhạc, thể thao, bóng đá, gameshow… Giới trẻ có nhiều lựa chọn để quyết định mình xem gì, nghe gì. Vì vậy, cải lương bị cạnh tranh và dần mất đi chỗ đứng và cũng ít được hâm mộ như vài chục năm trước. Bên cạnh đó, như một tâm lý in vào đầu, nghe cải lương là cổ hủ, nghe cải lương như ông già, bà già… từ từ làm cho các bạn trẻ dần thấy cải lương xa lạ và không còn sự mặn mà như xưa.
Vậy với “Chuyện đạo hát” anh hy vọng điều gì khi phim được công chiếu?
Mình cũng không đặt quá nhiều kì vọng vào bộ phim này. Mình có lẽ là kiểu người hơi hoài cổ. Mình thích làm cái gì thì nó phải khác biệt một chút. “Chuyện đạo hát” cho mình được thỏa mãn phần nào điều đó. Làm “Chuyện đạo hát” như trên chia sẻ, mình muốn làm gì đó cho bộ môn cải lương, khi kỷ niệm 100 năm ra đời. Thời điểm ra mắt bộ phim cũng gần với dịp giỗ Tổ nghề sân khấu. Từ đó, mình cũng muốn tri ân những người làm nghề đi trước. Mong muốn bắt đầu theo nghề bằng một hoài niệm và với tất cả đam mê của mình.
Xin cảm ơn anh!
“Chuyện đạo hát” là một một dự án phim ngắn của Đạo diễn trẻ Đổng Tường.
Phim dự kiến ra mắt vào ngày 18/09 sắp tới tại Lotte Mart Gò Vấp.
Phong Lan